Trào ngược dạ dày gây ho đờm trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống hàng ngày. Bệnh dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh về đường hô hấp khác như cảm cúm, viêm họng, viêm phổi,.. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này và cách phân biệt với các bệnh trên, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.
1. Tại sao trào ngược dại dày gây ho đờm
Trào ngược dạ dày là một bệnh lý thường gặp của đường tiêu hoá. Xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới bị yếu, chúng mở ra ngay cả khi không có thức ăn xuống dạ dày. Điều này khiến cho axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản và gây ra các triệu chứng khó chịu như ợ nóng, ợ chua, buồn nôn,…
Ở những bệnh nhân bị trào ngược nghiêm trọng, lượng thức ăn và axit khi bị đẩy lên trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và vi rút tấn công, phát triển và khiến cổ họng bị tổn thương. Khi ấy, các biểu mô ở đường hô hấp sẽ tiết ra chất nhầy để ngăn chặn tác nhân gây bệnh, bảo vệ cổ họng và các bộ phận khác của đường hô hấp. Đây chính là cơ chế gây ho đờm khi bị trào ngược dạ dày.
Trào ngược dạ dày gây ho đờm thường xảy ra vào ban đêm khi nằm ngủ. Bệnh sẽ nặng nề hơn trong lúc ngủ và khi mới ngủ dậy vì trong thời gian này, dạ dày sẽ nằm ngang so với thực quản và làm tăng nguy cơ bị trào ngược. Cùng với tình trạng ho có đờm, trào ngược dạ dày còn làm tăng nguy cơ mắc viêm họng, ho và một số bệnh lý về đường hô hấp khác.
2. Phân biệt ho đờm do trào ngược dạ dày với các bệnh lý hô hấp khác
Ho đờm không phải lúc nào cũng do nguyên nhân trào ngược dạ dày mà còn có thể gây ra do cảm cúm thông thường. Kết hợp với một số triệu chứng của bệnh, ta có thể xác định nguyên nhân gây ho đờm có phải do trào ngược dạ dày hay không.
– Triệu chứng ho đờm do trào ngược dạ dày: ho đờm đi kèm với cảm giác đầy hơi, tăng tiết nước bọt, hôi miệng, khó nuốt, cảm giác vướng ở cổ họng, đau tức ngực.
– Triệu chứng ho đờm do cảm cúm: ho đờm đi kèm với chảy nước mũi, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi,..
Trong đó, hôi miệng là dấu hiệu điển hình nhất giúp bạn phân biệt được giữa ho do trào ngược dạ dày và ho do các bệnh thông thường. Trào ngược dạ dày gây hôi miệng thường là triệu chứng đi kèm với ho có đờm. Bởi axit dạ dày trào ngược lên mang theo vi khuẩn không chỉ tấn công cổ họng mà còn bào mòn niêm mạc miệng gây ra mùi hôi.
3. Biến chứng trào ngược dạ dày gây ho đờm
Trào ngược dạ dày gây ho đờm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hại cho sức khỏe:
– Ho mãn tính: Người bệnh thường có thói quen ho, khạc nhổ khi bị trào ngược dạ dày kèm theo đờm. Tình trạng này kéo dài làm cổ họng bị tổn thương làm tăng nguy cơ khàn giọng, ho mãn tính và thay đổi giọng nói.
– Viêm họng: Axit trong dạ dày bị trào ngược lên sẽ kích thích và gây viêm tại thực quản. Khi bị viêm họng, người bệnh sẽ cảm thấy sưng đau, khó nuốt, khó chịu. Một số trường hợp có thể dẫn đến loét thực quản.
– Hội chứng khó thở: Nếu không được điều trị sớm, bệnh trào ngược dạ dày kèm ho đờm sẽ gây sẹo trong thực quản. Điều này làm tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng hẹp thực quản lành tính khiến người bệnh đau, khó nuốt và khó thở mãn tính.
Ngoài ra, nếu không không được điều trị kịp thời, bệnh trào ngược dạ dày có thể tiến triển theo chiều hướng xấu và có thể dẫn đến mắc bệnh Barrett thực quản. Đây là một dạng thay đổi thành phần và tính chất của niêm mạc thực quản và có thể tiến triển thành ung thư.
4. Điều trị trào ngược dạ dày gây ho đờm
Khi dạ dày bị trào ngược xuất hiện thêm ho đờm thì có nghĩa bệnh đã nặng hơn. Các triệu chứng và số lần trào ngược xuất hiện thường xuyên gây tổn thương hệ hô hấp. Lúc này, bạn cần đi khám để được bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp. Các loại thuốc thường được sử dụng trong trường hợp này bao gồm:
Thuốc kháng axit: giúp trung hòa lượng axit dư thừa trong dạ dày và nhanh chóng làm giảm các triệu chứng do trào ngược axit dạ dày gây ra.
Thuốc ức chế thụ thể H2: có tác dụng kiểm soát lượng axit dạ dày bằng cách ức chế quá trình sản xuất axit của các tế bào.
Thuốc ức chế bơm proton: có tác dụng ức chế số lượng thụ thể tạo axit dạ dày giúp làm giảm chứng ợ nóng và trào ngược axit, làm cho vết loét dạ dày mau lành hơn.
Người bệnh cần lưu ý không được tự ý mua thuốc, sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Dùng thuốc khi chưa được thăm khám hay kê đơn có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí khiến bệnh trầm trọng hơn.
5. Điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt
Thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh sẽ kéo dài thời gian điều trị, khiến bệnh ngày càng nặng hơn.
5.1 Thói quen ăn uống
– Hạn chế ăn các đồ ăn cay nóng, đồ chua, dầu mỡ, chế biến sẵn.
– Thay đổi thói quen ăn uống, chế biến thực phẩm. Ưu tiên sử dụng đồ ăn luộc, hấp thay vì thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ.
– Uống nước nhiều lần trong ngày với lượng vừa đủ giúp trung hòa axit dịch vị dạ dày.
– Hạn chế sử dụng các đồ uống chứa chất kích thích làm tăng tình trạng trào ngược dạ dày như nước uống có ga, cà phê, rượu bia, trà đặc,..
– Ăn chậm, nhai kỹ, chia nhỏ bữa ăn trong ngày giúp giảm lượng thức ăn mỗi bữa, giảm áp lực cho cơ thắt thực quản, hạn chế tình trạng trào ngược.
5.2 Thói quen sinh hoạt
– Không nên vận động quá mạnh hay nằm ngay sau khi ăn.
– Điều chỉnh thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Hạn chế thức khuya vì rất có hại cho dạ dày.
– Giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng. Stress cũng là nguyên nhân khiến bệnh ngày càng nặng hơn.
– Duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày giúp cơ thể khỏe mạnh và cải thiện tình trạng trào ngược.
Trào ngược dạ dày gây ho đờm không phải là bệnh lý hiếm gặp. Khi tình trạng này xuất hiện, người bệnh nên điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt và sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để cải thiện, tránh để bệnh tiến triển nặng thêm gây ra những hệ quả nghiêm trọng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh