Những nguyên nhân gây nên sẹo lồi

Khi da bị tổn thương, những mô sẹo sẽ được hình thành khi vết thương đã được sửa chữa. Trong một số trường hợp, mô sẹo phát triển quá phát tạo thành sẹo lồi. Sẹo lồi có thể có kích thước lớn hơn nhiều so với vết thương cũ; thường gặp nhất ở ngực, vai, dái tai và má. Tuy nhiên, sẹo lồi cũng có thể gặp ở bất kì vị trí nào trên cơ thể.

Mặc dù sẹo lồi không có hại cho sức khỏe, nhưng chúng có thể gây ra mất thẩm mỹ.

Triệu chứng

Sẹo lồi xảy ra khi mô sẹo phát triển quá phát trên những vị trí đã có tổn thương da trước đó. Những triệu chứng của sẹo lồi có thể bao gồm:

  • Một khu vực có màu da, màu hồng hoặc đỏ
  • Vùng da gồ lên
  • Mô sẹo tiếp tục phát triển lớn lên theo thời gian
  • Ngứa da

Sẹo lồi thường có kích thước lớn hơn vết thương gốc và có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để phát triển đầy đủ.

Sẹo lồi có thể gây ngứa nhưng thường không có hại cho sức khỏe. Bạn có thể cảm thấy không thoải mái, căng tức hoặc ngứa khi mặc quần áo hoặc những đồ tạo ma sát khác. Trong những trường hợp hiếm gặp, bạn có thể bị sẹo lồi ở một diện tích đáng kể trên cơ thể. Khi đó những mô sẹo cứng, căng có thể gây hạn chế cử động.

Sẹo lồi thường gây vấn đề về thẩm mỹ hơn là sức khỏe. Bạn có thể cảm thấy tự ti nếu sẹo lồi có kích thước rất lớn hoặc ở vị trí dễ nhìn, ví dụ như dái tai hoặc trên mặt. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể làm đổi màu mô sẹo, khiến sẹo trở nên sẫm màu hơn so với vùng da xung quanh và trông nổi bật hơn. Vì vậy, bạn nên che phủ sẹo khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để ngăn ngừa đổi màu.

 

Nguyên nhân

Hầu hết các loại tổn thương da đều có thể gây ra sẹo lồi như:

  • Sẹo do trứng cá
  • Bỏng
  • Sẹo do thủy đậu
  • Xỏ khuyên tai
  • Trầy xước, chấn thương
  • Sẹo phẫu thuật
  • Sẹo sau tiêm phòng

Theo ước tính có khoảng 10% dân số bị sẹo lồi, nam và nữ có tỉ lệ ngang nhau. Những người da màu dễ bị sẹo lồi hơn.

Những yếu tố nguy cơ khác liên quan đến sẹo lồi bao gồm:

  • Người gốc châu Á
  • Người gốc La Tinh
  • Mang thai
  • Dưới 30 tuổi

Sẹo lồi có khuynh hướng liên quan đến gen, nghĩa là bạn có thể bị sẹo lồi nếu có bố hoặc mẹ bị sẹo lồi. Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Henry Ford ở Detroit, Michigan, gen AHNAK có thể đóng vai trò trong việc phát triển sẹo lồi. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những người mang gen này dễ bị sẹo lồi hơn những người không mang gen.

Nếu bạn có nguy cơ bị sẹo lồi, bạn nên tránh gây ra những vết thương trên da, như các phẫu thuật không cần thiết hoặc săm mình.

 

Khi nào cần đến bác sĩ?

Sẹo lồi thường không cần can thiệp y tế, nhưng bạn có thể cần đến gặp bác sĩ nếu sẹo vẫn tiếp tục phát triển, xuất hiện thêm các triệu chứng khác, hoặc nếu bạn muốn cắt bỏ sẹo lồi.

Sẹo lồi là lành tính nhưng những khối phát triển không kiểm soát có thể là dấu hiệu của ung thư da. Sau khi chẩn đoán sẹo lồi bằng khám lâm sàng, bác sĩ có thể làm sinh thiết để loại trừ bệnh lí khác.

 

Điều trị

Quyết định điều trị sẹo lồi có thể là một trong những quyết định khó khăn. Sẹo lồi là kết quả của sự tự sửa chữa của cơ thể. Sau khi cắt bỏ sẹo lồi, mô sẹo có thể phát triển trở lại và thường là lớn hơn trước.

Một số biện pháp để điều trị sẹo lồi:

  • Tiêm corticoid để giảm viêm
  • Dầu giữ ẩm để làm mềm các mô
  • Sử dụng miếng dán gel silicon, băng áp lực sau chấn thương
  • Làm đông lạnh mô để tiêu diệt các tế bào da
  • Điều trị bằng laser để giảm mô sẹo
  • Xạ trị để làm co nhỏ sẹo

Ban đầu, bác sỹ sẽ sử dụng những giải pháp ít xâm lấn như miếng dán silicon hoặc băng áp lực, tiêm thuốc. Những giải pháp này đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên và cẩn thận để đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, sẹo lồi có xu hướng co nhỏ và trở nên bằng phẳng theo thời gian cho dù không điều trị gì.

Đối với những sẹo lồi rất lớn, có thể cần phẫu thuật để cắt bỏ. Theo Tạp chí Dermatology Online, tỉ lệ sẹo lồi xuất hiện lại khá cao sau phẫu thuật. Bác sĩ có thể tiêm cho bạn corticoid sau phẫu thuật để giảm nguy cơ sẹo lồi phát triển trở lại.

 

Tiên lượng

Mặc dù sẹo lồi hiếm khi gây ra những tác dụng phụ nhưng nó có thể khiến bạn bực mình và đôi khi làm bạn lúng túng. Điều trị sẹo lồi có thể gặp khó khăn và không phải luôn hiệu quả. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần phòng tránh những tổn thương da có thể dẫn đến sẹo lồi.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top