Kích thích não sâu: Liệu pháp can thiệp giúp mở ra cơ hội cho người bệnh Parkinson

Trên thế giới có khoảng 6,1 triệu người mắc Parkinson. Tại Việt Nam, theo thống kê mới nhất được TS.BS Trần Ngọc Tài - Phó Trưởng khoa Thần kinh - Trưởng Đơn vị Rối loạn vận động - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đề cập, căn bệnh này ảnh hưởng đến 80.000 - 90.000 người. Điển hình, tại TPHCM trong gần 10 triệu dân sẽ có khoảng 8.000 - 9.000 người mắc bệnh Parkinson.

Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh Parkinson gia tăng theo độ tuổi, song thực tế căn bệnh này có thể trải dài từ tuổi trẻ đến người cao tuổi. Hiện có đến 10% bệnh nhân Parkinson là nhóm người trẻ tuổi. Trong đó, những người dưới 40-50 tuổi mắc bệnh được gọi là Parkinson khởi phát người trẻ” - TS.BS Trần Ngọc Tài cho biết.

TS.BS Phạm Anh Tuấn - Trưởng Bộ Môn Ngoại Thần kinh - Trường Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nhấn mạnh rằng, bệnh Parkinson nếu không được phát hiện hoặc phát hiện nhưng không điều trị đầy đủ, không đúng phác đồ với thuốc và không phù hợp với liệu pháp điều trị sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Parkinson là bệnh lý thoái hóa thần kinh tiến triển nặng dần với các triệu chứng vận động và ngoài vận động, đến lúc bệnh nhân không thể vận động, không thể tự sinh hoạt, đòi hỏi một người chăm sóc. Thậm chí, nếu bệnh nhân té ngã kèm theo nguy cơ viêm phổi càng làm tăng tỷ lệ tử vong.

Trong khi đó, nếu bệnh nhân được chẩn đoán sớm và có chế độ điều trị thích hợp mang lại hàng loạt lợi ích như cải thiện triệu chứng, giảm sự phụ thuộc, giảm nguy cơ té ngã, từ đó ít gặp biến chứng và quan trọng nhất là cải thiện chất lượng cuộc sống vì không phải phụ thuộc người khác” - TS.BS Phạm Anh Tuấn đưa ra so sánh.  

 

Kích thích não sâu - Lấy lại tự tin cho bệnh nhân Parkinson

Mặc dù Parkinson đã được tìm ra cách đây 200 năm nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị dứt điểm. Tuy vậy, hiện nay đã có nhiều giải pháp giúp điều trị hiệu quả các triệu chứng, làm chậm tiến triển của bệnh, từ thuốc, tập phục hồi chức năng - vật lý trị liệu đến phẫu thuật.

Trong đó, phẫu thuật kích thích não sâu (DBS) điều trị Parkinson được hai chuyên gia đánh giá cao, bởi vì đây là liệu pháp ít xâm lấn và có nhiều bằng chứng khoa học nhất. Theo khảo sát, DBS giúp giảm hiệu quả cả 3 triệu chứng của Parkinson, bao gồm run (giảm đến 70%), cứng và chậm.

DBS phát triển trên thế giới hơn 20 năm, từ những năm 1997. Năm 2003, FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chính thức cho phép thực hiện trên người bệnh Parkinson. Phương pháp này nhằm đưa 2 vi điện cực vào nhân sâu trong não. Từ đó, điện cực được nối với một dây dẫn ra khỏi não, luồn dưới da từ vùng đầu đến vùng trước ngực rồi gắn vào máy tạo nhịp được đặt ở đó, thông qua xung điện sẽ giúp điều hòa vòng xoắn bệnh lý của bệnh Parkinson.

Đặc biệt, ngày nay với công nghệ mới trong DBS - công nghệ Brainsense còn mang đến ưu điểm cho bệnh nhân Parkinson phù hợp với xu hướng cá thể hóa trong điều trị. Công nghệ Brainsense giúp thu nhận tín hiệu từ não của từng người bệnh, trong và ngoài phòng khám, sau đó hệ thống hóa qua phần mềm, giúp xác định ngưỡng kích thích phù hợp của từng bệnh nhân và theo từng thời gian trong ngày, từ đó bác sĩ có thể điều chỉnh thông số kích thích cá thể hóa cho bệnh nhân sau phẫu thuật kích thích não sâu. Thông thường, thời gian cho một ca phẫu thuật có thể kéo dài từ 4-6 giờ. Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh khi phẫu thuật. Sau đó sẽ được theo dõi để điều chỉnh máy tại bệnh viện khoảng 1 tuần” - TS.BS Phạm Anh Tuấn lý giải hoạt động của liệu pháp DBS.  

Nhìn nhận những ưu điểm của phương pháp này, TS.BS Trần Ngọc Tài nói thêm, người bệnh Parkinson sẽ có được lợi ích từ DBS khi tuân thủ 5 nguyên tắc số 5. Một là, người bệnh nên dưới 75 tuổi. Hai là mắc bệnh Parkinson từ 5 năm trở lên. Ba là người bệnh phải dùng 5 lần thuốc mỗi ngày. Bốn là người bệnh phải có các biến chứng vận động và loạn động liên quan đến việc sử dụng thuốc, cộng lại khoảng 5 giờ/ngày. Năm là tuân thủ đủ 5 nguyên tắc số 5 thì mới xem xét vấn đề phẫu thuật.

Điều quan trọng khi thực hiện DBS được 2 chuyên gia đề cập đó là cần tuân thủ lịch hẹn tái khám theo chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt là 6 tháng đầu sau phẫu thuật để lập trình chương trình kích thích phù hợp. Ngoài ra, sau khi cấy ghép DBS cần tránh những nơi phát ra nhiều sóng điện từ, tránh nhiệt, tránh những vận động đối kháng hoặc nguy cơ chấn thương vào vị trí đặt máy. Nếu có chụp MRI cần thông báo với bác sĩ đang điều trị Parkinson lẫn chuyên gia y tế thực hiện chụp MRI để có hướng dẫn cụ thể.

 

return to top