Sử dụng bỉm như thế nào để tránh gây hại cho trẻ?

Thông tin cơ quan chức năng đã triệt phá một cơ sở buôn bán bỉm trẻ em giả với số lượng rất lớn, mua bỉm trôi nổi đóng giả nhãn hiệu uy tín để bán kiếm lời khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại.

Bỉm kém chất lượng gây loét da, tổn thương bộ phận sinh dục của trẻ

Theo tìm hiểu của phóng viên, loại bỉm, tã giấy trần cũng được bán khá nhiều, nhất là ở vùng quê. Đáng nói loại bỉm được đóng gói bằng túi nilon trong suốt không có một dòng thông tin về nhà sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng mà chỉ ghi ngày sản xuất, hạn dùng khá sơ sài. Giá chỉ bằng 1/3 hàng các nhãn hiệu. Để tiết kiệm chi phí, nhiều cha mẹ cũng sẵn sàng mua loại này dùng cho con.

Các loại bỉm nhái, kém chất lượng thường có độ thấm hút kém, không đạt tiêu chuẩn khử trùng cũng như tiêu chuẩn các vật liệu làm nên bỉm. Độ thấm hút kém sẽ khiến khả năng thấm nước tiểu kém, các chất bẩn dễ ngấm ngược lại da của bé, gây viêm nhiễm cho vùng da và cơ quan sinh dục của bé. Bỉm không được khử trùng sạch sẽ, cùng với các chất bẩn từ nước tiểu, phân của bé sẽ tạo nên môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, dễ gây bệnh ngoài da cũng như các tổn thương khác ở vùng sinh dục.

Thông thường, bỉm được làm nên từ bông, chất thấm hút và các lớp màng nilon. Nếu các nguyên liệu này không đảm bảo tiêu chuẩn, cùng với việc sử dụng các chất tẩy trắng không đúng, bỉm sẽ có thể có các hóa chất nguy hiểm. Những hóa chất tồn dư này có thể gây mẩn ngứa, viêm da, nhiễm trùng tại các cơ quan sinh dục… Thậm chí, một số chuyên gia còn lo ngại rằng các chất này có thể gây hại lâu dài cho sức khỏe của bé, chẳng hạn như nhiễm độc hoặc vô sinh khi trưởng thành.

Theo khuyến cáo của các nhà khoa học Khoa Hóa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngay cả những sản phẩm bỉm có thương hiệu, nếu dùng thường xuyên cho trẻ nhiều lần trong ngày cũng không tốt, nhất là với trẻ có cơ địa dị ứng. Trong tã giấy (bỉm) có hóa chất diệt khuẩn, diệt mốc, chất tạo hương thơm… Khi không đảm bảo đúng liều lượng, các chất này sẽ bị ôxy hóa thành chất độc gây nguy cơ dị ứng viêm da. Không ít nhà sản xuất còn đưa vào tã giấy loại hóa chất cực mạnh để diệt vi khuẩn. Khi đó, vi khuẩn có lợi cũng bị tiêu diệt càng tạo thuận lợi cho nấm mốc phát triển. Tốt nhất, các bà mẹ chỉ nên dùng những loại tã, bỉm đã được chứng nhận về chất lượng, của các nhãn hàng có uy tín.

 

Không nên đóng bỉm 24/24h

Trước tiên, dùng bỉm cả ngày sẽ khiến làn da bé bí bức, khó chịu, đặc biệt vào mùa hè nóng bức nếu mặc bỉm 24/24h sẽ khiến bé bị nóng hơn, quấy khóc. Vùng da đóng bỉm suốt cả ngày rất dễ bị hăm, nổi mụn, bị loét. Tình trạng hăm da, nổi mụn kéo dài lâu ngày có thể khiến trẻ bị viêm da, nhiễm khuẩn đường tiểu, trẻ chậm lớn và hay cáu kỉnh, quấy khóc.

Ngoài ra, lạm dụng bỉm cả ngày còn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Điều này có thể dẫn đến một thói quen xấu, là khi có nhu cầu vệ sinh trẻ sẽ tự động đi ra bỉm. Lâu dần, trẻ sẽ mất phản xạ gọi để báo cho cha mẹ ngay cả khi đã biết nói. Hệ quả là trẻ không tập được cách đi vệ sinh chủ động, thậm chí một số bé có thể mắc chứng đi tiểu không kiểm soát hoặc tè dầm khi lớn hơn, ảnh hưởng đến cả sức khỏe, sự phát triển và tâm lý của trẻ.

Để an toàn cho trẻ và tránh cho trẻ bị hăm khi dùng bỉm, ThS.BS. Trần Thu Nguyệt khuyên các bậc cha mẹ cần lưu ý: Hãy cho bé mang tã, bỉm vừa với cơ thể và nên rộng rãi, thoải mái một chút. Tã lót nên chọn loại thoáng khí, mềm mại, không kích ứng và là các sản phẩm có nguồn gốc, uy tín.

Không sử dụng xà phòng, các sản phẩm vệ sinh có cồn hoặc mùi thơm để thay rửa cho bé, những chất này có thể làm các triệu chứng hăm tã trầm trọng hơn. Thay bỉm thường xuyên cho trẻ.

Tránh lạm dụng phấn rôm khi dùng bỉm: Phấn rôm khi được thoa vào vùng da nhạy cảm, lại bị “bịt kín” bởi chiếc bỉm khiến những hạt bụi phấn không thoát ra ngoài được. Điều này sẽ gia tăng tình trạng bí bách cho làn da của bé. Ngoài ra, nếu bôi quá nhiều phấn rôm vào vùng kín của trẻ sẽ dẫn đến tình trạng phấn kết hợp với nước tiểu và phân tồn đọng ở trong bỉm của bé gây nên hiện tượng vón cục, gây bít lỗ chân lông và dẫn tới hăm tã ở trẻ.

Không dùng chung kem chống hăm nếu bé đã bị hăm: Nếu bé đã bị hăm tã, không dùng chung kem chống hăm cho nhiều bé. Nếu ngón tay bạn đã chạm vào vùng da bé bị hăm thì bạn không dùng lại ngón tay đó để lấy kem trong hũ nữa mà dùng ngón tay khác để lấy thêm kem. Và hãy nhớ, cho bé đi khám bác sĩ nếu bạn thấy tình trạng hăm tã của bé nặng lên và bé có vẻ rất khó chịu.

 

Cách phân biệt bỉm thật - giả

Để phân biệt bỉm thật - giả, cha mẹ có thể dựa vào một số dấu hiệu cảm quang sau: Nhìn vào bao bì đóng gói cẩn thận, sắc nét, trên đó có chứng nhận sản phẩm an toàn, có mùi hương dễ chịu, bề mặt nhẵn mịn.

Sản phẩm bỉm nhái thường mỏng hơn, bề mặt dạng lỗ, cứng, đường may cẩu thả và có mùi khó chịu, thường không được đóng gói cẩn thận mà bán ở dạng trần, có giá rẻ hơn nhiều.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top