✴️ CT hệ niệu

Nội dung

CT hệ niệu là gì?

CT-scan là một kỹ thuật hình ảnh học cho phép khảo sát được các cơ quan bên trong cơ thể mà không cần phải thực hiện phẫu thuật.

CT hệ niệu là kỹ thuật hình ảnh học sử dụng máy cắt lớp vi tính (CT-scan) và một dạng thuốc tương phản tiêm tĩnh mạch. Thuốc tương phản cho phép hình ảnh hiển thị rõ hơn để giúp các bác sĩ khảo sát được hệ niệu kỹ càng hơn và chẩn đoán chính xác hơn.

Một máy tính sẽ xử lý kết hợp các hình ảnh này lại với nhau để các bác sĩ có thể khảo sát được các ảnh cắt lớp ngang hoặc hình ảnh ba chiều của một vùng nhất định trên cơ thể. Không chỉ khảo sát xương như hình ảnh X quang truyền thống, các hình ảnh này cho phép khảo sát một cách chi tiết các mô mềm và mạch máu.

Thông thường, CT hệ niệu sẽ bao gồm:

  • Một lần chụp (thì) không thuốc để khảo sát sỏi thận và các bất thường cấu trúc giải phẫu lớn.
  • Một lần chụp có thuốc tương phản để khảo sát chi tiết mô mềm của thận, bàng quang và tuyến thượng thận.
  • Và một lần chụp thứ ba sau vài phút. Lúc này thuốc cản quang đã di chuyển đến bàng quang và có thể khảo sát được khả năng hoạt động của thận và bàng quang.

Mục đích của CT hệ niệu

CT hệ niệu được dùng để khảo sát hệ tiết niệu, bao gồm thận, bàng quang và niệu quản. Niệu quản là các ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang.

CT cũng được dùng để khảo sát các cấu trúc giải phẫu, kiểm tra xem hình dạng và chức năng của chúng có bình thường hay không cũng như tầm soát các dấu hiệu bệnh lý. CT hệ niệu có thể được chỉ định nếu như bệnh nhân đi tiểu ra máu hoặc đau vùng bẹn hay lưng dưới.

Kết quả CT hệ niệu có thể giúp các bác sĩ chẩn đoán được:

  • Sỏi thận
  • Sỏi bàng quang
  • Nhiễm trùng bàng quang
  • Nhiễm trùng thận
  • Nang
  • Các khối u bất thường
  • Bất thường cấu trúc giải phẫu

​​​​​​​

CT hệ niệu được tiến hành như thế nào?

Các bước thực hiện CT hệ niệu có thể khác nhau giữa các bệnh viện hoặc giữa từng bệnh nhân. Tuy nhiên thường thì sẽ có các bước sau:

  • Bệnh nhân sẽ được giải thích quá trình chụp tại bệnh viện.
  • Bệnh nhân sẽ được thay trang phục thủ thuật và không được mang hay mặc các dụng cụ bằng kim loại có thể ảnh hưởng đến kết quả chụp.
  • Một ống nhỏ sẽ được luồn vào tĩnh mạch ở cánh tay bệnh nhân.
  • Bệnh nhân sẽ được di chuyển vào phòng có máy CT.
  • Một số loại thuốc có thể được dùng nhằm làm tăng sự sản xuất nước tiểu và giúp hình ảnh hiển thị rõ hơn.
  • Thuốc cản quang sẽ được đưa vào ống ở tay. Thuốc có thể làm bệnh nhân cảm thấy nóng rát, cảm nhận được mùi vị kim loại ở miệng hoặc cảm giác muốn đi tiểu.
  • Bệnh nhân sẽ nằm trên giường CT, thường thì sẽ nằm ngửa, nhưng cũng có những trường hợp mà bệnh nhân cần được nằm sấp.
  • Sau khi bệnh nhân đã nằm đúng tư thế thì các nhân viên y tế sẽ rời khỏi phòng CT. Bệnh nhân vẫn có thể giao tiếp và nhìn thấy nhân viên y tế thông qua một bộ đàm nhỏ và một khung cửa sổ.
  • Giường CT sẽ di chuyển ra trước và sau xuyên qua lỗ chụp trong quá trình thực hiện để ghi lại được các hình ảnh chi tiết. Bệnh nhân sẽ nghe âm thanh của máy trong lúc chụp.
  • Bệnh nhân sẽ phải nín thở, di chuyển theo yêu cầu của kỹ thuật viên hoặc sẽ phải đi vệ sinh trước khi thực hiện thủ thuật.
  • Sau khi chụp xong, kỹ thuật viên sẽ di chuyển vào phòng, hạ giường CT xuống để bệnh nhân có thể bước xuống dễ dàng.
  • Toàn bộ quá trình thực hiện kéo dài khoảng 90 phút và thường bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau.
  • Sau khi thực hiện xong, kim luồn tại tay sẽ được rút ra.
  • Bệnh nhân sẽ phải nghỉ ngơi tại bệnh viện thêm 15-30 phút để đảm bảo không có phản ứng với thuốc tương phản và tổng trạng ổn.
  • Bệnh nhân sau đó có thể về nhà và ăn uống bình thường.

Các nguy cơ có thể xảy ra khi thực hiện chụp hình hệ niệu

Đối với hầu hết mọi người thì CT hệ niệu là một thủ thuật an toàn, tuy nhiên cũng vẫn có một vài nguy cơ. Bao gồm:

  • Phản ứng dị ứng: Mặc dù hiếm gặp, nhưng vẫn có một vài người dị ứng với chất tương phản. Các phản ứng này có thể bao gồm: ngứa, nổi mẫn, ra mồ hôi hoặc khó thở. Các triệu chứng này có thể được kiểm soát bằng thuốc.
  • Bầm và phù nề: Triệu chứng này xuất hiện xung quanh vùng tiêm thuốc và có thể rất đau.
  • Các vấn đề về thận: Thuốc tương phản có thể gây ảnh hưởng đến chức năng của thận. Tuy nhiên bệnh nhân sẽ được cho xét nghiệm máu trước khi chụp để đảm bảo rằng chức năng thận vẫn ổn.
  • Tia xạ: CT sử dụng tia xạ. Mặc dù liều lượng được sử dụng trong chẩn đoán y khoa đều được kiểm soát một cách chặt chẽ, tuy nhiên vẫn có một tỉ lệ nhỏ làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư trong tương lai.
  • Thai kỳ: Nếu như bệnh nhân mang thai thì bác sĩ sẽ cho chỉ định thực hiện một kỹ thuật khác. Nên thông báo ngay nếu như đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai.

Kết quả CT niệu cho biết điều gì?

Sau khi đã có kết quả, các bác sĩ sẽ xem qua và trả lời.

CT hệ niệu là một kỹ thuật có thể cung cấp được thông tin chính xác để phục vụ cho việc chẩn đoán các bệnh ở hệ niệu, bao gồm:

  • Sỏi thận và bàng quang
  • Các khối u ở thận
  • Nhiễm trùng đường niệu
  • Chấn thương
  • Tắc nghẽn đường niệu

Kỹ thuật này có thể giúp khảo sát các bất thường ẩn ở hệ niệu, ví dụ như: hoại tử nhú thận, giãn ống thận.

Tuy nhiên, CT hệ niệu không thể thấy được hết tất cả các loại u, bao gồm một vài loại của u bàng quang.

Nếu như bệnh nhân đi tiểu ra máu, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện nội soi bàng quang. Thủ thuật này sử dụng một ống nội soi nhỏ đưa vào niệu đạo và đến bàng quang để khảo sát.

Các vấn đề cần tham khảo ý kiến bác sĩ

Nếu như có biểu hiện bất thường gì ở đường niệu thì nên đi khám ngay.

Nếu như không được điều trị thì bệnh ở đường niệu có thể gây ra các biến chứng nặng nề. Nhiễm trùng ở thận nếu như không được điều trị có thể gây ra bệnh thận, tăng huyết áp hoặc suy thận.

Nhiễm trùng tiểu trong lúc mang thai có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

Nếu như sỏi thận không được điều trị thì có thể dẫn đến tắc nghẽn niệu quản, gây tăng nguy cơ nhiễm trùng và tạo áp lực lên thận.

Nếu như cảm thấy lo lắng khi phải chụp CT hệ niệu thì nên thảo luận với bác sĩ về việc được gây mê nhẹ. Khi được gây mê nhẹ thì bệnh nhân sẽ bớt lo lắng hơn và sẽ không cảm thấy sợ không gian hẹp trong khi thực hiện kỹ thuật.

Tóm tắt

Nếu bệnh nhân có các triệu chứng về đường niệu thì có thể sẽ được chỉ định thực hiện CT hệ niệu. Kỹ thuật hình ảnh này cực kỳ hữu dụng trong việc chẩn đoán các vấn đề ở hệ niệu, ví dụ như sỏi thận, ung thư hay tắc nghẽn.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top