✴️ Ancylostomidae- Giun móc và giun mỏ (P2)

Nội dung

VAI TRÒ Y HỌC.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh giun móc/mỏ có nhiều mức độ khác nhau, tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như mức độ nhiễm nhiều hay ít, người sống ở trong hay ngoài vùng lưu hành bệnh giun móc hoặc chế độ ăn uống... Nói chung nếu cường độ nhiễm thấp, biểu hiện lâm sàng không rõ rệt, nếu nhiễm nhiều giun, có thể gây ra các triệu chứng lâm sàng đáng kể, ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ, khả năng lao động của bệnh nhân.

Bệnh của ấu trùng:

Giai đoạn ấu trùng qua da:

Khi ấu trùng chui qua da (thường thấy nhất ở vùng da mu bàn chân, các kẽ ngón tay, kẽ ngón chân), ấu trùng gây ra những nốt mẩn đỏ, ngứa ngáy rất khó chịu đó là biểu hiện viêm da. Còn gọi là “ngứa do đất”, ngứa rất nhiều, có ban đỏ, phù nề, về sau thành nốt mọng nước. Thường diễn biến 3 - 5 ngày rồi tự hết, nhưng cũng có thể kéo dài tới 2 tuần lễ. Ở vùng có giun móc/giun mỏ lưu hành thì biểu hiện này thường dễ bị bỏ qua hoặc hiếm thấy.

Giai đoạn ấu trùng qua phổi:

Khi ấu trùng giun móc qua phổi cũng gây biểu hiện bệnh lí giống ấu trùng giun đũa. ấu trùng giun móc ở phổi sẽ kích thích phổi gây ho, có thể đờm có lẫn máu, có thể sốt thất thường, khó thở như hen, chụp phổi có thể thấy thâm nhiễm nhẹ giống lao. Các triệu chứng chỉ tồn tại vài ngày rồi tự hết (hội chứng Loeffler).

Bệnh của giun trưởng thành:

Giun móc trưởng thành dùng răng ngoạm vào thành ruột để hút máu. Gây nên những biểu hiện lâm sàng toàn thân, rối loạn tiêu hoá, rối loạn về máu và tuần hoàn, rối loạn thần kinh... 

Chú ý các triệu chứng sau:

Mất sắc tố ở da:

Ở những bệnh nhân da đen, màu da lúc đầu nhạt nhưng bắt đầu sẫm trở lại sau khi được điều trị bằng sắt. Ở những bệnh nhân có albumin máu thấp, biểu hiện mất sắc tố trầm trọng hơn. Trong thiếu máu do giun móc thấy có 2 loại mất sắc tố. Một loại do thiếu sắt hầu như lúc nào cũng có và khỏi trước khi hết thiếu máu. Loại kia kèm theo thiếu albumin. Chỉ chữa khỏi mất sắc tố sau khi đã điều trị khỏi thiếu máu, thiếu albumin. Đôi khi có thể thấy thay đổi màu sắc, cách xếp đặt của tóc hoặc sưng tuyến mang tai...

Rối loạn tiêu hoá: 

Triệu chứng này xuất hiện sớm nhất, đôi khi thấy xuất hiện trước trứng giun móc có trong phân. Biểu hiện rối loạn tiêu hoá thường gặp: biếng ăn, các cơn đau bụng vùng thượng vị không có giờ giấc nhất định. Trên X quang có thể thấy hình ảnh viêm loét tá tràng. Bệnh nhân gầy sút, phân lẫn máu đen, dần dần có thể xuất hiện hội chứng lị...

Rối loạn về máu và tuần hoàn:

Trên lâm sàng: da, niêm mạc nhợt nhạt, thường thấy phù nhẹ ở mặt và chân tay, tim có tiếng thổi tâm thu cơ năng...

Xét nghiệm: thấy huyết cầu tố giảm 40 - 20% hoặc thấp hơn; hồng cầu có thể dưới 1 triệu/ml máu, có hồng cầu biến dạng; bạch cầu ái toan tăng cao, có thể trên 60%, nhất là khi mới nhiễm. Những bệnh nhân ở vùng lưu hành bệnh giun móc, thường xuyên bị tái nhiễm, biểu hiện tăng bạch cầu ái toan không thể hiện rõ. Những người bị nhiễm giun móc nhiều lần, trong thời gian 5 năm, thấy có sự tăng immunoglobulin IgE huyết thanh: 0,12 - 0,735 g/l. Rối loạn về máu và tuần hoàn có thể gây ra một số bệnh lí sau:

Thiếu máu do giun móc:

Bệnh sinh thiếu máu do giun móc phụ thuộc vào các yếu tố: lượng sắt trong khẩu phần ăn uống, tình trạng dự trữ sắt, cường độ và thời gian của bệnh.

Những yếu tố này thay đổi tùy theo từng nước, từng khu vực, nhưng cần phải được đánh giá đúng mức, trong từng trường hợp cụ thể. Ví dụ: ở Nigeria, lượng sắt trong khẩu phần ăn cao (21 - 30 mg/ngày), ở đây chỉ khi bị nhiễm nặng trên 800 giun móc/người mới có biểu hiện thiếu máu nhược sắc. Ở Maritius, lượng sắt trong khẩu phần ăn của mỗi người hàng ngày thấp (5 - 10 mg), ở đây khi bị nhiễm giun móc nhẹ, trung bình cũng có thể bị thiếu máu nặng.

Quan niệm về vị trí bị giun móc hút máu vẫn tiếp tục chảy máu sau khi giun đã di chuyển không được các nhà mô học ủng hộ, họ cho rằng máu sẽ ngừng chảy, sau khi giun di chuyển. Hiện vẫn chưa đủ cơ sở khoa học để chứng minh độc tố của giun móc gây ức chế cơ quan tạo máu, dẫn đến thiếu máu.

Qua nghiên cứu bằng chất phóng xạ kép, người ta thấy một phần lượng sắt của cơ thể bị giun móc ăn, rồi bài tiết ra ở tá tràng và phần trên ruột non lại được tái hấp thu trong ống tiêu hoá, tỉ lệ tái hấp thu tăng lên khi bệnh nhân bị thiếu sắt.

Ở một số nước vùng nhiệt đới, có tình trạng thiếu máu do giun móc kèm theo thiếu axit folic. Tình trạng thiếu axit folic thường bị che khuất do tình trạng thiếu máu nhược sắc nặng. Bệnh sinh của thiếu axit folic ở bệnh giun móc có thể do nhiều yếu tố khác nhau: do kém hấp thu axit folic, hoặc do thiếu axit folic trong khẩu phần ăn, do nhu cầu axit folic tăng ở bệnh giun móc...

Tình trạng thiểu năng albumin máu:

Trong bệnh giun móc, sự giảm protein máu là một biểu hiện bệnh lí quan trọng, sự mất protein do giun móc lớn hơn mất hồng cầu. Ở bệnh nhân giun móc khả năng tổng hợp protein cũng bị hạn chế. Albumin máu giảm, thường kèm theo biểu hiện phù nề. Điều trị phù nề không có kết quả bằng các thuốc lợi tiểu có thủy ngân, ngay cả sau khi đã hết thiếu máu. Nhưng phù nề sẽ hết nhanh sau khi điều trị đặc hiệu giun móc có kết quả.

Các biểu hiện bệnh lí khác:

Ở trẻ em: chậm lớn, còi cọc, chậm phát triển về trí tuệ, tinh thần.

Ở phụ nữ: có thể bị ảnh hưởng đến kinh nguyệt.

Ở người lớn: có các biểu hiện rối loạn thần kinh như giảm trương lực cơ, nhức đầu, kém trí nhớ, suy sụp tinh thần. Trường hợp nặng kéo dài, có thể giảm hoặc mất phản xạ, tê liệt, cũng có thể bị giảm thị lực.

 

CHẨN ĐOÁN.

Giai đoạn ấu trùng di chuyển: có thể tìm thấy trứng giun móc trong đờm.

Giai đoạn giun trưởng thành:

Xét nghiệm phân tìm trứng giun móc: cho phép chẩn đoán quyết định, độ tin cậy cao. Có thể xét nghiệm phân trực tiếp, kết hợp với các phương pháp tập trung trứng (Fulleborn...). Chú ý khi xét nghiệm chẩn đoán giun móc cần phải xét nghiệm sớm, không để bệnh phẩm quá 24 giờ, trứng có thể nở thành ấu trùng ra ngoài, rất khó phân biệt với ấu trùng các giun khác. 

Nuôi cấy ấu trùng giun móc trong ống nghiệm, cần chú ý phân biệt với ấu trùng giun lươn.

Đãi phân để chẩn đoán giun móc trên giun trưởng thành. Phương pháp này thường chỉ áp dụng ở các cơ sở nghiên cứu, để đánh giá hiệu quả của các thuốc đặc hiệu hoặc điều tra thành phần loài.

Phương pháp miễn dịch học được áp dụng trong điều tra dịch tễ học hàng loạt. Kháng nguyên được điều chế từ giun móc người hoặc giun móc chó.

 

ĐIỀU TRỊ.

Nguyên tắc điều trị giun móc: kết hợp điều trị đặc hiệu với điều trị thiếu máu, thiếu sắt, thiếu axit folic và protein máu. Kết hợp điều trị với điều chỉnh chế độ ăn, dinh dưỡng đảm bảo cung cấp đủ sắt, vitamin...

Thuốc đặc trị giun móc:

Tetrachloroethylen (C2Cl4) (biệt dược didaken) có tác dụng tốt với giun mỏ, nhưng rất độc cho gan thận nên hiện nay ít dùng.

Alcopar (hydroxynaphtoat, bephenium): có tác dụng tốt với giun móc, tác dụng tốt với cả giun đũa, giun kim, giun tóc... Người lớn uống1 lần 5g, không cần thuốc tẩy. Trẻ em dưới 22 kg uống 1/2 liều người lớn. Uống vào buổi sáng, chưa ăn với nước đường ấm.

Mebendazole (vermox, fugacar...): cũng có tác dụng điều trị giun móc, ít độc, có tác dụng với nhiều loại giun, liều dùng điều trị giun móc hơn liều điều trị nhiễm giun phối hợp. Theo Lê Bách Quang, Trịnh Trọng Phụng (1986): để điều trị giun móc nên sử dụng liều: 200mg/ngày, chia 2 lần, uống 6 ngày liền, không cần tẩy, sau khi ngừng thuốc 8 - 10 ngày vẫn còn thấy giun móc bị thải ra theo phân.

Tinh dầu giun (olium chenopodium): có trên 60% tinh chất ascaridol cũng có tác dụng điều trị giun móc.

Albendazole: hiện nay được coi là một trong những thuốc có hiệu lực nhất điều trị giun móc.

 

DỊCH TỄ HỌC VÀ PHÒNG CHỐNG.

Dịch tễ học:

Bệnh giun móc/mỏ phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, châu Á, Nam và Trung Mĩ, châu Phi… Theo thông báo của WHO (năm 1993): trên thế giới có khoảng 900 triệu người mắc bệnh giun móc/mỏ và khoảng 60.000 người chết hàng năm; các nước có tỉ lệ nhiễm cao như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam...

Ở các nước xứ lạnh bệnh phát triển ở các vùng mỏ than ở dưới mặt đất. Ở đây có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, phù hợp với đời sống sinh hoạt của công nhân các mỏ than. Tuy nhiên hiện nay do điều kiện lao động của công nhân mỏ than được cải thiện nhiều nên bệnh này cũng giảm nhiều. 

Ở các nước nhiệt đới, bán nhiệt đới bệnh giun móc/mỏ có liên quan tới nông dân: ở những nơi trồng mía, trồng dâu nuôi tằm (Trung Quốc), trồng thuốc lá (các nước Đông Nam Á).

Ở Việt Nam, trong 2 loại giun móc và giun mỏ thì giun mỏ chiếm 95%, giun móc chiếm 5% trong tổng số người nhiễm.

Miền Bắc:     

  • Đồng bằng:  3 - 60%.
  • Trung du:     59 - 64%.
  • Miền núi:      61%.
  • Ven biển:      67%.

Miền Trung:

  • Đồng bằng:   36%.                    
  • Miền núi:      66%.
  • Ven biển:      69%.

Miền Nam:  

  • Đồng bằng:   52%.
  • Ven biển:      68%.

(Số liệu của Viện Sốt rét - KST - CT Trung ương, 1998).

Tỉ lệ nhiễm giun móc phụ thuộc vào nghề nghiệp, tuổi, giới: nông dân, công nhân vùng mỏ có tỉ lệ nhiễm cao, tuổi càng cao tỉ lệ nhiễm càng cao, nữ giới nhiễm cao hơn nam giới. Nguyên nhân do sự ô nhiễm trứng giun tùy thuộc vào môi trường.

Kết quả điều tra sự ô nhiễm ấu trùng giun móc/mỏ ở ngoại cảnh miền Bắc  Việt Nam cho thấy:

  • Đồng bằng: 100 - 140 ấu trùng/100 gam đất.
  • Trung du: 8 -  35 ấu trùng /100 gam đất.
  • Miền núi: 0,2 - 0,7 ấu trùng/100 gam đất. 

Ngoài ra tỉ lệ mắc nhiễm giun móc/mỏ còn phụ thuộc vào các yếu tố: 

  • Nghề nghiệp: đặc biệt trầm trọng ở các vùng trồng rau, hoa màu.
  • Thổ nhưỡng: tỉ lệ nhiễm giun móc cũng khác nhau và phân vùng theo điều kiện thổ nhưỡng, miền cao hay miền sông nước, nghề nghiệp. Tỉ lệ ở miền Bắc khoảng 30 - 40%, miền Nam khoảng 10 - 20%. Chủ yếu tập trung ở những người trồng hoa màu, cây ăn trái, cà phê, công nhân cạo mủ cao su, công nhân hầm lò, công nhân nông trường mía. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có tỉ lệ nhiễm thấp. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ tỉ lệ nhiễm cao, có nơi đến 50% người được điều tra phát hiện có mang giun móc trong người. Vùng đất cát ven sông, ven biển là vùng thuận lợi cho ấu trùng phát triển tới giai đoạn III ở ngoại cảnh. Ở nước ta tỉ lệ người nhiễm giun móc/mỏ ở từng vùng có khác nhau. Nói chung vùng đồng bằng ven biển, vùng trồng rau màu, các bãi bồi ven sông, vùng hầm mỏ... có tỉ lệ nhiễm giun móc/mỏ cao, cường độ nhiễm nặng.
  • Vấn đề vệ sinh môi trường: tình trạng hố xí, việc sử dụng phân người để bón cho hoa màu.

Giun mỏ là loại giun gặp chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới. Còn các xứ ôn đới gặp chủ yếu là giun móc. Ở Đông Nam Á nhiều nước còn tìm thấy ngoài hai loại trên còn có Ancylostoma ceylanicum. Ở nước ta chưa tìm thấy loài này kí sinh ở người.

Nguồn bệnh: 

Từ những người mắc bệnh giun móc/mỏ.

Mầm bệnh:

Nguồn bệnh thường xuyên thải trứng giun móc ra ngoại cảnh. Ở điều kiện thuận lợi, đủ độ ẩm, oxy, nhiệt độ thích hợp: 25 - 30°C, sau 25 giờ, trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng phát triển ở ngoại cảnh tới giai đoạn có thể lây nhiễm được. Ấu trùng giun móc ở giai đoạn này thích nghi với sự tìm kiếm vật chủ, chúng không bò ngang quá 30 cm nhưng có thể bò cao quá 1 m, ấu trùng luôn tìm đến các vị trí cao nhất xung quanh nguồn phân. Ở điều kiện nhiệt đới ấu trùng có thể sống được tới 6 tuần, ở điều kiện thuận lợi ấu trùng có thể sống được18 tháng. Những chỗ đất xốp, đất màu, đất cát, đất bụi than ở mỏ, đất mùn rác quanh nhà ở... là nơi thuận lợi cho ấu trùng sống và phát triển. Ánh sáng mặt trời, cấu tạo khoáng chất của đất không thích hợp, làm ấu trùng dễ chết, ấu trùng không sống được trong nước, chết nhanh trong nước tiểu.

Đường lây:

Chủ yếu qua đường da, thứ yếu qua đường tiêu hoá. Ở vùng lưu hành: điều kiện vệ sinh thấp kém, có tập quán dùng phân người tươi, chưa xử lí để trồng trọt, chăn nuôi; phóng uế bừa bãi, súc vật thả rông, lợn ăn phân người... Mầm bệnh giun móc không phát triển ở động vật nhưng cũng không chết, chúng lại được thải ra môi trường, tạo cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề.

Người cảm thụ:

Tất cả mọi lứa tuổi đều mắc giun móc. Đối tượng nào tiếp xúc với phân nhiều thì có tỉ lệ nhiễm giun móc cao. Ở Việt Nam, tỉ lệ nhiễm giun móc ở phụ nữ nông thôn cao hơn ở các đối tượng khác.

Phòng chống:

Công việc phòng chống bệnh giun móc phải tiến hành có quy mô, kết hợp với các biện pháp y học với cải tiến kĩ thuật canh tác, cơ khí hoá nông nghiệp, thay đổi tập quán sinh hoạt. Mọi nỗ lực phòng chống bệnh giun móc hiện nay cần tập trung vào những vùng nhiễm giun móc nặng. Các biện pháp điều trị hàng loạt, điều trị chọn lọc bệnh giun móc rất có hiệu quả, mức độ tái nhiễm giun móc thấp hơn nhiều so với mức độ tái nhiễm bệnh giun đũa.

Phòng chống bệnh cần lưu ý:

Phát hiện, điều trị bệnh nhân để hạn chế nguồn bệnh.

Xử lí tốt nguồn phân, bằng các hố xí hợp quy cách vệ sinh: hố xí thấm dội nước kiểu Sulav, hố xí Biogaz, hố xí tự hoại, bán tự hoại...

Cần giáo dục ý thức vệ sinh, kiến thức phòng chống bệnh giun móc. Nhiều nơi dù có đủ hố xí đúng quy cách vệ sinh, nhưng trẻ em vẫn phóng uế bừa bãi. 

Làm sạch ngoại cảnh: diệt trứng, ấu trùng giun móc bằng cách rắc vôi bột, muối ở chỗ đất ô nhiễm nặng (ví dụ: xung quanh hố xí, nguồn phân). 

Phòng tránh nhiễm ấu trùng giun móc ở nơi có tỉ lệ nhiễm cao bằng cách hạn chế tiếp xúc với đất, phân, không ngồi, nằm đất, khi lao động tiếp xúc với phân, đất, nên đi ủng cao su, hoặc các trang thiết bị bảo vệ da.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top