Những dấu hiện nhỏ xuất hiện trên cơ thể báo hiệu vấn đề sức khỏe lớn

Rất khó có thể ghi lại được mọi thay đổi nhỏ xảy ra với cơ thể, nhưng dưới đây là 9 trong số những thay đổi nhỏ quan trọng nhất bạn nên chú ý vì những dấu hiệu này có thể tiết lộ rất nhiều điều về tình trạng sức khỏe của bạn.

Mụn nhọt không biến mất

Theo một số chuyên gia da liễu, bạn nên thận trọng với các nốt mụn nhọt không lành. Rất nhiều bệnh nhân tới khám da liễu vì các nốt mụn nhọt lâu lành hoặc bắt đầu chảy máu. Và những nốt mụn nhọt lâu lành dạng này thường trở thành tế bào đầu tiên của ung thư biểu mô – dạng ung thư da thường gặp nhất. Phẫu thuật Moh’s (một dạng phẫu thuật dùng để điều trị ung thư da) là một giải pháp đơn giản có thể giúp bạn giải quyết tình trạng này mà lại ít có nguy cơ tái phát nhất.

 

Da bị đóng vảy liên tục

Trong suốt những tháng mùa đông, thì việc da bị khô và đóng vảy là hết sức phổ biến. Nhưng, bạn nên chú ý tới những mảng da đóng vảy kéo dài, không biến mất hoặc thường xuyên tái phát. Mặc dù đôi khi đây chỉ là dấu hiệu của bệnh eczema, nhưng đó cũng có thể là dấu hiệu của bệnh dày sừng quang hóa. Đây là những tổn thương tiền ung thư có nguyên nhân là do sự phá hủy của tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời, thường xuất hiện đầu tiên ở những mảng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng, ví dụ như da ở vùng mặt, vùng tóc bị hói, môi và mu bàn tay.

Do vậy, bạn nên sử dụng một sản phẩm dưỡng ẩm da có chỉ số SPF chống nắng vào mọi thời điểm để tránh mắc phải bất cứ tình trạng tổn thương da nào do ánh nắng mặt trời gây ra và phải điều trị những tổn thương này trước khi chúng phát triển đến mức nghiêm trọng hơn.

 

Có đường màu đỏ ở móng tay

Nhiều người không biết rằng móng tay có thể tiết lộ rất nhiều điều về sức khỏe của bạn. Một điều cần phải được kiểm tra ở móng tay là các đường màu đỏ xuất hiện ở móng tay. Các đường màu đỏ ở móng tay đa phần là lành tính và chỉ cho thây rằng móng tay của bạn hơi mỏng. Nhưng trong một số trường hợp, nếu đường màu đỏ xuất hiện trên nhiều móng tay, thì đó có thể có nguyên nhân là do tình trạng viêm ở gốc móng tay, gây ra bởi nhiều tình trạng khác nhau như bệnh vẩy nến hoặc bệnh liken phẳng ( lichen planus). Khi chỉ có một móng tay có xuất hiện đường màu đỏ, thì nguyên nhân có thể là do nhiều sự phát triển lành tính khác nhau ở móng tay, bao gồm u mỡ, u xơ hoặc mụn thịt.

Nếu các đường màu đỏ ở móng tay của bạn thay đổi, ví dụ như những đường này trở nên rộng hơn, thì bạn nên đi khám bác sỹ.

 

Thay đổi các vết tàn nhang hoặc các nốt ruồi ở mặt

Nốt ruồi ở mặt và các vết tàn nhang sẽ thay đổi theo từng tuổi, nhưng bạn có thể thực hiện theo cách đánh giá ABCDE dưới đây để xem xem, những thay đổi đó có nghiêm trọng hay không. Hướng dẫn kiểm tra ABCDE bao gồm kiểm tra các đặc điểm sau đây:

  • Không đối xứng (Asymmetry)
  • Đường viền bất thường (Border irregularity)
  • Màu bất thường (Color), ví dụ như nhiều sắc thái khác nhau của màu nâu, màu đen, màu xanh lá cây, màu xanh lam, màu đỏ
  • Đường kính (Diameter): lớn hơn 0.5cm
  • Sự tiến triển (Evolution)

5 đặc điểm trên sẽ giúp bệnh nhân và bác sỹ chẩn đoán được các tổn thương nghiêm trọng hơn như ung thư hắc sắc tố da.

 

Môi nứt nẻ

Môi nứt nẻ thường là tình trạng hay gặp khi thời tiết trở lạnh. Nhưng đó cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm môi do ánh sáng (actinic cheilitis) – một tình trạng tiền ung thư khiến môi bị khô và nứt nẻ. Khi những tổn thương do ánh nắng mặt trời được nhận ra sớm, thì những tổn thương tại môi có thể hồi phục được bằng việc sử dụng kem chống nắng một cách thận trọng. Điều quan trọng mà bạn cần nhớ đó là viêm môi do ánh sáng nếu không được điều trị có thể dẫn đến ung thư biểu mô tế bào vảy tại môi. Những ngừơi bị thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và có những tổn thương không hồi phục tại môi hoặc tổn thương chảy máu tại môi cần được đến khám bác sỹ.

 

Lông mày mỏng

Khi chúng ta già đi, thì lông tóc trên cơ thể cũng sẽ rụng dần một cách rất tự nhiên. Nhưng, bạn nên chú ý hơn tới lông mày của mình. Vì lông mày mỏng có thể là dấu hiệu của bệnh suy giáp và bạn cần đến khám bác sỹ để được tiến hành các xét nghiệm cần thiết. Nếu rụng lông tóc là hậu quả của bệnh tại tuyến giáp, thì bạn sẽ cần phải điều trị tận gốc nguyên nhân. Điều trị các vấn đề về tuyến giáp có thể bằng việc dùng thuốc, phẫu thuật, thay đổi chế độ ăn và bổ sung thực phẩm chức năng hoặc thảo mộc.

 

Các nếp gấp da của cơ thể dày lên hoặc có màu tối hơn

Bệnh gai đen (Acanthosis nigricans) là một rối loạn mà vùng da tại các phần có nếp gấp da (ví dụ như dưới nách, háng hoặc da vùng cổ) trở nên tối màu hơn. Những sự thay đổi này thường rất khó thấy nhưng có thể là dấu hiệu của việc kháng insulin và bạn nên đến khám bác sỹ càng sớm càng tốt. Trẻ em mắc phải tình trạng này sẽ có nguy cơ bị tiểu đường typ 2 cao hơn.

 

Loét miệng

Theo thống kê, có khoảng 60% dân số Mỹ bị nhiễm virus herpes có thể gây loét miệng. Những người có vết loét hoặc các tổn thương lớn không lành trong vài tuần nên đến gặp bác sỹ để loại trừ các tình trạng nhiễm trùng ít gặp hoặc các bệnh tự miễn.

 

Đốm trắng ở móng tay

Một trong số những vấn đề cũng tương đối thường gặp là xuất hiện các đốm trắng tại móng tay. Thông thường, nguyên nhân của những tình trạng này thường không nghiêm trọng (ví dụ như tổn thương lớp biểu bì).

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thì những đốm trắng trên móng tay cần được xem xét kỹ. Một số người sẽ có những thay đổi tại móng tay dễ nhận thấy hơn ví dụ như móng tay tái nhợt. Trong những trường hợp như vậy, nếu bạn mắc các bệnh tim mạch, bệnh thận bệnh gan hoặc thiếu protein và vitamin thì bạn nên được bác sỹ đánh giá.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top