✴️ Sơ cứu vết thuơng chảy máu nghiêm trọng

Chảy máu là hiện tượng mất máu từ hệ thống mạch máu (tĩnh mạch, động mạch hay mao mạch), bao gồm cả chảy máu trong và chảy máu ngoài. Lưu lượng máu trong động mạch chịu áp lực cao nhất.

Khi bị vết thương chảy máu ngoài, việc cần làm đầu tiên là phải cầm máu. Tùy vào mức độ của vết thương, nếu vết thương sâu rộng và mất máu nhiều, nạn nhân cần được can thiệp y tế ngay lập tức.

Lưu ý khi hỗ trợ nạn nhân sơ cứu vết thương chảy máu, người hỗ trợ nên sử dụng găng tay tiệt trùng để bảo vệ cả bản thân và nạn nhân.

 

Đối với vết thương bên ngoài

  • Đặt nạn nhân nằm xuống và che đắp để ngăn ngừa mất nhiệt cơ thể

Nếu có thể, đặt đầu nạn nhân hơi thấp hơn so với thân hoặc nâng cao chân và nâng cao vị trí chảy máu.

  • Nếu đeo găng tay, hãy lấy đi bất kỳ chất bẩn hoặc mảnh vỡ nhìn thấy được ra khỏi vết thương

Đừng lấy đi bất kỳ vật lớn hoặc nằm sâu trong vết thương. Nên nhớ mối quan tâm chính của bạn là cầm máu.

  • Đè trực tiếp lên vết thương cho đến khi hết chảy máu

Sử dụng băng vô trùng hoặc vải sạch đè liên tục trong ít nhất 20 phút và không được mở ra xem máu đã ngừng chảy hay chưa. Duy trì áp lực bằng cách bó chặt vết thương bằng băng hoặc vải sạch với băng dính (nếu có). Sử dụng bàn tay của bạn nếu không có sẵn gì khác. Nếu có thể, đeo găng tay cao su hoặc găng tay Latex hoặc sử dụng một túi nilon sạch để bảo vệ bạn khỏi nhiễm trùng.

  • Không gỡ bỏ các gạc hoặc băng

Nếu máu tiếp tục chảy và thấm ướt băng hoặc gạc mà bạn đang chẹn trên vết thương, không được bỏ chúng đi. Thay vào đó, hãy đè thêm băng gạc mới lên trên.

  • Có thể đè vào động mạch chính nếu cần

Nếu máu vẫn tiếp tục chảy mặc dù đã đè trực tiếp lên vết thương, hãy đè lên động mạch cung cấp máu đến khu vực đó.

Điểm đè của cánh tay là ở mặt trong cánh tay ngay phía trên khuỷu và ngay dưới nách. Điểm đè của chân là ngay phía sau đầu gối và ở vùng bẹn. Tại các vị trí này, động mạch chính được đè lên xương. Giữ các ngón tay của bạn phẳng khi đè. Tiếp tục đè bàn tay còn lại lên trên bàn tay kia để tăng áp lực.

  • Bất động phần cơ thể bị thương khi máu đã ngừng chảy

Để các băng gạc ở nguyên vị trí và đưa nạn nhân đến phòng cấp cứu càng sớm càng tốt.

 

Chảy máu bên trong

Hiện tượng này có thể xảy ra khi nạn nhân bị đập mạnh vào đầu, ngực hay bụng do ngã hoặc bị xe đâm. Người không có chuyên môn thường khó nhận biết các dấu hiệu của chảy máu trong.Nếu bạn nghi ngờ chảy máu bên trong, hãy gọi 115 hoặc số khẩn cấp tại địa phương bạn. Các dấu hiệu chảy máu bên trong bao gồm:

  • Chảy máu từ các khoang cơ thể (ổ bụng, lồng ngực…).
  • Nôn hoặc ho ra máu.
  • Bầm tím ở vùng cổ, ngực, bụng.
  • Có vết thương xuyên sọ, ngực hoặc bụng.
  • Bụng chướng, có thể cứng hoặc co thắt cơ bụng.
  • Gãy xương.
  • Sốc, biểu hiện với suy yếu, lo lắng, khát nước hoặc da mát lạnh.

 

Chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế nếu điều kiện cho phép:

Nếu vết thương nhỏ và nạn nhân có thể di chuyển bằng ô tô xe máy thông thường thì chuyển ngay nạn nhân tới cơ sở y tế gần đó.

Nếu vết thương nặng hay tình trạng nạn nhân xấu thì gọi cấp cứu càng sớm càng tốt.

Trong khi chờ đợi hoặc trên đường vận chuyển phải theo dõi sát tình trạng hô hấp, tuần hoàn của nạn nhân. Giữ ấm cho nạn nhân.

Cố gắng tránh tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các loại dịch khác từ cơ thể nạn nhân. Sử dụng găng tay dùng một lần nếu có thể. Nếu không có găng thì dùng túi nilon thông thường để thay thế.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top