Tại sao bệnh chàm có thể trở nên tồi tệ hơn theo tuổi tác?

Bệnh chàm không chỉ là một bệnh ở trẻ em, nó cũng có thể xảy ra ở người lớn. Trên thực tế, khoảng 20% dân số Việt Nam mắc bệnh chàm. Có một số lý do tại sao bệnh chàm có thể xuất hiện đột ngột ở người lớn hoặc trở nên trầm trọng hơn trong các trường hợp mắc bệnh từ thời thơ ấu.

May mắn thay, có một số biện pháp tự nhiên và dùng thuốc theo đơn để giảm bớt bệnh chàm ở người lớn. Cùng tìm hiểu lý do tại sao bệnh chàm ở người lớn xảy ra và cách giảm ngứa cho người mắc bệnh chàm qua bài viết sau đây.

Bệnh chàm là gì?

Bệnh chàm, còn được gọi là viêm da, là một thuật ngữ chung cho một số loại vấn đề về da khác nhau mãn tính và không lây nhiễm. Thông thường, bệnh chàm có biểu hiện và triệu chứng giống như phát ban bao gồm da khô, ngứa trên một số vùng của cơ thể như mặt, bàn tay, bàn chân, sau đầu gối và bên trong khuỷu tay.

Mặc dù phổ biến nhất ở trẻ em, nhưng đôi khi bệnh chàm đột ngột có thể xuất hiện ở người lớn. Nó cũng có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian nếu bạn đã mắc bệnh này từ thời niên thiếu.

Có bảy loại bệnh chàm khác nhau bao gồm:

  • Viêm da dị ứng (viêm da cơ địa)
  • Viêm da tiếp xúc
  • Viêm da thần kinh
  • Bệnh tổ đỉa
  • Chàm thể đồng tiền
  • Viêm da tiết bã (gàu)
  • Viêm da ứ đọng

Mỗi loại bệnh chàm có thể có một nguyên nhân khác nhau và có thể trông khác nhau tùy thuộc vào từng người. Ví dụ, bệnh chàm có thể có màu đỏ ở những người có làn da sáng hơn và màu tím/xám ở những người có làn da sẫm màu hơn. Một số loại cũng có thể gây phồng rộp. Đôi khi, nếu bạn gãi vết chàm, nó cũng có thể gây chảy máu.

 

Nguyên nhân gây ra bệnh chàm ở người lớn?

Da thay đổi khi bạn già đi là điều bình thường và những thay đổi đó có thể ảnh hưởng đến mức độ nhạy cảm của bạn đối với bệnh chàm. Nguyên nhân phổ biến bao gồm:

1. Da khô

Da lão hóa sẽ mất khả năng giữ nước, collagen giảm đi và da có xu hướng khô hơn. Collagen là một loại protein trong xương, tóc, cơ và da. Khi bạn già đi và mất collagen, xương và tóc của bạn có thể trở nên giòn và da của bạn có thể chảy xệ. Da chảy xệ có thể trở thành da khô và có thể gây viêm da.

2. Thuốc

Một số loại thuốc thường được kê đơn cho người lớn tuổi (như statin để giảm cholesterol) cũng có thể góp phần làm khô da. Và bởi vì da khô là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh chàm nên bạn có thể thấy bùng phát những mảng ngứa khi đang dùng một loại thuốc nhất định.

Các loại thuốc khác có thể gây khô da và bùng phát bệnh chàm bao gồm:

  • ‌Chất làm loãng máu như warfarin:‌ Chúng có thể khiến da khô, mỏng
  • ‌Thuốc trị mụn như accutane:‌ Chúng có thể gây khô da và khô miệng

3. Thời kỳ mãn kinh

Những thay đổi nội tiết tố mà bạn trải qua trong thời kỳ mãn kinh cũng có thể ảnh hưởng đến làn da của bạn. Thời kỳ mãn kinh có liên quan đến việc giảm estrogen, một loại hormone thường điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và giữ cho xương, tóc và da khỏe mạnh. Sự sụt giảm estrogen gây ra sự thay đổi trong hệ vi sinh vật trên da của bạn và khiến da sản xuất ít dầu hơn. Điều này không chỉ làm da khô hơn mà còn thay đổi hệ vi khuẩn, làm suy yếu hàng rào bảo vệ da và tăng nguy cơ phát triển bệnh chàm.

4. Căng thẳng

Một nguyên nhân phổ biến khác của bệnh chàm ở người lớn là căng thẳng. Một cuộc khảo sát bệnh nhân năm 2020 của Hiệp hội Bệnh chàm Quốc gia đã xem xét nguyên nhân gây bùng phát bệnh chàm ở người lớn. Kết quả phát hiện ra rằng căng thẳng là nguyên nhân lớn nhất, đặc biệt là ở phụ nữ.

Cuộc khảo sát cũng cảnh báo rằng căng thẳng có thể góp phần gây viêm khắp cơ thể và hạn chế khả năng tự phục hồi của da. Căng thẳng có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và kích hoạt các đợt bùng phát bệnh chàm.

 

5 loại bệnh chàm ở người lớn tuổi

Bây giờ khi đã biết nguyên nhân gây bệnh chàm ở người lớn, chúng ta có thể xác định loại bệnh chàm mà người lớn có thể mắc phải. Mỗi loại đi kèm với một nguyên nhân, triệu chứng và sự xuất hiện riêng. Các loại phổ biến nhất bao gồm:

1. Viêm da do ứ đọng tĩnh mạch (Venous Eczema)

Loại bệnh chàm này ảnh hưởng đến cẳng chân và thường xuất hiện cùng với chứng giãn tĩnh mạch, sưng chân và huyết áp cao ở người lớn trên 50 tuổi. Các triệu chứng khác có thể bao gồm cảm giác nặng nề hoặc đau nhức ở chân sau khi ngồi hoặc đứng trong thời gian dài và da khô, đóng vảy. Nếu không được điều trị, bệnh chàm tĩnh mạch có thể phá vỡ da và hình thành vết loét.

Điều trị:

Nếu bạn nghi ngờ mình bị giãn tĩnh mạch hoặc viêm da ứ đọng tĩnh mạch, hãy tới gặp bác sĩ da liễu để được khám bệnh và tư vấn. Điều trị cho loại bệnh chàm này thường bao gồm vớ áp lực (một loại vớ y khoa làm tăng áp lực lên chân) và nâng cao chân để giảm sưng, chăm sóc da khô phù hợp, tránh thực phẩm chứa nhiều muối, bổ sung vitamin C hoặc kem bôi corticosteroid để giảm ngứa, theo Hiệp hội Bệnh chàm Quốc gia.

2. Chàm vùng da không tiết bã (Asteatotic Eczema)

Đây là một loại bệnh chàm phổ biến ở người lớn tuổi, tuy nhiên, một số người ở độ tuổi 20 vẫn có thể mắc phải tình trạng da này. Chàm da không tiết bã, thường xuất hiện ở cẳng chân, trông khô và bong tróc. Bệnh này có xu hướng phát triển trong những tháng mùa đông, do thiếu độ ẩm, mặc đồ len hoặc các loại vải khác có thể gây kích ứng.

Điều trị:

Bệnh chàm vùng da không tiết bã có thể được điều trị bằng thuốc mỡ dưỡng ẩm đơn giản hoặc kem bôi chàm. Bạn cũng có thể thử các biện pháp tự nhiên như tắm vòi sen nước mát trong thời gian ngắn, sử dụng xà phòng không mùi, tắm bột yến mạch hoặc mặc quần áo nhẹ, không bó chặt.

3. Chàm đồng tiền

Loại chàm này trông giống như các tổn thương hình đồng xu (hoặc đốm đỏ), thường ở cánh tay và chân. Mặc dù là bệnh mãn tính nhưng bệnh chàm dạng đồng tiền có thể đến rồi đi, với các đợt bùng phát kéo dài hàng tuần đến hàng tháng. Không biết chắc chắn chính xác tại sao bệnh chàm da lại xảy ra, nhưng bệnh có thể xảy ra bởi dị ứng, nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc các chất kích thích như vải thô hoặc các sản phẩm vệ sinh.

Điều trị:

Bác sĩ da liễu có thể kê toa nhiều loại thuốc khác nhau để giúp ngăn ngừa và giảm mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát chàm thể đồng tiền. Chúng bao gồm corticosteroid, thuốc kháng sinh và kem chống ngứa. Bạn cũng có thể tránh mặc quần áo chật, các loại vải gây kích ứng và hãy sử dụng chất tẩy rửa nhẹ nhàng trên da.

4. Bệnh chàm bàn tay

Một trong những loại bệnh chàm phổ biến nhất là bệnh chàm tay. Nó chủ yếu ảnh hưởng đến lòng bàn tay nhưng vẫn có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên bàn tay. Với bệnh chàm tay, da  sẽ khô, ngứa và có thể chảy máu hoặc nổi mụn nước. Nguyên nhân thường là do bạn rửa tay quá nhiều. Nó dẫn đến da quá khô, sần sùi, nứt nẻ đau đớn.

Điều trị:

Các triệu chứng chàm bàn tay có thể thuyên giảm bằng cách dưỡng ẩm tay đúng cách sau khi rửa. Cố gắng rửa tay ít hơn, nhưng nếu cần, hãy sử dụng nước ấm và xà phòng không mùi. Bạn cũng có thể đeo găng tay cao su khi rửa bát đĩa hoặc găng tay cotton khi lau chùi để tránh bùng phát bệnh chàm ở tay.

5. Chàm mí mắt

Đây là một loại bệnh chàm rất phổ biến khác ở người lớn, do tính chất mỏng manh của vùng da quanh mắt. Bởi vì da ở khu vực đó có nếp gấp tự nhiên (đặc biệt là khi bạn già đi), các chất gây dị ứng thường tiếp xúc và tiếp xúc với da, gây ra các triệu chứng của bệnh chàm.

Các chất gây dị ứng và kích ứng phổ biến dẫn đến chàm mí mắt bao gồm: trang điểm, sản phẩm chăm sóc da, sơn móng tay, khăn hoặc quần áo và thậm chí một số loại thuốc nhỏ mắt có chứa neomycin.

Điều trị:

Các triệu chứng chàm mí mắt có thể được điều trị bằng chất làm mềm da (như kem đưỡng da và dầu dưỡng da) hoặc dùng thuốc bôi liều thấp steroid tại chỗ do bác sĩ da liễu kê đơn. Hãy chắc chắn rằng bạn sử dụng thuốc theo quy định và cố gắng tránh các chất kích thích để giảm ngứa.

 

4 mẹo để quản lý bệnh chàm khi trưởng thành

Để kiểm soát bệnh chàm khi trưởng thành, bạn cần tập trung vào việc dưỡng ẩm cho da đúng cách, kiểm soát các tác nhân gây bệnh và nhẹ nhàng với làn da của bạn. Mặc dù bệnh chàm không thể chữa khỏi, nhưng nó thường có thể được kiểm soát thông qua các bước sau:

1. Quản lý các yếu tố cơ bản

Những người bị bệnh chàm cũng thường bị dị ứng theo mùa và thực phẩm. Điều trị dị ứng theo mùa bằng thuốc kháng histamine có thể giúp kiểm soát các triệu chứng. Bác sĩ có thể đề xuất loại thuốc kháng histamine phù hợp với bạn, điều này cũng có thể cải thiện kết quả điều trị bệnh chàm của bạn.

2. Sử dụng các sản phẩm có ceramide

Ceramides là một chất béo thường bị mất đi ở vùng da dễ bị chàm. Các loại kem có chứa ceramide giúp bổ sung hàng rào bảo vệ da. Bạn nên dùng các sản phẩm chứa nhiều ceramide giúp làm dịu và giữ ẩm cho da.

3. Theo dõi các yếu tố kích hoạt

Hãy chú ý đến các yếu tố kích hoạt - tức là bất cứ thứ gì khiến bệnh chàm của bạn bùng phát. Mọi người đều có các yếu tố kích hoạt khác nhau, vì vậy tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh của bạn là gì và tránh chúng là chìa khóa để cải thiện các triệu chứng bệnh chàm của bạn.

Các yếu tố kích hoạt có thể bao gồm thời tiết nóng hoặc lạnh, bột giặt, một số loại thực phẩm, nước hoa, sản phẩm chăm sóc da, căng thẳng,... Bạn cũng nên ăn một chế độ ăn kiêng để giảm các triệu chứng bệnh chàm và thu hẹp các tác nhân gây bệnh của bạn.

Căng thẳng có thể làm cho bất kỳ chứng rối loạn viêm nhiễm nào trở nên tồi tệ hơn. Các kỹ thuật giảm căng thẳng có thể không chữa khỏi bệnh chàm, nhưng chúng có thể làm dịu các triệu chứng ở một mức độ nào đó và giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh chàm hiệu quả hơn.

4. Dưỡng ẩm bằng dầu tắm

Bạn cũng nên thêm các loại dầu tắm vào nước tắm. Thêm dầu tắm vào nước tắm có thể giúp làm dịu da khô và ngứa.

 

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Cho dù bạn bị bệnh chàm đột ngột hay bạn đã mắc bệnh này từ khi còn nhỏ, bệnh chàm có thể trở nên trầm trọng hơn khi bạn già đi. Nếu bạn đã thử các biện pháp khắc phục tại nhà mà vẫn cảm thấy khó chịu do bệnh chàm, bạn nên đi khám bác sĩ. Các triệu chứng bệnh chàm dai dẳng không cải thiện khi sử dụng các sản phẩm không kê đơn nên được khám và tư vấn sử dụng bởi bác sĩ.

Thông thường trong khoa da liễu, triệu chứng ngứa còn tệ hơn đau nhiều. Đó là lý do tại sao việc chẩn đoán bệnh chàm và hỗ trợ điều trị là rất quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top