Tại sao tiêu chảy xảy ra trong thời kỳ kinh nguyệt?

Bạn có nhiều mối lo ngại cần giải quyết trong thời kỳ kinh nguyệt, trong đó tiêu chảy và thay đổi thói quen đại tiện là những điều bạn không muốn đối mặt. Mặc dù tiêu chảy là hệ quả của những thay đổi trong cơ thể giống như nguyên nhân gây đau bụng kinh trong những ngày đèn đỏ. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ thấy rằng bản thân hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn ngừa tình trạng này bằng thuốc.

Tại sao tiêu chảy xảy ra trong thời kỳ kinh nguyệt?

Nguyên nhân chính xác khiến tiêu chảy xảy ra trong kỳ kinh nguyệt vẫn chưa được giải thích đầy đủ, nhưng nó khá phổ biến và thường liên quan đến tình trạng đau bụng kinh. Nguồn gốc của tình trạng này được cho là do prostaglandin - chất hóa học được giải phóng trong chu kỳ của bạn giúp tử cung co bóp và khiến ruột cũng co bóp theo. Prostaglandin cũng có thể gây ra những cơn đau bụng kinh. Đau bụng kinh và tiêu chảy liên quan đến prostaglandin thường xảy ra trong 3 ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt.

Các chuyên gia cho biết, nhu động ruột có thể sẽ tăng lên theo sự biến đổi của nồng độ hormone nội tiết. Trên thực tế, một số phụ nữ thậm chí còn bị táo bón trong kỳ kinh nguyệt. Tiêu chảy và các triệu chứng tiêu hóa khác như đầy bụng và buồn nôn cũng có thể xảy ra ngay trước kỳ kinh nguyệt của bạn. Trong trường hợp này, tiêu chảy cùng với thay đổi tâm trạng nhẹ có thể là một phần của một nhóm các triệu chứng được gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).

 

Kiểm soát tình trạng tiêu chảy trong kỳ kinh nguyệt

Những phụ nữ thường xuyên bị tiêu chảy trong kỳ kinh nguyệt nên có sự chuẩn bị trước cho những gì sắp diễn ra. Bạn có thể thử một số loại thuốc giúp hỗ trợ giảm tình trạng tiêu chảy như: thuốc làm chậm nhu động ruột hoặc bismuth subsalicylate. Nếu có thể dự đoán thời điểm bị tiêu chảy thì bạn có thể bắt đầu dùng thuốc trước khi các triệu chứng bắt đầu. Nếu tiêu chảy chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trong kỳ kinh của bạn hoặc không gây khó chịu, bạn không cần phải làm gì cả vì tình trạng này sẽ qua nhanh.

 

Ăn và tránh gì khi bạn bị tiêu chảy?

Dùng thuốc giảm co thắt, giảm nhu động ruột hoặc thuốc chống tiêu chảy có thể giúp làm dịu hoặc ngăn ngừa các triệu chứng tiêu chảy. Tuy nhiên, bạn cần hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi dùng những loại thuốc này. Ngoài ra, bạn hãy uống nhiều nước để cung cấp đủ nước cho cơ thể. Bên cạnh đó, tăng cường bổ sung chất xơ cũng có thể giúp làm đặc phân và làm giảm các triệu chứng tiêu chảy. Ngoài ra, bổ sung các thực phẩm giàu lợi khuẩn như sữa chua có thể giúp hỗ trợ cải thiện đường tiêu hóa.

Tuy nhiên, nếu bạn đang bị đau bụng dữ dội hoặc đi ngoài ra máu thì nguyên nhân có thể nghiêm trọng hơn chứ không chỉ là các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt hoặc đau bụng kinh. Một ví dụ là bệnh lạc nội mạc tử cung. Bệnh này tuy hiếm khi xảy ra nhưng có thể ảnh hưởng đến ruột và làm phân có máu.

 

Kiểm soát tiêu chảy và hội chứng tiền kinh nguyệt

Bạn có thể kiểm soát và ngăn ngừa một số triệu chứng tiền kinh nguyệt và đau bụng kinh bằng cách dùng  thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để ức chế giải phóng các hóa chất liên quan đến cơn đau. Uống thuốc tránh thai hàng ngày cũng có thể giúp bạn ngăn ngừa các triệu chứng như đau bụng trong kỳ kinh nguyệt.

Dù bạn có tin hay không nhưng tập thể dục là một trong những liều thuốc tốt nhất để kiểm soát hội chứng tiền kinh nguyệt và đau bụng kinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, tập thể dục đều đặn và vừa phải trong vòng 8 tuần có thể đem lại hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.

Tập thể dục có thể giúp giảm triệu chứng đau bụng kinh bằng cách cải thiện lưu lượng máu và điều này cũng có thể có tác dụng với bệnh tiêu chảy. Ngoài ra, bạn nên tránh caffein và đồ ăn vặt, vì cả hai đều có thể gây tiêu chảy và làm trầm trọng thêm hội chứng tiền kinh nguyệt. Một túi chườm ấm, chai nước ấm chườm vùng bụng cũng có thể giúp giảm đau do chuột rút trong kỳ kinh nguyệt.

Bạn nên nhớ rằng một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể giúp duy trì sức khỏe đường ruột, đặc biệt là trong kỳ kinh nguyệt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top