Thực chất các loại kem này đều chứa corticoid với hàm lượng cao, một mặt nó mang lại hiệu quả thần tốc, nhưng cũng để lại tác dụng phụ nguy hiểm. Làn da không những không đẹp lên mà còn xấu đi, bị hư tổn nặng nề và rất khó hồi phục.
Bệnh da do corticoid là tình trạng viêm da do nghiện chất corticoid có trong thuốc đặc trị hoặc kem trộn làm trắng da. Tức khi ngưng dùng kem chứa corticoid thì da sẽ phát mụn, tiếp tục dùng thì lúc đầu có vẻ đẹp nhưng da sẽ bị hủy hoại dần từ bên trong, sau dần da sẽ bị nám, mỏng, đỏ rát, lộ cả các mạch máu li ti dưới da. Da sẽ rất khó thích nghi với bất cứ sản phẩm nào sau đó, da dễ nhạy cảm hơn...
Biểu hiện viêm da do nghiện corticoid thường xảy ra từ tuần thứ 2 đến tuần thứ 4 sau khi ngừng hẳn bôi kem có chứa corticoid. Độc tính của corticoid càng cao mức độ viêm càng nặng. Nồng độ corticoid trong sản phẩm càng cao, viêm càng nặng, thời gian điều trị càng dài. Tần suất bôi da càng nhiều, càng đều càng bị viêm da nặng và chữa khó lành.
Dấu hiệu sớm thấy ngay sau chỉ 1 hay 2 ngày cho đến 10 ngày dùng sản phẩm chứa corticoid: Da láng mịn rất nhanh, căng bóng. Tiếp theo là mụn cám biến mất nhanh sau vài ngày sử dụng. Sau đó là da trắng nhanh rõ rệt. Da căng mọng rất đẹp, sờ vào cảm giác da mềm và mọng nước. Những vùng nám mờ nhanh sau vài ngày đến 1 tuần. Những nếp nhăn li ti trên da biến mất, nếp nhăn sâu trước đó trở nên mờ nhạt rất nhanh sau 7-10 ngày dùng.
Dấu hiệu muộn biểu hiện sau vài tháng đến vài năm hay nhiều năm: Da trắng bạch ở vùng bôi mỹ phẩm chứa corticoid, rất khác biệt với vùng không bôi corticoid. Da trắng và hai má ửng hồng làm cho người dùng ngộ nhận là da hồng hào đẹp nhưng thật ra đó là hiện tượng các mao mạch đã giãn nở, dễ gây đỏ da sau đó. Các gân máu to ngoằn ngoèo xuất hiện rõ trên da, khiến hiện tượng đỏ da dễ xảy ra thường xuyên hơn. Nám bắt đầu loang rộng ra hai má. Muộn hơn nữa là vùng nám da ngày càng đậm màu, nám sâu và chuyển biến thành màu nâu xám hay xám chì tùy trường hợp. Da rất mỏng và xuất hiện những hiện tượng hay nóng rát da.
Đặc biệt lưu ý, thuốc corticoid có thể thấm qua da vào máu gây tác dụng toàn thân, trong đó có nhiều tác dụng phụ đáng ngại như: làm loãng xương, tăng huyết áp, gây huyết khối làm nghẽn mạch, có thể gây loét dạ dày, làm giảm sức đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến nhiễm trùng (dễ bị lao, nếu đã bị lao sẽ làm bệnh nặng thêm, hoặc các bệnh nấm).
Dấu hiệu khi ngừng sử dụng mỹ phẩm chứa corticoid: Da đỏ, nóng rát có thể kèm theo ngứa, mức độ nhiều cho đến rất nhiều; Sẩn đỏ dày đặc trên da, có thể có mụn nước li ti hoặc có đầu mủ li ti, rất ngứa và kèm theo nóng rát da nhiều; Da dày lên khô, đóng mày cứng, bong tróc. Nhiều trường hợp có chảy nước vàng do tiết dịch vì những hạt li ti vỡ ra, kèm theo rất ngứa. Bệnh nhân cực kỳ khó chịu, nhiều khi ngứa gãi trầy trợt và tình trạng tổn thương càng nặng nề hơn.
Cách này chỉ áp dụng cho trường hợp dùng kem trộn dưới 1 năm, thời gian dùng càng ít thì khả năng chữa khỏi và phục hồi càng cao. Trường hợp dùng kem trộn từ 1,5 - 2 năm trở lên, thì cần tuân thủ liệu trình đặc biệt của bác sĩ da liễu mới mong da có thể hồi phục.
“Cai nghiện” corticoid: Nguyên tắc là phải cai từ từ để da kịp thích ứng, nên hạn chế việc thoa kem và giảm dần thời lượng bôi: ngày trước thì bạn bôi mỗi ngày → nay chuyển sang cách ngày → chuyển sang tuần hai lần → tuần 1 lần → 2 tuần 1 lần→ ngừng bôi hẳn. Thời gian cho mỗi đợt giảm số lần bôi là khoảng 1-2 tuần. Nếu ngưng bôi đột ngột thì da sẽ gặp hiện tượng “dội ngược” tức là da trở nên xấu hơn, nổi nhiều mụn hơn, ngứa, khô, rất khó chịu.
Vệ sinh da sạch sẽ: Nên dùng sữa rửa mặt dành riêng cho da mụn - nhạy cảm, thường có dạng kem sữa không bọt hoặc tạo bọt rất nhẹ, có pH thân thiện với da (trong khoảng từ 5.0 - 6.0) để tránh gây khô da, dùng 2 lần/ngày vào sáng và tối. Không được dùng sữa rửa mặt kiềm dầu, tạo nhiều bọt hay có hạt vì dễ khiến da dễ bị kích ứng.
Nếu da đã quá yếu, nổi gân máu, da bong tróc ngứa ngáy khó chịu thì hàng ngày nên dùng nước muối sinh lý natri clorid 0,9% để rửa mặt. Muối có tác dụng giảm viêm, giảm ngứa, sát khuẩn, loại bỏ da chết...
Thải độc cho da: Mỗi ngày bạn nên đun lá trà xanh uống hàng ngày thay nước lọc, rồi lấy nước trà đó rửa mặt. Trà xanh kháng khuẩn, trị mụn và thải độc rất tốt. Có thể uống nước diếp cá hoặc nước chanh không đường, hoặc uống loại trà thải độc (detox tea), hoặc trà thuốc bổ gan, mát gan, thải độc.
Ngoài ra, bạn cũng nên xông hơi 1-2 lần mỗi tuần để đẩy hết tạp chất trong da và làm thông thoáng lỗ chân lông. Nên dùng tía tô + kinh giới + ngải cứu, hoặc sả + gừng, nếu cầu kỳ thì thêm nhúm muối và nửa quả chanh... Tất cả cho vào nồi đun sôi rồi bắc ra ngồi cùng nồi trùm chăn hoặc khăn tắm lớn trong khoảng 15 phút hoặc đến khi không còn hơi nóng bốc lên.
Đặc trị mụn: Nếu mụn quá sưng và đỏ khiến bạn khó chịu thì có thể dùng thuốc trị mụn là kem mỡ kháng sinh như mỡ tetracyclin để chấm lên các vết mụn. Cách khác là dùng tinh dầu tràm trà (tea tree oil) pha loãng với nước chỉ còn 10-20% bôi lên mụn. Tinh dầu tràm trà có đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm nên rất tốt trong việc điều trị mụn, nhưng cần nhớ là không dùng loại nguyên chất 100%. Sau khi bôi da có thể chịu được thì tiếp tục sử dụng, còn nếu da có dấu hiệu nóng rát, ửng đỏ và xót nhiều thì nên ngừng ngay.
Tuyệt đối không đi spa nặn mụn, sẽ rất dễ bị rỗ mặt. Nên để mụn tự vỡ và gảy nhẹ nhàng. Không uống thêm bất cứ loại thuốc kháng sinh hay thuốc trị mụn nào, vì phát hết đợt mụn này nó sẽ lên đợt khác.
Dưỡng da phục hồi bằng mặt nạ
Mỗi tuần đắp mặt nạ 1-2 lần bằng tinh bột nghệ + mật ong + sữa chua (hoặc sữa tươi). Nếu không có tinh bột nghệ thì dùng bột yến mạch, đậu đỏ, đậu xanh, trà xanh... Da đang yếu không nên để mặt nạ trên mặt quá lâu, chỉ để 5-10 phút rồi rửa mặt sạch. Còn nếu da đang quá mỏng và yếu rồi thì bỏ qua việc đắp mặt nạ, vì các hạt bột có thể khiến làn da mỏng bị tổn thương hơn.
Dùng kem chống nắng để bảo vệ da
Hàng ngày ra đường phải bôi kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Quá trình dùng kem trộn khiến da bạn bị bào mỏng đi, nếu không chống nắng cẩn thận thì sau một thời gian da bạn sẽ nám sạm và nổi nhiều tàn nhang.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh