Hiện nay, y học đã có nhiều kháng sinh tác dụng tốt trong điều trị viêm phổi, tuy nhiên những biến chứng và tử vong di viêm phổi vẫn là điều đáng lo ngại, đặc biệt là ở người già và trẻ nhỏ, những người có sức khỏe yếu.
Bệnh viêm phổi có thể phân loại thành hai thể: viêm phổi thuỳ, và phế quản phế viêm.
Viêm phổi thùy là loại bệnh viêm phổi cấp phổ biến nhất, nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là do phế cầu khuẩn (S.Pneumoniae) hay còn gọi là viêm phổi điển hình. Viêm phổi thuỳ thường xảy ra ở những người trẻ tuổi, bệnh khởi phát đột ngột, người bệnh có dấu hiệu nhiễm độc hoặc nhiễm trùng rõ rệt, ho kèm theo sốt cao 39-40 độ C người rét run, mạch nhanh, mặt đỏ… Bệnh kéo dài sau vài giờ sẽ có triệu chứng khó thở, toát mồ hôi, môi tím tái, lưỡi đỏ khô, xung quanh mồm mũi có những mụn nhỏ màu đỏ (herpes).
Người bệnh thường đau dữ dội bên phía phổi tổn thương, nếu ở trẻ em có thể đau quanh vùng hố chậu phải.
Trong thời kỳ bệnh toàn phát nghe phổi sẽ có hội chứng đông đặc. Chụp Xquang thấy có đám mờ đều ở một thuỳ hay tiểu thuỳ. Trong đám mờ có thể xuất hiện dấu hiệu phế quản hơi.
Trong vòng một tuần các triệu chứng của bệnh tăng lên, rồi có xu hướng giảm dần dần. Nếu ở người bệnh trẻ tuổi, bị viêm phổi nhẹ có dấu hiệu rõ ràng thì có thể điều trị tại nhà. Nhưng, nếu ở người già yếu, viêm phổi kết hợp với suy tim, suy hô hấp thì phải điều trị tại bệnh viện.
Khác với viêm phổi thuỳ, phế quản phế viêm thường khởi phát từ từ, các tiểu phế quản bị viêm có mủ, các phế nang xung quanh phế quản bị viêm xung huyết và phù nề. Người bệnh có thể có triệu chứng sốt nhưng không cao lắm (37,5-38 độ C), kèm theo ho khạc đờm đặc có mủ, khó thở nhiều, cánh mũi phập phồng, tím môi, đặc biệt ở trẻ em. Tuy nhiên, người bệnh lại không đau ngực hoặc đau không rõ rệt.
Thăm khám vùng phổi sẽ thấy hai phế trường có từng vùng gõ đục, rung thanh tăng lên và có nhiều ran khô, ran ướt nhỏ hạt. Khi chụp Xquang sẽ thấy nhiều nốt mờ rải rác hai phổi.
Dù hiện nay đã có nhiều loại thuốc kháng sinh điều trị bệnh, tuy nhiên những tổn thương do biến chứng của viêm phổi vẫn đang lo ngại, vì vậy phòng ngừa bệnh vẫn cần quan tâm đúng mức.
Chú ý vệ sinh sạch sẽ nơi ở, nhà ở phải thông thoáng, giữ ấm cơ thể về mùa lạnh, đặc biệt là giữ ấm cổ, ngực và hai bàn chân. Tránh bị nhiễm lạnh đột ngột, nhất là với người già và trẻ nhỏ.
Loại bỏ các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: không uống nhiều rượu, không hút thuốc lào, thuốc lá… Duy trì chế độ dinh dưỡng điều độ, đủ năng lượng, cân đối về thành phần dưỡng chất. Điều trị một cách triệt để các ổ nhiễm khuẩn ở tai, mũi, họng để tránh biến chứng gây viêm phổi.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh