Những nguyên nhân khiến bạn bị viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc còn gọi là chàm tiếp xúc là một phản ứng ở da xảy ra khi bạn tiếp xúc với các chất gây kích ứng hoặc chất gây dị ứng. Theo Hiệp hội Bệnh chàm Quốc gia của Mỹ (NEA), từ “viêm da” được dùng để mô tả các tình trạng phát ban mẩn ngứa trên da, nhưng viêm da tiếp xúc khác với viêm da dị ứng ở chỗ viêm da tiếp xúc xuất hiện do một vật nào đó chạm vào da chứ không phải do di truyền liên quan đến hệ miễn dịch.

Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD), có hai loại viêm da tiếp xúc: viêm da dị ứng, là phản ứng dị ứng trên da thường liên quan đến phản ứng của hệ miễn dịch và viêm da kích ứng thường xảy ra sau khi da kích ứng với những yếu tố từ bên ngoài môi trường. Dù bằng cách nào, cả hai tình trạng viêm da tiếp xúc này đều khiến da khô, đỏ, ngứa, đôi khi phồng rộp có thể kèm theo cảm giác nóng rát hoặc châm chích.

Viêm da tiếp xúc rất phổ biến và hầu như ai cũng từng mắc phải một lần trong đời. Những người làm việc trong những ngành nghề thường xuyên phải tiếp xúc với nước hay các dung dịch hoá chất chẳng hạn như y tá, nhân viên pha chế và nhân viên làm đẹp sẽ bị viêm da tiếp xúc thường xuyên hơn những người khác. Bên cạnh đó việc mắc bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng hoặc các loại bệnh chàm khác cũng khiến bạn có nguy cơ mắc viêm da tiêp xúc cao hơn. Môi trường cũng là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến viêm da tiếp xúc. Thời tiết quá nóng, quá lạnh, quá ẩm hay quá khô đều khiến bệnh viêm da tiếp xúc dễ phát triển hơn.

Làm thế nào để bạn biết bạn đang bị viêm da tiếp xúc? Bạn có thể nhận thấy phản ứng ngay lập tức khi da tiếp xúc với chất này. Da vùng tiếp xúc với chất kích ứng có thể sưng hoặc thậm chí phồng rộp hoặc có thể gây tình trạng da khô, ngứa, nứt nẻ kéo dài vài tuần sau đó. Phản ứng viêm da kích ứng thường chỉ xuất hiện ở vùng da phơi nhiễm tiếp xuc trực tiếp với chất gây kích iếp còn viêm da dị ứng có thể lan ra khỏi khu vực đó.

Các triệu chứng của viêm da tiếp xúc có thể thay đổi theo thời gian theo hướng thuyên giảm hoặc trầm trọng lên. Bác sĩ da liễu có thể giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân gây kích ứng. Dưới đây là tám nguyên nhân phổ biến có thể gây viêm da tiếp xúc

1. Bể bơi

Các chuyên gia cho biết Clo có thể là nguyên nhân gây ngứa, đỏ da hoặc nổi mề đay. Clo trong thành phần làm sạch của nước bể bơi nói chung có thể làm khô da và khiến tình trạng phát ban hiện tại trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên bạn không nên quá lo lắng về điều này. Điều quan trọng là sau khi bơi bạn nên nhớ xả sạch nước trên da và thoa kem dưỡng ẩm bảo vệ tránh khô da.

 

2. Dầu gội

Bạn đã bao giờ mổ xẻ danh sách thành phần trên chai dầu gội của mình? Nếu bạn đang gặp các vấn đề về da mà chưa tìm ra nguyên nhân thì có thể bạn cần xem xét đến yếu tố này. Các thành phần như các isothiazolinones thuốc nhóm chất bảo quản có tác dụng kháng khuẩn và cocamidopropyl betaine (chất hoạt động bề mặt) thường được tìm thấy trong dầu gội và có thể có tác động tiêu cực đến da.

 

3. Bột giặt

Theo các chuyên gia, mặc dù hiếm gặp nhưng các thành phần được sử dụng trong bột giặt có thể gây nổi mẩn phát ban trên da. Các sản phẩm khác như nước rửa chén cũng có thể gây viêm da tiếp xúc. Hương liệu được thêm vào, các sản phẩm tẩy rửa dù được ghi chú trên bao bì hay không, cũng có thể gây kích ứng.

 

4. Vải chống nhăn

Có thể bạn đã biết formaldehyde có hại cho sức khoẻ và làn da, nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng formaldehyde có thể ẩn nấp trong quần áo của bạn. Formaldehyde có thể xuất hiện trong các mặt hàng quần áo được thiết kế để chống nhăn hoặc chống mồ hôi, cùng nhiều loại khác.

 

5. Bụi

Các chất kích thích trong không khí như bụi có thể gây viêm da tiếp xúc. Tất nhiên, bạn sẽ khó tránh khỏi môi trường bụi bặm, nhưng bạn có thể chủ động áp dụng phương pháp phòng tránh bụi. Bạn có thể thoa kem dưỡng ẩm có chứa ceramides giúp bảo vệ da và tránh các chất gây dị ứng.

 

6. Găng tay cao su

Bạn không nhất thiết phải thấy phản ứng ngay lập tức khi đeo găng tay cao su. Theo các chuyên gia bạn có thể mất nhiều năm sau khi chạm vào một chất hoặc vật liệu nhất định thì phản ứng dị ứng mới xuất hiện. Ví dụ, nếu bạn làm việc trong bệnh viện và thường xuyên phải đeo găng tay cao su trong ngày, bạn có thể nhận thấy tay mình bị ngứa và viêm. Đó là kết quả của việc cơ thể bạn bị dị ứng với găng tay.

 

7. Kim loại trên quần jean và chìa khóa của bạn

Dị ứng niken là tình trạng tương đối phổ biến, ảnh hưởng đến ít nhất 10% dân số. Nhưng niken là thành phần phổ biến có ở khắp mọi nơi và bạn rất khó để tránh tiếp xúc với niken. Một nghiên cứu cho thấy niken có mặt trong 100% chìa khóa mà các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm. Ngay cả nút và miếng kim loại trên quần jean của bạn cũng có thể gây ra phản ứng. Nếu bạn nghi ngờ rằng niken có thể gây kích ứng thì bạn nên ủi một miếng vá lên quần jean để giữ cho da bạn không tiếp xúc trực tiếp với kim loại.

 

8. Làm móng 

Móng tay được cắt tỉa liệu có thể khiến da bị sưng tấy, phồng rộp hay không? Theo một nghiên cứu, sơn móng acrylic và cả sơn móng gel có liên quan đến bệnh viêm da tiếp xúc ở đầu ngón tay. Tình trạng viêm da thường bắt đầu bằng cảm giác ngứa ở phần móng, sau đó có thể khiến da móng khô và dày lên. Phần lớn các trường hợp này đều có thể tự khỏi và chỉ cần một thời gian để móng tự nhiên phục hồi.

 

Lời kết

Điều quan trọng bạn cần nhớ là phát ban mẩn ngứa do viêm da tiếp xúc không nhất thiết có nghĩa là bạn bị dị ứng. Thông thường, việc tránh sử dụng sản phẩm sẽ làm hết vết phát ban. Nếu bạn không thấy thuyên giảm và tình trạng phát ban mẩn ngứa tiếp tục xảy ra hoặc trầm trọng hơn, thì bạn nên đi khám bác sĩ da liễu để làm các xét nghiệm dị ứng da tìm nguyên nhân

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top