Mục tiêu điều trị
Năm 2016, Hiệp hội Vẩy nến Hoa Kỳ lần đầu tiên đưa ra mục tiêu điều trị bệnh vẩy nến: Ba tháng sau khi bắt đầu điều trị loại thuốc mới theo phác đồ, diện tích da bị vẩy nến phải giảm còn dưới 1% toàn bộ bề mặt da của cơ thể, nghĩa là chỉ tương đương với diện tích của 1 lòng bàn tay.
Để có thể đạt được mục tiêu điều trị này, các bác sỹ cần phải thay đổi phương pháp điều trị theo một hướng khác với một tên gọi và mục tiêu khác. Quá trình này được gọi là “điều trị đích”.
Điều trị nhắm đến protein đích
Các thuốc ustekinnumab (Stelara) được đưa vào điều trị vẩy nến từ năm 2009 nhằm mục đích ngăn chặn hai loại protein liên quan đến quá trình viêm trong bệnh vẩy nến là interleukin -12(IL-12) và interleukin- 23 (IL-23). Nhưng những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra IL-12 thực ra lại có thể bảo vệ các tế bào khỏi một loại protein gây viêm là IL-17. Một số nhà khoa học cho rằng, IL-17 và IL- 23 mới chính là các protein gây viêm trong bệnh vẩy nến. Vì vậy, ngăn chặn 2 loại protein đích là IL-17 và IL- 23 sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong điều trị vẩy nến.
Thuốc chẹn IL-17
Một loại thuốc tiêm mới chặn các hoạt động của protein IL-17 được tiến hành thử nghiệm vào năm 2016. Ixekizumab (Taltz) mang lại kết quả tương đối tốt trên những bệnh nhân bị vẩy nến nặng, kết quả đã được chứng minh ở 80% bệnh nhân có những cải thiện về triệu chứng lâm sàng sau khi sử dụng thuốc. Thuốc cũng làm giảm gần một nửa các triệu chứng ở các bệnh nhân vẩy nến. Đây là một kết quả cực kỳ khả quan so với nhiều loại thuốc được đưa ra để điều trị vẩy nến nhưng không cải thiện được các triệu chứng.
Thuốc secukinumab (cosentyx) có chứa thụ thể ức chế IL-17 đã được phê chuẩn để điều trị vẩy nến từ năm 2015 tại Mỹ.
Thuốc chẹn IL-23
Nhiều loại thuốc điều trị vảy nến cũ như adalimumab (Humira) ngăn chặn TNF-alpha là một loại protein gây viêm nhưng những thế hệ thuốc mới bây giờ lại hướng vào IL-23. Thuốc chẹn IL-23 vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Hiện đã có 3 loại thuốc chẹn IL-23 đang được thử nghiệm lâm sàng đó là guselkumab, risankizumab và tildrakizumab đều cho kết quả khả quan hơn adalimumab.
Gel có chứa ADN
Một loại gel có tên là AST-500 đã được chứng minh độ an toàn khi sử dụng trên người mắc bệnh vẩy nến đang được thử nghiệm lâm sàng ở pha 1. Loại thuốc nhiều tiềm năng này được sản xuất dựa trên công nghệ gọi là axít nucleic hình cầu. Nghĩa là người ta ứng dụng vật chất di truyền để khiến cho cơ thể bạn sản sinh ra TNF-alpha. Tuy nhiên vẫn cần những nghiên cứu đầy đủ hơn và toàn diện hơn để có thể đưa loại thuốc này vào phác đồ điều trị vảy nến.
Nghệ
Nghệ là phương thuốc tự nhiên điều trị vảy nến từ rất lâu nhưng vẫn chưa có các bằng chứng đầy đủ ủng hộ cho việc sử dụng nghệ trong điều trị vảy nến. Trong nghệ có chứa chất curcumin có khả năng ngăn chặn TNF-alpha (loại protein gây viêm trong bệnh vảy nến). Nghệ có thể được trộn vào thức ăn hoặc sử dụng như một thực phẩm chức năng.
Giấc ngủ
Một số người mắc bệnh vảy nến thường xuyên bị khó ngủ. Nhưng liệu ngủ kém lâu dài có khiến những cơn đau khớp, ngứa ngáy, và các vấn đề khác về da trầm trọng hơn không? Các chuyên gia cho rằng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Nghĩa là người mắc bệnh vảy nến luôn ở trong một vòng xoắn bệnh lý.
Có thể do quá lo lắng về bệnh của mình hoặc do những khó chịu của bệnh ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh khiến họ mất ngủ và càng mất ngủ thì sức đề kháng và khả năng phục hồi của cơ thể càng giảm dẫn đến bệnh lại càng trầm trọng thêm. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa biết một cách rõ ràng là giấc ngủ và những triệu chứng của bệnh tật ảnh hưởng đến nhau như thế nào.
Giảm cân
Phẫu thuật giảm cân trong trường hợp béo phì có thể giảm bớt đi các triệu chứng của bệnh vẩy nến cũng như viêm khớp vẩy nến. Người ta nhận thấy những bệnh nhân vẩy nến cải thiện được tình trạng bệnh khi cân nặng giảm đáng kể sau phẫu thuật giảm cân.
Giảm một lượng cân lớn có thể giảm bớt được những nguy hiểm của quá trình viêm toàn cơ thể là một giả thuyết được các nhà khoa học đặt ra nhằm giải thích cho việc trên. Viêm là vấn đề chính của một đợt vảy nến bùng phát.
Trầm cảm
Giống như giấc ngủ và bệnh vảy nến có tác động qua lại lẫn nhau, trầm cảm cũng tương tự vậy. Những lo lắng về bệnh tật, những cơn đau khớp hành hạ và không có phương thuốc điều trị dứt điểm khiến bệnh nhân rơi vào bế tắc và trầm cảm. Người ta cũng ghi nhận được những bệnh trầm cảm xuất hiện ở bệnh nhân vảy nến cao gấp hai lần so với những người bình thường và càng bị stress thì bệnh tình lại càng nặng thêm. Sử dụng các thuốc sinh học điều trị vảy nến có thể vừa cải thiện triệu chứng bệnh vừa cải thiện được tâm trạng.
Kết hợp điều trị thuốc và liệu pháp ánh sáng
Nếu sau một thời gian điều trị bằng thuốc, bệnh tình của bạn không thấy có tiến triển gì thì bác sỹ có thể sử dụng phối hợp cả thuốc và vật lý trị liệu, cụ thể là liệu pháp ánh sáng. Nghĩa là da bạn sẽ được tiếp xúc với đèn chiếu tia cực tím. Bộ đôi điều trị này có thể hiệu quả hơn là điều trị riêng lẻ từng cách một nhưng về lâu dài thì chưa chắc đã an toàn và hiệu quả được như phương pháp điền trị đơn lẻ. Do vậy các bác sỹ thường chỉ áp dụng phương pháp điều trị này trong một thời gian ngắn.
Hút thuốc
Hút thuốc không chỉ khiến bệnh trầm trọng hơn mà còn dẫn đến việc bạn thường xuyên bùng phát những đợt cấp của bệnh cũng như làm hiệu quả điều trị giảm sút. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu thêm về sự ảnh hưởng của hút thuốc lá đến bệnh vảy nến. Nhưng có một điều chắc chắn đó là hút thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều. Vì thế nếu từ bỏ được thói quen này thì chắc chắn tình trạng bệnh của bạn sẽ trong tầm kiểm soát.
Bệnh tim mạch
Bệnh vảy nến có mối liên quan chặt chẽ với bệnh tim mạch, đặc biệt trong một số trường hợp bệnh còn gây ra tình trạng viêm rất nhiều mạch máu trong đó phải kể đến động mạch chủ bụng hoặc những mạch máu lớn chạy trong cơ thể bạn. Rất nhiều nghiên cứu đã tìm ra mối liên quan giữa bệnh vảy nến và tình trạng nội viêm.
Loãng xương
Những người mắc bệnh vảy nến nhất là nam giới có nguy cơ loãng xương lớn hơn gấp nhiều lần. Các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được nguyên nhân tại sao. Có thể là do nồng độ IL-17 cao khiến các tế bào xương mới sinh ra không thực hiện đúng chức năng? Nhưng hiện nay, loại thuốc có thể ức chế được IL-17 (ixekizumab) có thể giúp cải thiện các triệu chứng trên da của bệnh nhân và giữ cho xương chắc khỏe.
Liệu pháp gen
Một nghiên cứu gần đây tìm ra gen GRHL3, một gen giúp da phát triển khi mới sinh ra cũng đồng thời có tác dụng trên bệnh vảy nến ở mọi cấp độ. Hiện nay nghiên cứu đang tập trung vào việc liệu gen này ở những người bị vảy nến có bị biến đổi gì hay không và tìm ra cách để sửa chữa tình trạng này.
Những phương thức điều trị an toàn hơn
Các nhà khoa học đã tìm ra một loại protein gọi là Rac1 được sản sinh ra khi da bạn bị phá hủy (tương tự như khi bạn bị vết thương rách da) và cả khi bạn bị viêm như viêm họng chẳng hạn. Cả hai tình trạng này đều xuất hiện ở bệnh vảy nến, do vậy nếu chúng ta tìm cách “tắt” được sự hoạt động của Rac1 thì có thể giúp giảm bớt được những cơn bùng phát bệnh. Điều này khiến việc điều trị trở nên dễ dàng hơn các thuốc điều trị sinh học hiện nay.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh