Bệnh Crohn đại tràng là bệnh lý đường ruột mạn tính. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khá nặng nề và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, sinh hoạt của người bệnh. Những thông tin sau đây sẽ giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức bổ ích về căn bệnh này.
Đây là một bệnh viêm ruột thể mạn tính. Bệnh chủ yếu gây loét thành trong của ruột non và ruột già, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến bất cứ bộ phận nào ở hệ tiêu hóa. Bệnh còn có tên gọi khác là u hạt viêm ruột, viêm khu vực đại tràng, viêm ruột khu vực hoặc viêm manh tràng.
Bệnh có xu hướng dễ xảy ra giữa những người thân trong gia đình, họ hàng. Đặc điểm của bệnh là sau khi xuất hiện và tiến triển, tình trạng sẽ thuyên giảm nhưng sau đó lại chuyển sang tái phát.
– Triệu chứng bệnh cấp tính: Bệnh có biểu hiện và diễn biến giống viêm ruột thừa cấp. Đó là các dấu hiệu: sốt cao 39-40 độ C, đau bụng vùng hố chậu phải, đau sau khi ăn, đại tiện xong thì giảm đau. Người bệnh buồn nôn và nôn, có trường hợp đi ngoài lỏng, phân có lẫn máu. Bụng chướng, ấn đau, đôi khi sờ thấy một khối dài ở hố chậu phải. Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng.
– Triệu chứng bệnh mạn tính: Khi ở dạng mạn tính, bệnh Crohn đại tràng tiến triển chậm, thời gian kéo dài 2-4 năm hoặc hơn. Lúc này các biểu hiện của bệnh cũng tương tự như thể cấp tính, song có kèm theo chứng thiếu máu và các biến chứng như thủng ruột, hẹp lòng ruột, rò từ hồi tràng vào đại tràng, bàng quang và các cơ quan lân cận khác. Khi người bệnh được chụp X-quang đại tràng sẽ thấy rõ hình ảnh quai ruột hồi tràng bị giãn hay hẹp. Ngoài ra còn thấy các tổn thương viêm loét hoặc các đường rò.
Một số nghiên cứu khoa học cho thấy những yếu tố có khả năng gây bệnh bao gồm:
– Môi trường xung quanh. Môi trường kém vệ sinh, ô nhiễm sẽ tạo điều kiện cho bệnh Crohn đại tràng xuất hiện và tiến triển.
– Chế độ ăn uống. Các thực phẩm và đồ uống có hại khi bị đưa vào cơ thể sẽ dẫn tới các tổn thương lên các cơ quan như đại tràng, ruột.
– Yếu tố di truyền. Bệnh có xu hướng dễ xảy ra giữa những người thân trong gia đình, họ hàng. Như vậy, khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn nếu người đó có người thân bị mắc bệnh Crohn. Bệnh cũng phổ biến ở người thân của bệnh nhân viêm loét đại tràng.
– Nhiều bằng chứng y học cho thấy hút thuốc lá cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Crohn.
– Phương pháp nội khoa: Đây là phương pháp điều trị chủ yếu cho người mắc bệnh Crohn đại tràng. Khi người bệnh đi khám, bác sĩ thường chỉ định cho uống các loại kháng sinh, sinh tố, thuốc chứa corticoid, các thuốc giảm miễn dịch và thuốc điều trị triệu chứng. Cần dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh cần kết hợp với nghỉ ngơi, ăn uống phù hợp. Nên nghỉ ngơi cho khi hết các triệu chứng. Nên ăn các thức ăn nhiều năng lượng.
– Điều trị phẫu thuật: Phẫu thuật ngoại khoa là cách điều trị duy nhất cho các trường hợp bệnh Crohn ở mức độ nghiêm trọng. Khi đó bệnh gây thủng ruột, chảy máu không cầm được, các trường hợp biến chứng nhiễm khuẩn, trường hợp có lỗ rò giữa ruột với các bộ phận khác trong cơ thể.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh