✴️ Sinh thiết gan bằng kim/dụng cụ sinh thiết dưới siêu âm

Nội dung

I. ĐẠI CƯƠNG

Sinh thiết gan là lấy một mảnh gan sống để làm xét nghiệm. Có nhiều cách lấy mẫu sinh thiết như nội soi ổ bụng, sinh thiết trong mổ…Trong bài này chỉ nói đến sinh thiết gan bằng kim qua da.

 

II.   CHỈ ĐỊNH

  • Chủ yếu được chỉ định để lấy mảnh gan làm xét nghiệm trong các bệnh: Vàng da ứ mật, viêm gan, gan lách to, teo mật, xơ gan, thiếu alpha1 antitrypsin, bất thường nấm gan (ductal plate), viêm hoặc viêm xơ đường mật, hội chứng Alagille, hội chứng Byler, ứ mật trong gan kéo dài có tính chất gia đình.
  • Các bệnh rối loạn chuyển hóa (glycogen, tyrogin, lipid, acid béo). Các rối loạn ứ đọng lysosom (Gaucher, Niemann- Pick, Wolman, bệnh rối loạn ứ đọng cholesterol ester, các bệnh khác bệnh Wilson, nhiễm sắt).
  • Thải ghép cấp hoặc mãn
  • Bệnh nhiễm trùng
  • Các khối u không nghi ngờ u ác tính.

 

III.   CHỐNG CHỈ ĐỊNH

1.   Chống chỉ định tương đối

  • Rối loạn đông máu.
  • Tràn dịch màng phổi phải hoặc nhiễm khuẩn phổi phải
  • Tràn dịch màng bụng

2.   Chống chỉ định tuyệt đối

  • Rối loạn đông máu nặng
  • Bệnh gan ác tính
  • Tổn thương mạch máu, nghi ngờ u máu.
  • Người làm thiếu kinh nghiệm

 

IV.   CHUẨN BỊ

1.   Người thực hiện

01 bác sĩ và 03 điều dưỡng

2.   Phương tiện, dụng cụ, thuốc

2.1.   Phương tiện, dụng cụ

  • Buồng tiêm vô khuẩn, giường thủ thuật, ghế cho thủ thuật viên
  • Săng có lỗ, gạc, bông cồn, găng tay, kim chuyên dùng, các đĩa đựng nước muối sinh lí, dung dịch formon để cố định bệnh phẩm….

2.2.   Thuốc

Hộp thuốc chống sốc, thuốc an thần midazolam… , giảm đau morphin, fentanyl, thuốc gây tê tại chỗ), ức chế dây 10 (atropinsulphat), dung dịch muối 0.9%.

3.   Người bệnh

Làm các xét nghiệm:

  • Công thức máu lưu ý tiểu cầu phải trên 50.000. Nếu dưới 50.000 phải truyền khối tiểu cầu hoặc plasma tươi đông lạnh, đông máu, PT trên 60%, siêu âm bụng và gan mật để xác định chắc chắn không có bất thường vị trí gan và không có dịch ổ bụng, x- quang phổi, nhóm máu
  • Giải thích và động viên người bệnh (trẻ lớn , và người nhà người bệnh)
  • Đặt người bệnh nằm ngửa, 2 tay để lên phía đầu, có người giữ, 2 chân duỗi thẳng, bác sĩ làm sinh thiết ngồi bên phải.

4.   Hồ sơ bệnh án

Khám lại tình trạng người bệnh ghi hồ sơ trước khi làm thủ thuật.

 

V.   CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1.   Kiểm tra hồ sơ

2.   Kiểm tra người bệnh

3.   Thực hiện kỹ thuật

3.1.   Xác định vị trí và đường chọc

Thông thường chọc qua liên sườn 8-9 đường nách giữa. Có thể chọc dưới  bờ sườn nếu gan rất to.

3.2.   Sát trùng

  • Sát trùng rộng rãi vùng chọc sinh thiết bằng cồn 70, sau đó bằng Iod và sát khuẩn lại bằng cồn 70.
  • Phủ săng có lỗ, để hở vùng chọc. Người làm thủ thuật ngồi phía bên phải người bệnh.

3.3.   Gây tê

  • Xịt thuốc tê tại chỗ
  • Gây tê điểm chọc kim gây tê dưới da, sau đó xuyên kim qua dưới da, gây tê dưới bao gan.

3.4.   Tiến hành sinh thiết

  • Hút khoảng 3 ml dung dịch natri clorid 0.9%
  • Rạch da
  • Đâm kim vuông góc qua mặt da, khi có cảm giác đến tổ chức gan thì dừng lại, bơm 1ml natriclorid 9% để rửa kim, sau đó hút ngược xi lanh để tạo áp lực âm rồi chọc nhanh dứt khoát và rút kim ra ngay.
  • Nếu dùng shooter thì chọc kim đúng độ sâu cần thiết thì giữ chặt đốc kim và bóp cò, sau đó nhẹ nhàng rút kim ra.
  • Nếu làm dưới siêu âm thì tốt nhất để đầu dò siêu âm cùng chiều với kim sẽ xác định được độ sâu của kim, và vị trí sinh thiết nhất là các tổn thương khu trú.
  • Lấy mảnh sinh thiết cho vào lọ cố định, lưu ý mô tả tính chất, kích  thước mảnh sinh thiết.
  • Băng ép chỗ sinh thiết
  • Đặt người bệnh nghiêng phải trong 4 giờ.
  • Ghi bệnh án đầy đủ tình trạng người bệnh sau khi làm sinh thiết
  • Ghi giấy yêu cầu xét nghiệm, mô tả đại thể mảnh sinh thiết và tình trạng gan khi sinh thiết.

​​​​​​​

VI.   THEO DÕI SAU SINH THIẾT

  • Theo dõi mạch huyết áp thở 15 phút / lần trong 1 giờ , sau đó 30 phút / lần trong 4 giờ.
  • Sau 4 giờ cho ăn trở lại.
  • Theo dõi 1 giờ 1 lần trong 24 giờ.

​​​​​​​

VII. BIẾN CHỨNG SAU SINH THIẾT

1.   Do thuốc

  • Dị ứng, nôn, buồn nôn, ngứa
  • Xử trí: Cho thuốc kháng

2.   Tai biến nhẹ

  • Đau, bầm máu da, tràn khí khu trú màng phổi hoặc dưới da.
  • Xử trí: Băng ép, cho thuốc giảm đau.

3.   Mảnh sinh thiết không đạt

Xử trí: Có thể chọc lại nhưng không quá 3 lần.

4.   Tai biến nặng

– Tràn máu ổ bụng hoặc dưới bao gan, tràn khí màng phổi, nhiễm trùng (có thể nhiễm khuẩn huyết) rỉ mật, chọc vào túi mật thậm chí tử vong..

– Xử trí: Hồi sức tích cực có thể phải mở bụng để cầm máu hoặc  mở màng phổi để khâu chỗ tràn khí.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top