Bé D.H.Đ.K, 9 tuổi, bắt đầu xuất hiện những cơn co giật tay, mặt, tiến triển thành nửa một bên người từ năm 8 tuổi, số cơn mỗi ngày càng tăng dần, khiến bé phải nghỉ học, xa thầy cô và bạn bè. Bé được ba mẹ đưa đi khám bệnh tại nhiều nơi, được chẩn đoán mắc bệnh động kinh và điều trị nội khoa bằng nhiều thuốc chống động kinh, cũng như nhiều liệu pháp điều trị khác. Tuy nhiên tình trạng của bé không cải thiện, số cơn co giật tiếp nối không ngừng cả ngày lẫn đêm, khiến toàn bộ thời gian của bé gắn liền với giường bệnh của bệnh viện, bé rơi vào tình trạng mắc các bệnh nhiễm khuẩn do nằm viện kéo dài, suy dinh dưỡng. Như vậy, bé đã có tình trạng động kinh kháng thuốc. Ba mẹ bé được giới thiệu đến với nhóm phẫu thuật động kinh tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương với hy vọng tìm được một cơ may chữa khỏi bệnh cho bé.
Khi tiếp nhận, bệnh nhi được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán động kinh cần thiết. Các bác sĩ của nhóm phẫu thuật động kinh gồm các chuyên gia động kinh, phẫu thuật viên động kinh, bác sĩ nhi khoa, bác sĩ gây mê hồi sức của bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã hội chẩn rất kỹ lưỡng tình trạng của bệnh nhân xác định bé có tình trạng viêm tiển triển ảnh hưởng nửa bán cầu bên phải cần phẫu thuật cắt nửa bán cầu phải, đồng thời bé cũng có các bệnh nặng kèm theo như viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, suy thượng thận, suy dinh dưỡng nặng, nguy cơ phẫu thuật và sau mổ cao, cần được chuẩn bị sẵn sàng mọi biến cố có thể xảy ra.
Sau khi được ổn định thể trạng trước mổ, cuối cùng bé K. được tiến hành phẫu thuật cắt nửa bán cầu để chữa bệnh động kinh. Sau mổ là một khoảng thời gian quan trọng. Bệnh nhi được hồi tỉnh và rút ống thở, tự thở tốt, không còn xuất hiện các cơn co giật. Bé được nhóm phẫu thuật động kinh tiếp tục theo dõi tình trạng vết mổ, điều chỉnh các thuốc chống động kinh phối hợp chặt chẽ chăm sóc hậu phẫu bởi các bác sĩ chuyên khoa Nhi tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Mô bệnh phẩm xác định bé mắc bệnh viêm não Rasmussen. Hiện tại, bé đã ổn định, vết mổ lành tốt, xuất viện, trở về lại với gia đình, tái khám theo dõi sát bởi nhóm phẫu thuật động kinh.
Ekip phẫu thuật viên đang thực hiện phẫu thuật loại bỏ vùng sinh động kinh
ThS BS Nguyễn Huệ Đức cho biết các tổn thương đến một bán cầu như nhồi máu não động mạch não giữa chu sinh, phì đại nửa bán cầu não, hội chứng Sturge–Weber hoặc các loạn sản vỏ não lan tỏa, cũng như các bệnh mắc phải như trường hợp bé K. là viêm não Rasmussen có thể gây động kinh kháng thuốc. Động kinh là bệnh lý thần kinh mạn tính, nghiêm trọng, thường được điều trị khởi đầu bằng thuốc chống động kinh. Tuy nhiên, có đến một phần ba bệnh nhân động kinh vẫn tiếp tục kháng thuốc. Động kinh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, gánh nặng đối với gia đình và xã hội. Đôi khi bệnh động kinh bị lầm tưởng với các bệnh tâm thần, dẫn đến thái độ xa lánh bệnh nhân động kinh.
Các chuyên gia động kinh, phẫu thuật viên động kinh bệnh viện Nguyễn Tri Phương
cùng các đồng nghiệp tại Hội nghị Phẫu thuật động kinh Châu Á năm 2024
Tổ chức Chống động kinh thế giới khuyến cáo bệnh nhân động kinh kháng thuốc nên được đánh giá để phẫu thuật động kinh, nhằm đạt được tình trạng hết co giật bằng cách loại bỏ vùng sinh động kinh, đồng thời bảo tồn được vùng vỏ não chức năng. Theo TS.BS. Phạm Anh Tuấn – Trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, với những tổn thương lan tỏa rộng cả một bán cầu, đây là lần đầu tiên phẫu thuật cắt nửa bán cầu để điều trị động kinh được thực hiện hoàn toàn bởi nhóm các bác sĩ chuyên về động kinh của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này đến từ thành quả tích lũy kinh nghiệm học tập và làm việc nghiêm túc hơn 10 năm qua của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Qua đó mở ra nhiều cơ hội, phương pháp điều trị động kinh kháng thuốc cho bệnh nhân động kinh kháng thuốc. Không dừng lại ở đó, nhóm phẫu thuật động kinh tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp tục cập nhật các phương pháp điều trị mới với sự hỗ trợ của các chuyên gia động kinh hàng đầu đến từ nhiều nước trên thế giới nhằm mang lại chất lượng điều trị tối ưu, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân động kinh tại Việt Nam.