✴️ Nang Tarlov: chẩn đoán và điều trị

Nang Tarlov là gì?

Nang Tarlov là cấu trúc nang chứa đầy dịch quanh rễ thần kinh, thường gặp nhiều nhất ở vùng xương cùng, phần cuối của cột sống. Nang điển hình hay hình thành dọc theo các rễ thần kinh sau. Các nang này có thể có hoặc không có van. Tính chất chính giúp phân biệt nang Tarlov với tổn thương khác là sự hiện diện của sợi rễ thần kinh trong thành nang hoặc bên trong nang.

Do vị trí gần khu vực vùng chậu thấp, bệnh nhân có thể bị chẩn đoán nhầm với thoát vị đĩa đệm thắt lưng, viêm màng nhện, và ở phụ nữ, có thể bị chẩn đoán nhầm với các bệnh phụ khoa. Việc chẩn đoán chính xác có thể phức tạp hơn nếu bệnh nhân có bệnh khác ảnh hưởng đến vùng chậu.

 

Mức độ phổ biến của nang Tarlov

Nang Tarlov nhỏ và không triệu chứng thực sự hiện diện trong khoảng 5 – 9 phần trăm dân số chung. Tuy nhiên, nang lớn có triệu chứng là tương đối hiếm. Nang Tarlov đầu tiên đã được xác định trong năm 1938 nhưng kiến thức khoa học về nang này vẫn còn rất hạn chế.

Trong một cuộc khảo sát về nang Tarlov gần đây, ước tính có khoảng 86,6% là nữ, và 13,4 % là nam giới. Bệnh này gặp ở phụ nữ thường hơn nam giới. Phần lớn những người có bệnh trong khảo sát nằm trong độ tuổi từ 31 tới 60, với tổng cộng 80,4 % bệnh trong nhóm tuổi đó.

Ước tính có khoảng 33 % số người tham gia khảo sát có một nang hoặc nhiều nang ở các bộ phận khác của cơ thể, thường gặp nhất là bụng hoặc tay và cổ tay.

Ước tính có khoảng 3 % số người được hỏi không bị đau. 4,2 % đánh giá mức độ đau của họ là rất nhẹ . 7,6 % là nhẹ. 31,5 % là vừa phải. 38,6 % là đau nhiều và 15,1 % là rất nhiều.

 

Nguyên nhân gây các triệu chứng của nang Tarlov

Mặc dù nguyên nhân chính xác chưa được biết. Có nhiều giả thuyết về những nguyên nhân khiến nang Tarlov không có triệu chứng thành có triệu chứng. Như ghi nhận được ở một số ca, tai nạn, té ngã ảnh hưởng đến khu vực xương cùng – cụt khiến những nang Tarlov chưa được chẩn đoán trước đây bùng phát triệu chứng.

 

Triệu chứng nang Tarlov

Sự gia tăng áp lực trong hoặc lên thành nang có thể làm tăng các triệu chứng và gây tổn thương thần kinh. Ngồi, đứng, đi bộ, và cúi người thường gây đau và thường thì tư thế giảm đau duy nhất là nằm nghiêng về một bên. Triệu chứng rất khác nhau tùy bệnh nhân, có thể bùng phát và sau đó giảm đi. Những triệu chứng sau đây có thể xuất hiện ở bệnh nhân có nang Tarlov.

  • Đau ở vùng của các dây thần kinh bị ảnh hưởng bởi nang, đặc biệt là vùng mông.
  • Yếu cơ.
  • Khó ngồi lâu.
  • Mất cảm giác trên da.
  • Mất phản xạ.
  • Thay đổi đi tiêu ví dụ như táo bón.
  • Thay đổi trong chức năng bàng quang bao gồm tiểu lắt nhắt hoặc tiểu không tự chủ.
  • Thay đổi trong chức năng tình dục.

 

Chẩn đoán nang Tarlov

Nang Tarlov khó chẩn đoán vì hiểu biết về bệnh còn hạn chế và vì nhiều triệu chứng có thể giống với các bệnh khác. Hầu hết bác sĩ gia đình (bác sĩ đa khoa) thường sẽ không nghĩ đến chẩn đoán nang Tarlov. Tốt nhất là nên tham vấn bác sĩ Ngoại thần kinh có kinh nghiệm về điều trị tình trạng này.

Nang Tarlov có thể được phát hiện khi bệnh nhân đau lưng hoặc đau thần kinh tọa được chụp cộng hưởng từ (MRI). Bệnh nên được theo dõi bằng hình ảnh học, nhất là chụp CT tuỷ đồ (chụp CT scan có bơm thuốc kênh tủy).

Nếu một bệnh nhân có vấn đề về bàng quang và tìm đến một bác sĩ tiết niệu, một vài xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán nang Tarlov. Các xét nghiệm niệu khoa tiêu chuẩn cho nang Tarlov là nhằm xác định xem bệnh nhân có triệu chứng bàng quang hỗn loạn thần kinh không. Trong khảo sát niệu động học (urodynamics), bàng quang được bơm đầy nước qua ống thông và các đáp ứng của bàng quang được ghi nhận. Soi bàng quang là kỹ thuật đưa một ống với một máy quay phim nhỏ vào bàng quang qua niệu đạo. Bàng quang hỗn loạn thần kinh sẽ biểu hiện co cơ quá mức. Một xét nghiệm nữa có thể làm là siêu âm thận để xem nước tiểu trào ngược lên thận không.

Điều trị không phẫu thuật nang Tarlov

Phương pháp điều trị không phẫu thuật bao gồm dẫn lưu dịch não tủy thắt lưng, chọc hút nang dưới hướng dẫn CT. Một kỹ thuật mới hơn là hút dịch não tủy trong nang và sau đó bơm keo fibrin (keo sinh học) lấp đầy nang. Thật không may, không có thủ thuật nào trong những cách này có thể ngăn chặn tái phát ở các nang có triệu chứng.

 

Phẫu thuật nang Tarlov

Phẫu thuật nang Tarlov bao gồm bộc lộ vùng cột sống nơi có nang Tarlov. Nang được cắt mở ra, tháo lưu dịch nang và sau đó bơm đầy keo fibrin hoặc các chất khác vào để ngăn chặn tái phát.

Các kỹ thuật phẫu thuật khác cho nang Tarlov có triệu chứng bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt bản sống giải ép đơn giản (simple decompressive laminectomy)
  • Phẫu thuật cắt nang và / hoặc cắt bỏ rễ thần kinh
  • Phẫu thuật mở nang vi phẫu và khâu ghép.

Hiện xu hướng phẫu thuật cho nang Tarlov ở Việt Nam là phá nang vi phẫu và ngừa tái phát bằng kẹp clip hay khâu cột cuống nang.

Các tác giả của một nghiên cứu ghi nhận rằng bệnh nhân có nang Tarlov lớn hơn 1,5 cm và đau lan toả liên quan rễ thần kinh hoặc rối loạn chức năng bàng quang hay đại tràng sẽ đáp ứng  điều trị phẫu thuật tốt nhất. Tuy nhiên, lợi ích luôn luôn phải được cân nhắc với nguy cơ của phẫu thuật mang lại.

 

Kết quả sau phẫu thuật nang Tarlov

Sau phẫu thuật, dò dịch não tủy là biến chứng thường gặp nhất. Nhưng chúng có thể tự liền trong một số trường hợp. Bệnh nhân có thể được hướng dẫn nằm trên giường với chân giường nâng cao lên và mang áo nẹp (corset) để giảm sưng. Nguy cơ biến chứng viêm màng não vi trùng là có, dù là thấp. Mặc dù một số bệnh nhân ghi nhận sự giảm đau đáng kể, kết quả tiêu cực phổ biến nhất là ca mổ không giải quyết được các triệu chứng. Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể làm cho triệu chứng đã có nặng hơn nữa hoặc có thể gây ra triệu chứng mới.

Khi tất cả các lựa chọn điều trị đều không có hiệu quả, điều tiên quyết là bệnh nhân phải chấp nhận một số thay đổi sinh hoạt cần thiết và tuân thủ phác đồ kiểm soát đau với bác sĩ. Với kiểm soát đau có giám sát, và hỗ trợ nhóm đồng bệnh, bệnh nhân có thể thích nghi được với nó và cải thiện chất lượng cuộc sống của mình.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top