Đối phó với bệnh trầm cảm

Bệnh trầm cảm đang có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại. Hậu quả của bệnh không chỉ là chi phí y tế mà còn có thể gây nhiều bất ổn trong xã hội. Thực tế, các vụ tự sát, giết người hàng loạt gây rúng động thế giới, không ít thủ phạm bị bệnh này.

Rối loạn trầm cảm là một nhóm bệnh bao gồm: trầm cảm chủ yếu, loạn khí sắc, trầm cảm do một chất và trầm cảm do một bệnh thực tổn.

Rối loạn trầm cảm chủ yếu được đặc trưng bởi một hay nhiều giai đoạn trầm cảm, bệnh nhân phải có ít nhất 5 triệu chứng chủ yếu và hay gặp, trong đó có ít nhất một trong hai triệu chứng chủ yếu là khí sắc giảm và mất hầu hết các hứng thú/sở thích. Các giai đoạn trầm cảm phải kéo dài ít nhất hai tuần. Bệnh nhân không có tiền sử lạm dụng chất (rượu, ma túy, thuốc) và chấn thương sọ não.

Loạn khí sắc được đặc trưng bởi khí sắc giảm phối hợp với một số triệu chứng trầm cảm mức độ nhẹ, kéo dài liên tục ít nhất 2 năm, trong đó không có một giai đoạn nào dài trên 2 tháng mà bệnh nhân không còn các triệu chứng của trầm cảm.

Trầm cảm do một chất được đặc trưng bởi một hay nhiều giai đoạn trầm cảm là hậu quả trực tiếp của việc sử dụng một chất (rượu, ma  túy, corticoid).

Trầm cảm do một bệnh cơ thể được đặc trưng bởi một hay nhiều giai đoạn trầm cảm là hậu quả trực tiếp của một bệnh cơ thể gây ra (viêm loét dạ dày - hành tá tràng, viêm đa khớp dạng thấp, tăng huyết áp, đái tháo đường...).

Rối loạn trầm cảm được chia thành một giai đoạn duy nhất (chưa tái phát) hoặc nhiều giai đoạn (đã tái phát). Trong mỗi giai đoạn trầm cảm, có thể có các mức độ sau: Mức độ nhẹ, vừa, nặng, có loạn thần, lui bệnh không hoàn toàn và lui bệnh hoàn toàn.

Các nghiên cứu về rối loạn trầm cảm đã cho thấy nguy cơ bị bệnh này trong toàn bộ cuộc đời là 15% - 25% cho nữ và 5% - 12% cho nam. Ở hầu hết các quốc gia, không phân biệt về văn hóa, đều thấy tỷ lệ trầm cảm ở nữ cao hơn ở nam từ 1,5 đến 3 lần. Lý do của sự khác biệt này có thể do khác nhau về hormon và do phụ nữ phải sinh con.

Ở tuổi thiếu niên thì nam và nữ có tỷ lệ trầm cảm như nhau. Trầm cảm có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, từ vị thành niên đến người già, nhưng trầm cảm hay gặp nhất là độ tuổi 40. Tỷ lệ bệnh nhân trầm cảm là thanh niên và vị thành niên đang tăng lên, nguyên nhân là do lạm dụng rượu, ma túy và đặc biệt là game điện tử. Nhìn chung trầm cảm hay gặp hơn ở người còn độc thân, góa, li dị. Các công trình nghiên cứu gần đây chứng minh rằng kết hôn làm cho tình trạng trầm cảm giảm đi ở cả hai giới.

 

Nguyên nhân gây trầm cảm

Yếu tố sinh học

Các chất dẫn truyền thần kinh trung ương: Nhiều nghiên cứu đã nhận thấy các thay đổi về nồng độ của các chất dẫn truyền thần kinh trung ương như serotonin, noradrenalin, dopamin... trong máu, nước tiểu và dịch não tủy của bệnh nhân trong giai đoạn trầm cảm. Các bất thường này cho phép chúng ta nghĩ rằng giai đoạn trầm cảm là sự phối hợp bất thường của các amin sinh học.

Noradrenalin: Trong giai đoạn trầm cảm, mật độ thụ cảm thể beta adrenergic giảm sút đáng kể so với người bình thường.

Vai trò của gene di truyền: Gene di truyền đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của bệnh trầm cảm. Nhưng các gene di truyền tuân theo một cơ chế rất phức tạp. Tuy gene di truyền là rất quan trọng, nhưng không thể phủ nhận vai trò của yếu tố tâm lý xã hội ở một số trường hợp trầm cảm.

Các gene di truyền điều tiết việc sản xuất serotonin ở não. Do các gene này làm việc không tốt nên não người bệnh sản xuất không đủ lượng serotonin cần thiết cho nhu cầu hàng ngày (chỉ còn bằng 30-70% người bình thường) khiến sự dẫn truyền thần kinh trong tổ chức não bị rối loạn.

Trầm cảm do nhiều gene bệnh gây ra chứ không phải do một gene đơn lẻ. Người nào mang càng nhiều gene bệnh thì sẽ có khởi phát bệnh càng sớm và triệu chứng càng đa dạng.

Yếu tố xã hội

Các stress từ môi trường sống: Yếu tố stress chỉ có vai trò trong khởi phát của giai đoạn trầm cảm đầu tiên mà thôi. Chúng được coi là yếu tố thuận lợi cho khởi phát của trầm cảm chứ không phải là nguyên nhân gây ra trầm cảm. Từ cơn trầm cảm thứ hai trở đi, vai trò của yếu tố stress là không cần thiết (bệnh tự tái phát mà không cần có stress).

Yếu tố chấn thương tâm lý quan trọng nhất gây ra giai đoạn trầm cảm được các tác giả thừa nhận là mất bố (mẹ) trước năm 11 tuổi. Yếu tố chấn thương tâm lý thường gặp nhất cho giai đoạn trầm cảm là mất vợ (chồng). Yếu tố khác là thất nghiệp cũng hay gặp cho giai đoạn này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top