Như thế nào là say nắng?

Say nắng, say nóng là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng xảy ra khi cơ thể không thể điều hòa thân nhiệt, gây mất nước. Trẻ em, người cao tuổi, người lao động ngoài trời và những người có bệnh nền là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất.

Say nóng là tình trạng cơ thể tăng nhiệt độ do ảnh hưởng từ nhiệt độ môi trường xung quanh ở mức cao và/hoặc do hoạt động thể lực quá mức, khiến hệ thần kinh trung ương mất kiểm soát đối với thân nhiệt của cơ thể. Say nóng không được khắc phục kịp thời có thể phát triển thành say nắng (sốc nhiệt). 

Say nắng là tình trạng cơ thể tăng nhiệt độ cao (trên 40 độ C), thường kết hợp với mất nước; dẫn đến hệ thống điều hòa than nhiệt của cơ thể bị mất kiểm soát, gây ra những rối loạn hệ hô hấp, thần kinh, tuần hoàn… Tình trạng say nắng thường đi kèm với say nóng.

Biểu hiện thường gặp của say nắng, say nóng

Triệu chứng ban đầu của say nắng, say nóng bao gồm: mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, da khô nóng hoặc tang tiết mồ hôi, mạch nhanh và tim đập nhanh,..

Nếu không được xử trí kịp thời, tình trạng này có thể tiến triển nặng hơn, gây sốt cao từ 40 độ C trở lên, nôn mửa, co giật, lú lẫn, kích động hoặc lờ đờ mê man, thở nhanh hoặc khó thở, hôn mê, thậm chí tử vong.

Hậu quả lâu dài của say nắng, say nóng có thể bao gồm tổn thương não, tim, gan, thận và các cơ quan khác.

 

Nguyên nhân gây say nắng, say nóng

Nguyên nhân chính gây say nắng, say nóng là do cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài, không uống đủ nước dẫn đến mất nước và rối loạn điều hòa thân nhiệt. Các yếu tố khác như mặc quần áo dày, hoạt động thể lực quá sức, sử dụng một số loại thuốc và một số bệnh lý cũng có thể làm tăng nguy cơ.

Các điều kiện môi trường cũng có thể làm tăng nguy cơ say nắng, say nóng, như: tiếp xúc trực tiếp trong thời gian dài với ánh nắng mặt trởi, không khí lưu thông kém trong nhà, ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào nơi ở, nhiệt độ môi trường quá cao... Đặc biệt, độ ẩm tương đối trong không khí từ 60% trở lên sẽ gây cản trở sự bay hơi của mồ hôi và khả năng tự làm mát của cơ thể và có thể dẫn đến say nóng.

Theo Đông y, say nắng là do "chính khí" (sức đề kháng) suy yếu và cơ thể bị "thử tà" (yếu tố gây bệnh từ bên ngoài) xâm nhập. Người có thể trạng "âm hư," "khí hư" hoặc "đàm thấp" thường dễ bị say nắng hơn.

 

Phòng tránh say nắng, say nóng – những điều cần lưu ý

Phòng tránh say nắng, say nóng là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe trong những ngày hè oi bức. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả:

  1. Uống đủ nước: uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, đặc biệt là khi trời nóng hoặc hoạt động nhiều hoặc phải làm việc ngoài trời. Nước dừa, nước chanh, nước rau má, nước ép trái cây là những lựa chọn tốt để bổ sung nước và điện giải. Nếu làm việc ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời, nên uống nước Oresal pha theo đúng chỉ dẫn hoặc các đồ uống thể thao thích hợp.
  2. Hạn chế ra ngoài vào giờ cao điểm: Tránh ra ngoài trời nắng trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Nếu phải ra ngoài, hãy mặc quần áo sáng màu, rộng rãi, đội mũ rộng vành, đeo kính râm và sử dụng kem chống nắng.
  3. Làm mát cơ thể: sử dụng quạt, điều hòa hoặc khăn ướt để làm mát cơ thể khi cần thiết. Sử dụng các loại trang phục thoáng mát, thấm hút mồ hôi như vải cotton, linen, lụa tự nhiên…
  4. Chế độ ăn uống hợp lý: ăn nhiều rau xanh, trái cây và các thực phẩm giàu vitamin C, vitamin E và beta-carotene để tăng cường sức đề kháng cho da, tang khả năng chống nóng của cơ thể. Nên sử dụng các món canh, cháo trong bữa ăn mùa hè.
  5. Tránh sử dụng các chất kích thích: hạn chế hoặc tránh sử dụng rượu bia, cà phê và các chất kích thích khác vì chúng có thể làm tăng nguy cơ mất nước.

 

Xử trí khi bị say nắng, say nóng

Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu say nắng, say nóng, hãy thực hiện các bước sau:

  1. Đưa ngay đến nơi thoáng mát: đưa người bệnh vào nơi râm mát, thoáng khí và cởi bớt quần áo.
  2. Hạ nhiệt độ cơ thể: lau mát bằng nước mát, quạt hoặc chườm đá vào các vị trí như trán, cổ, nách và bẹn.
  3. Bù nước và điện giải: cho người bệnh uống nước mát có pha muối, tốt nhất là Oresol pha đúng theo hướng dẫn nếu họ tỉnh táo và có thể uống được.
  4. Gọi cấp cứu: nếu người bệnh có dấu hiệu nặng như sốt cao, co giật, hôn mê, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Chăm sóc da sau khi bị cháy nắng

Cháy nắng là một dạng nhẹ của say nắng, gây tổn thương da do tiếp xúc quá mức với tia UV. Để làm dịu da cháy nắng, bạn có thể đắp khăn lạnh, sử dụng các loại kem bôi chứa nha đam (lô hội), dưa chuột, yến mạch hoặc trà xanh. Các loại thực phẩm giàu beta-carotene, vitamin C và E cũng có thể giúp da phục hồi nhanh chóng.

 

Cần lưu ý

Say nắng, say nóng là những tình trạng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Tuy nhiên, bằng cách hiểu rõ về các triệu chứng, nguyên nhân và biện pháp phòng tránh, chúng ta hoàn toàn có thể bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi mối đe dọa này. Hãy luôn ghi nhớ uống đủ nước, mặc quần áo thoáng mát, hạn chế ra ngoài vào giờ cao điểm và có biện pháp làm mát cơ thể khi cần thiết.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top