✴️ Các hoạt động chỉ đạo tuyến đặc thù

Nội dung

ĐỀ ÁN 1816

Ngày 26 tháng 5 năm 2008, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 1816/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” viết tắt là Đề án 1816.

Mục tiêu:

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế.

Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương.

Chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ tuyến dưới. 

Phương thức, quy trình, chỉ tiêu thực hiện cử cán bộ luân phiên:

Bệnh viện tuyến trên cử cán bộ chuyên môn về hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới theo hai phương thức: hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ cán bộ tuyến dưới, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tuyến dưới; hỗ trợ nhân lực cho vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, thiếu nhân lực. Hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật là chủ yếu.

Nguyên tắc và thời gian cử cán bộ luân phiên:

Cử cán bộ chuyên môn có khả năng giải quyết độc lập các kỹ thuật về hỗ trợ BV tuyến dưới.

Thời gian luân phiên do đơn vị cử cán bộ quyết định nhưng tối thiểu 3 tháng/1 đợt. 

Một bệnh viện tuyến trên có thể hỗ trợ một hoặc nhiều BV tuyến dưới, một bệnh viện bệnh viện tuyến dưới có thể nhận hỗ trợ của một hoặc nhiều bệnh viện tuyến trên.

Chỉ tiêu cử cán bộ luân phiên: 

Bộ Y tế quy định về chỉ tiêu cử cán bộ luân phiên đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ: bệnh viện đa khoa: 01 cán bộ/50 giường bệnh kế hoạch; bệnh viện chuyên khoa: 01 cán bộ/30 giường bệnh kế hoạch. Định mức này được quy định thực hiện ổn định trong 2 năm 2008, 2009. Tuy nhiên trong thực tế, quy định này đã thực hiện đến hết năm 2011.

Quy trình thực hiện:

Khảo sát thực trạng năng lực và nhu cầu hỗ trợ chuyên môn của tuyến dưới. Xác định nội dung hỗ trợ phù hợp với khả năng tuyến trên và nhu cầu tuyến dưới.

Ký kết hợp đồng hỗ trợ giữa bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới. Lập kế hoạch hỗ trợ/ tiếp nhận hỗ trợ. 

Bệnh viện tuyến trên trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định cử cán bộ luân phiên. Thực hiện cử cán bộ luân phiên hỗ trợ. 

Bệnh viện tuyến dưới chuẩn bị các điều kiện về trang thiết bị, nhân lực, bệnh nhân để tiếp nhận hỗ trợ chuyên môn, tiếp nhận và tạo điều kiện cán bộ luân phiên về làm việc.

Tổ chức kiểm tra giám sát, hỗ trợ thực hiện.

Đánh giá kết quả hỗ trợ, thanh lý hợp đồng.

Tiếp tục theo dõi đánh giá nhu cầu hỗ trợ của bệnh viện tuyến dưới để có hỗ trợ phù hợp.

 

QUYẾT ĐỊNH SỐ 5068/QĐ-BYT CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Nhằm phát huy mặt mạnh, khắc phục tồn tại của Đề án 1816 và nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động luân phiên cán bộ, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5068/QĐ-BYT ngày 21tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định một số nội dung triển khai thực hiện đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế theo Đề án 1816 từ năm 2013. 

Nguyên tắc thực hiện:

Các bệnh viện tuyến trên tập trung tổ chức chuyển giao gói kỹ thuật theo nhu cầu của bệnh viện tuyến dưới và phù hợp với khả năng đáp ứng của bệnh viện tuyến trên. 

Việc tăng cường nhân lực cho tuyến dưới có thể áp dụng trong các trường hợp: tuyến dưới có nhu cầu hỗ trợ khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; tuyến xã chưa có bác sĩ.

Các bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ tuyến tỉnh; tuyến tỉnh hỗ trợ tuyến huyện; tuyến huyện cử bác sĩ định kỳ về trạm y tế xã khám, chữa bệnh theo buổi trong tuần.

Cán bộ hoặc kíp cán bộ chuyên môn của bệnh viện tuyến trên tham gia chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới phải là cán bộ có khả năng giải quyết độc lập được các kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn hỗ trợ. 

Hình thức chuyển giao kỹ thuật:

Các bệnh viện xây dựng và tổ chức thực hiện chuyển giao kỹ thuật theo hướng dẫn tại Công văn số 2950 /BYT- KCB, ngày 10 tháng 5 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn xây dựng quy trình chuyển giao kỹ thuật y tế trong thực hiện Đề án 1816. Việc chuyển giao kỹ thuật có thể thực hiện theo một trong các hình thức sau:

Bệnh viện tuyến trên về chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới; 

Bệnh viện tuyến dưới cử cán bộ hoặc kíp cán bộ chuyên môn phù hợp tiếp nhận kỹ thuật tại bệnh viện tuyến trên;

Phối hợp hai hình thức trên.

Xác định kỹ thuật hoặc gói dịch vụ kỹ thuật đã được chuyển giao:

Các bệnh viện sau khi hoàn thành chuyển giao kỹ thuật hoặc gói dịch vụ kỹ thuật được cấp chứng nhận chuyển giao kỹ thuật theo hướng dẫn tại Công văn số

1999/BYT-KCB, ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tổ chức thực hiện:

Các bệnh viện: 

Bệnh viện tuyến dưới (kể cả trạm y tế xã) đề xuất nhu cầu chuyển giao kỹ thuật và tăng cường nhân lực gửi về bệnh viện tuyến trên trước ngày 31 tháng 10 hàng năm.

Bệnh viện tuyến trên tổng hợp báo cáo nhu cầu tuyến dưới theo phân công chỉ đạo tuyến của Bộ Y tế; xem xét khả năng đáp ứng, lập kế hoạch chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ tuyến dưới. Trong kế hoạch cần ghi rõ danh mục gói kỹ thuật chuyển giao, đơn vị tiếp nhận, danh sách cán bộ tham gia chuyển giao và nhận chuyển giao và dự toán kinh phí theo từng gói kỹ thuật báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (đối với bệnh viện trung ương), Sở Y tế (đối với bệnh viện thuộc Sở Y tế) trước ngày 15 tháng 11 hàng năm để Cục và Sở trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là đầu mối phối hợp với các Vụ, Cục liên quan có trách nhiệm tổng hợp, điều phối, tổ chức thẩm định kế hoạch của các bệnh viện trực thuộc Bộ, trình Lãnh đạo Bộ Y tế xem xét phê duyệt; tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất và tổng kết, đánh giá thực hiện Đề án 1816 hàng năm.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố: có trách nhiệm tổng hợp, điều phối, thẩm định kế hoạch của các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, phê duyệt theo thẩm quyền; tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất và tổng kết, đánh giá thực hiện Đề án 1816 (đặc biệt đánh giá việc tiếp nhận và duy trì các gói kỹ thuật nhận chuyển giao từ bệnh viện tuyến Trung ương) hàng năm; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh).

Bãi bỏ Quyết định số 4149/QĐ-BYT ngày 22 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định tạm thời định mức cán bộ chuyên môn được cử đi luân phiên đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ khi thực hiện Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế. 

 

QUYẾT ĐỊNH 14/2013/ QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHẾ ĐỘ LUÂN PHIÊN NGƯỜI HÀNH NGHỀ

Đồng thời với việc điều chỉnh Đề án 1816, để tăng cường thực hiện luân phiên cán bộ hỗ trợ tuyến dưới tại các địa phương, Bộ Y tế đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày ngày 20 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Phạm vi áp dụng

Quyết định này quy định thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến trung ương xuống tuyến tỉnh, từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện và tuyến huyện xuống tuyến xã, từ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội không khó khăn đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với bác sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên (sau đây gọi chung là người hành nghề) làm việc trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Quyết định này không áp dụng đối với người hành nghề thuộc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của lực lượng vũ trang.

Quy định về đối tượng được miễn thực hiện chế độ luân phiên

Người hành nghề là nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nam nuôi con nhỏ một mình dưới 36 tháng tuổi.

Người hành nghề đã có thời gian công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 24 tháng trở lên.

Người hành nghề có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Là con độc nhất trong gia đình có bố, mẹ già; người trực tiếp chăm sóc bố, mẹ già yếu hoặc tàn tật, ốm đau thường xuyên; có vợ (hoặc chồng) bị tàn tật không có khả năng chăm sóc con cái; bản thân không bảo đảm sức khỏe để công tác xa nhà.

Người hành nghề là nam quá 55 tuổi, nữ quá 50 tuổi (trừ trường hợp tự nguyện).

Các trường hợp đặc biệt khác do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định đối với người hành nghề thuộc quyền quản lý.

Nguyên tắc thực hiện

Việc cử người hành nghề đi luân phiên bảo đảm phù hợp với nhu cầu về số lượng và chất lượng chuyên môn của tuyến dưới cần hỗ trợ và khả năng đáp ứng của tuyến trên.

Ưu tiên thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn người hành nghề tăng cường cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở tuyến cơ sở, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Bảo đảm tính công bằng, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nhân lực.

Chế độ luân phiên có thời hạn phải thực hiện theo kế hoạch được duyệt, đúng thẩm quyền và đúng trình tự.

Hình thức, thời gian thực hiện chế độ luân phiên

Việc cử người hành nghề đi luân phiên có thời hạn theo hình thức cử cá nhân hoặc theo nhóm chuyên môn.

Người hành nghề thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn với thời gian tối thiểu là 06 tháng, tối đa là 12 tháng (trừ trường hợp tự nguyện đi thời gian dài hơn).

Người hành nghề có thể được cử đi luân phiên có thời hạn theo nhiều đợt, ở nhiều nơi theo yêu cầu của tuyến dưới. Mỗi đợt đi luân phiên theo nhu cầu công việc của nơi được cử đến cần bố trí người đến luân phiên làm việc 2 ngày/tuần, 1 tuần/tháng và được cộng dồn thời gian của các đợt để tính tổng thời gian hoàn thành chế độ luân phiên. Thời gian tối đa của mỗi đợt đi luân phiên không quá 60 ngày.

Người hành nghề đã có thời gian đi luân phiên có thời hạn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trước khi Quyết định này có hiệu lực thì được tính trừ vào thời gian đi luân phiên theo quy định của Quyết định này.

Trách nhiệm của người hành nghề đi luân phiên

Chấp hành nội quy, quy chế và sự chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đến làm việc theo chế độ luân phiên.

Chấp hành quyết định điều động của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cử đi luân phiên có thời hạn; thực hiện đúng phạm vi chuyên môn, thời gian, địa điểm làm việc được giao.

Chấp hành các quy chế chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Bộ Y tế.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian được cử đi luân phiên có thời hạn cho đơn vị trực tiếp cử đi luân phiên.

Chế độ áp dụng đối với người hành nghề trong thời gian đi luân phiên

Chế độ tiền lương, phụ cấp hiện hưởng:

100% tiền lương, các khoản phụ cấp theo lương (không bao gồm phụ cấp ưu đãi nghề);

Phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại, phụ cấp đặc biệt; phụ cấp khu vực (nếu có) như đối với người hành nghề tại nơi đến công tác. Trường hợp nơi đến luân phiên thực hiện các mức phụ cấp này thấp hơn tại đơn vị được cử đi thì được giữ nguyên mức hiện hưởng;

Phụ cấp đặc thù đối với viên chức y tế như: Phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch và chế độ làm đêm, thêm giờ (nếu có) theo chế độ quy định;

Các quyền lợi khác như: Thu nhập tăng thêm, tiền thưởng (nếu có).

Chế độ đặc thù với người hành nghề đi luân phiên

Trợ cấp hằng tháng bằng 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);

Thù lao biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, tập huấn; tiền báo cáo viên theo chế độ đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức nhà nước hiện hành khi tham gia các lớp tập huấn trong thời gian đi luân phiên.

Chế độ ưu tiên

Người hành nghề hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian đi luân phiên (có quyết định khen thưởng của đơn vị, nơi người hành nghề đến luân phiên) thì được xét ưu tiên nâng bậc lương trước thời hạn, thay đổi chức danh nghề nghiệp khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và được hưởng các chế độ khen thưởng khác do đơn vị quy định.

Nguồn kinh phí và trách nhiệm chi trả chế độ

Nguồn kinh phí thực hiện các chế độ đối với người hành nghề trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm giao cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; trong đó:

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cử người hành nghề đi luân phiên có thời hạn xuống tuyến dưới có trách nhiệm thanh toán các chế độ quy định tại Điểm a, b Khoản 1 và Khoản 2 Điều 7 của Quyết định này cho người hành nghề thuộc đơn vị mình đã được cử đi luân phiên. Trường hợp đơn vị nơi người hành nghề đến luân phiên đã bố trí phòng nghỉ thì không thực hiện thanh toán tiền thuê chỗ nghỉ.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhận người hành nghề từ tuyến trên đến luân phiên có trách nhiệm thanh toán các chế độ quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 7 và các quyền lợi khác như: Thu nhập tăng thêm, tiền thưởng (nếu có), phúc lợi tập thể của đơn vị mình cho người hành nghề được cử đến luân phiên.

Chế độ công tác phí:

Công tác phí của người hành nghề đi luân phiên do đơn vị cử đi chi trả theo chế độ quy định.

Trách nhiệm thực hiện

Bộ Y tế

Tổ chức triển khai, hướng dẫn việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn của người hành nghề; theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Quyết định này trong toàn quốc và định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn của người hành nghề đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế.

Phê duyệt kế hoạch đi luân phiên của các đơn vị trực thuộc Bộ trước 30 tháng 6 hằng năm.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Tổ chức triển khai, hướng dẫn việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn của người hành nghề đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc quyền quản lý của địa phương.

Phê duyệt các chương trình, kế hoạch, chính sách luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề trên địa bàn tỉnh trước 30 tháng 6 hằng năm.

Bố trí kinh phí thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn người hành nghề theo quy định của Quyết định này.

Sở Y tế

Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các dự thảo chương trình, kế hoạch, chính sách luân phiên có thời hạn người hành nghề trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, chính sách luân phiên có thời hạn của địa phương sau khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc quyền quản lý.

Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho việc thực hiện nhiệm vụ luân phiên có thời hạn người hành nghề; huy động các nguồn lực xã hội hóa cho các hoạt động luân phiên có thời hạn người hành nghề.

Quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn.

Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác thống kê, báo cáo Bộ Y tế về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cử người hành nghề đi luân phiên

Thực hiện khảo sát, xác định nhu cầu của đơn vị, địa phương tiếp nhận người hành nghề đến luân phiên có thời hạn; hợp đồng trách nhiệm với địa phương, đơn vị về số lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thời gian làm việc của người hành nghề đến làm nhiệm vụ.

Xây dựng kế hoạch hằng năm, thông qua các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội của đơn vị, công khai kế hoạch trong toàn đơn vị và điều động hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều động người hành nghề đi luân phiên có thời hạn theo kế hoạch.

Bố trí kinh phí để thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn người hành nghề của đơn vị theo quy định tại Điều 8 của Quyết định này.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnhtiếp nhận người hành nghề đến luân phiên

Xác định nhu cầu về nhân lực cần bổ sung, tăng cường phù hợp với yêu cầu thực tế, lập kế hoạch tiếp nhận người hành nghề đến luân phiên có thời hạn và kỹ thuật chuyên môn cần hỗ trợ.

Sắp xếp chỗ ở, phương tiện làm việc, phổ biến về phong tục tập quán của đồng bào địa phương cho người hành nghề đến luân phiên có thời hạn.

Bố trí kinh phí để giải quyết chế độ cho người hành nghề luân phiên có thời hạn ở đơn vị và kinh phí để bảo đảm các điều kiện vật chất phục vụ công tác chuyên môn cho người hành nghề đến làm việc.

Xây dựng và ban hành quy chế phối hợp làm việc giữa người hành nghề đi luân phiên có thời hạn và người hành nghề của đơn vị.

Xác nhận kết quả làm việc của người hành nghề đến luân phiên.

return to top