✴️ Những điều cần làm nhằm hạn chế sự lây lan COVID-19 tại phòng siêu âm

Nội dung

1. Vệ sinh/phòng hộ của người làm siêu âm

Người thực hiện siêu âm trước hết cần tuân thủ các khuyến cáo chung của các tổ chức quốc tế, của Chính phủ, Bộ Y tế, các quy định của Bệnh viện trong phòng và chống dịch Covid-19.
Một số bước mà nhân viên y tế cần làm trước và sau khi thăm khám cho bệnh nhân. 

1.1 Rửa tay:

Là một bước đơn giản nhưng rất quan trọng đối với nhân viên y tế, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh, điều này càng phải được chú ý và thực hiện thường xuyên hơn. Rửa tay nên được thực hiện thường quy trong tất cả các lần thăm khám để hạn chế sự lây lan của bệnh tật nói chung thông qua con đường tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp.

Trước khi vệ sinh bàn tay, cần đảm bảo những điều sau:

  • Đảm bảo tay áo được xắn cao hơn khuỷu tay.
  • Tháo nhẫn, trang sức, đồng hồ.
  • Móng tay được cắt ngắn, làm sạch, không mang móng tay giả.
  • Nếu tay có vết xước, vết cắt thì cần phải che bằng vật liệu chống nước.

Thực hiện đúng các bước rửa tay theo thông thường trong vòng ít nhất 20 giây, theo quy định của Bộ Y tế (hình minh họa). Có thể rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch rửa tay nhanh có cồn.

 Các bước rửa tay thường quy theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Tổ chức y tế thế giới đã đưa ra khuyến cáo các thời điểm cần phải rửa tay đối với nhân viên y tế (theo hình minh họa):

1.2. Đeo khẩu trang

Cơ chế của khẩu trang trong phòng lây lan của SARS-CoV-2 là ngăn chặn những giọt bắn khi tiếp xúc gần người nhiễm hoặc hít phải những giọt bắn nhỏ (nuclei droplets). Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra hướng dẫn các trường hợp cần mang khẩu trang y tế: 

  • Chỉ đeo khẩu trang khi chăm sóc những người nhiễm, nghi ngờ nhiễm.
  • Đeo khẩu trang khi ho hoặc hắt hơi.
  • Khẩu trang chỉ có tác dụng chỉ khi kết hợp với rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch rửa tay nhanh chứa cồn.
  • Khi sử dụng khẩu trang, phải biết cách đeo và tháo khẩu trang đúng cách.
  • Không sờ/chạm vào mặt ngoài của khẩu trang khi đang sử dụng.

Việc sử dụng khẩu trang tùy thuộc vào chính sách, tình hình, điều kiện của mỗi quốc gia. Riêng ở Việt Nam từ ngày 16/03/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra thông báo Thông báo 98/TB-VPCP quy định bắt buộc tất cả người dân phải mang khẩu trang khi đi đến các địa điểm công cộng (bệnh viện, trung tâm y tế, đơn vị khám chữa bệnh được xem là địa điểm công cộng), vì vậy tất cả nhân viên y tế và bệnh nhân đều phải mang khẩu trang theo đúng quy định của nhà nước trong giai đoạn dịch bệnh. Đặc biệt, những trường hợp có ho hoặc hắt hơi cần phải có ý thức mang khẩu trang để hạn chế những giọt bắn đi ra môi trường xung quanh.

1.3 Đảm bảo vệ sinh đồng phục/áo blouse

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đồng phục y tế/áo blouse nếu không được giặt sạch thường xuyên là một trong những yếu tố nguy cơ làm gia tăng nhiễm trùng bệnh viện. Đồng phục y tế/áo blouse nên được giặt riêng với áo quần sinh hoạt bình thường. Nếu là giặt bằng máy giặt, cần chú ý ngoài việc giặt riêng, không nên giặt quá ½ khả năng khuyến cáo của máy giặt, cài đặt ở mức nhiệt cao nhất mà vải có thể chịu được, sau đó làm khô bằng cách ủi hoặc cài đặt chế độ làm khô của máy. 

1.4 Vệ sinh khi ho

Nhân viên y tế, bệnh nhân và cả người thân cần tuân thủ các động tác sau khi ho hoặc hắt hơi nhằm làm giảm sự lây lan của Covid-19. 

  • Sử dụng khăn giấy dùng 1 lần để che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi. Khăn giấy sau khi sử dụng xong phải được bỏ ngay vào thùng rác gần nhất.
  • Cần phải rửa tay (bằng nước và xà phòng nếu có thể, nếu không có thể sử dụng dung dịch rửa tay nhanh có cồn) sau khi ho, hắt hơi, sử dụng giấy lau hoặc khi tiếp xúc với các dịch tiết hô hấp và các vật dụng nhiễm bẩn.
  • Không đưa tay chạm lên lên mắt, mũi và miệng.
  • Trong trường hợp ho hoặc hắt hơi nhưng không có khăn giấy, có thể lấy khuỷu tay che miệng và mũi, hướng ra xa bệnh nhân (không che mũi miệng bằng tay).

1.5 Mang găng tay.

Găng tay dùng một lần chỉ nên dùng khi chăm sóc trực tiếp người nhiễm, người nghi ngờ nhiễm hoặc khi tiếp xúc với máu và/hoặc các dịch của cơ thể hoặc sử dụng đầu dò trong (internal probes).

Sau khi thăm khám xong cho bệnh nhân, phải tháo găng và rửa tay với nước và xà phòng ngay lập tức trước khi làm các bước tiếp theo. [8]

Chú ý rằng, việc mang găng tay liên tục (không thay sau mỗi lần siêu âm) để bảo vệ nhân viên y tế khi siêu âm là không phù hợp. Ngược lại, bác sĩ quên đi việc rửa tay thường xuyên, tăng nguy cơ lây nhiễm chéo lên người bệnh và cả bản thân nhân viên y tế. hinhanhykhoa.com

2. Vệ sinh trang thiết bị/máy siêu âm

Nhân viên y tế cần đảm bảo phòng làm việc, phòng siêu âm và các vật dụng trong phòng phải được vệ sinh sạch sẽ theo quy định của Bộ Y tế và Bệnh viện về phòng dịch Covid-19.
Đầu dò siêu âm (probe/transducer) là một trong những thành phần quan trọng nhất của máy siêu âm, cũng là vị trí tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân trong quá trình siêu âm. Vì vậy, vệ sinh đầu dò nhằm đảm bảo giảm thiểu sự lây lan gián tiếp các bệnh tật nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng. Hiệp hội siêu âm Hoa Kỳ (AIUM) đã đưa ra khuyến cáo về việc vệ sinh đầu dò như sau: 

2.1 Phân loại đầu dò siêu âm:

  • Đầu dò ngoài (External transducers): chỉ tiếp xúc với da của bệnh nhân. Chỉ cần lau sạch sau mỗi lần sử dụng.
  • Đầu dò can thiệp dưới da (Interventional percutaneous procedure transducers): được sử dụng trong các trường hợp đặt catheter hoặc kim dưới da, như trong khảo sát mạch máu, chọc dò lồng ngực, chọc dò ổ khớp, màng ngoài tim, tủy sống dưới hướng dẫn của siêu âm… phải được vệ sinh theo tiêu chuẩn khử khuẩn mức độ thấp (low-level disinfectants) và cần phải có dụng cụ bảo vệ đầu dò dùng một lần (probe cover), dụng cụ này cần bảo đảm chống lại được các virus ở người như HIV, HPV, viêm gan B… Mức độ tiệt khuẩn của dụng cụ bảo vệ đầu dò tương ứng với mức độ tiệt khuẩn yêu cầu của thủ thuật.
  • Đầu dò trong (internal transducers): phải được sử dụng cùng với dụng cụ bảo vệ đầu dò dùng 1 lần.

2.2 Phân loại mức độ vệ sinh (theo tiêu chuẩn của CDC)

  • Làm sạch (Cleaning) là loại bỏ những vết bẩn (vô cơ và hữu cơ) khỏi các vật dùng và bề mặt. Thông thường được thực hiện bằng tay hoặc máy sử dụng nước và các chất tẩy rửa/lên men. Đối với những trường hợp cần khử khuẩn mức độ cao hoặc tiệt khuẩn thì đầu dò cần phải được làm sạch trước, vì các vật hữu cơ và vô cơ tồn tại trên bề mặt của dụng cụ có thể ảnh hưởng đến quá trình khử/tiệt khuẩn.
  • Khử khuẩn (Disinfection) là quá trình loại bỏ nhiều hoặc tất cả các vi sinh vật gây bệnh, ngoại trừ bào tử vi khuẩn.
    • Khử khuẩn mức độ thấp (Low-Level Disinfection): tiêu diệt được đa số vi khuẩn, một vài virus và nấm. Áp dụng cho các trang thiết bị thông thường (noncritical equipment) nhiễm bẩn hoặc sau khi tiếp xúc với bệnh nhân nhưng không có vết máu/dịch tiết. Ví dụ, dung dịch chlorine, phenol, oxy già, hợp chất amoni bậc 4 hoặc cồn 70 – 90 độ.
    • Khử khuẩn mức độ vừa (Mid-Level Disinfection): khử hoạt tính của vi khuẩn Lao, các loại vi khuẩn, đa số virus và nấm, một vài bào tử vi khuẩn. Áp dụng cho các trang thiết bị thông thường (noncritical equipment) nhiễm bẩn hoặc sau khi tiếp xúc với bệnh nhân nhưng có vết máu/dịch tiết. Ví dụ, dung dịch chlorine, phenol, oxy già.
    • Khử khuẩn mức độ cao (High-Level Disinfection): tiêu diệt/loại bỏ tất cả vi sinh vật, ngoại trừ bào tử vi khuẩn.

  • Tiệt khuẩn (Sterilization): là quá trình loại bỏ hoàn toàn tất cả các loại vi sinh vật sống bằng phương pháp vật lý hoặc hóa học.

2.3 Vệ sinh đầu dò siêu âm

  • Làm sạch: Đầu dò phải được lau sạch sau mỗi lần thăm khám với xà phòng và nước hoặc dung dịch khử khuẩn mức độ thấp (dạng xịt hoặc khăn lau). Đầu dò phải được tháo rời ra khỏi máy siêu âm nếu cần thiết phải áp dụng mức độ khử khuẩn cao hơn. Sau khi tháo dụng cụ bảo vệ đầu dò (nếu có), có thể dùng vòi nước chảy để rửa sạch gel hoặc mảnh vụn trên đầu dò. Sử dụng gạc ẩm hoặc vải mềm và một ít xà phòng không chứa chất ăn mòn nhẹ (lý tưởng là dung dịch rửa chén) để làm sạch hoàn toàn đầu dò. Có thể sử dụng bàn chải nhỏ để chải sạch những kẻ nhỏ, tùy thuộc vào thiết kế của mỗi loại đầu dò. Sau đó rửa đầu dò dưới vòi nước chảy và lau khô bằng vải mềm hoặc khăn giấy.
    Mặc dù SARS-CoV-2 đang là một thách thức rất lớn cho toàn cầu, tuy nhiên bản thân coronavirus lại dễ dàng bị tiêu diệt bằng những chất khử khuẩn thông thường trong gia đình. CDC Hoa Kỳ đã đưa ra danh sách các hợp chất khử khuẩn, nhãn hàng và thời gian để có thể diệt được SARS-CoV-2 theo đường link sau: https://www.epa.gov/pesticide-registration/list-n-disinfectants-use-against-sars-cov-2
    Các sản phẩm vẫn đang được cập nhật và khi sử dụng để khử khuẩn cho đầu dò, lưu ý hướng dẫn sử dụng trước khi sử dụng và kết hợp với khuyến cáo nhà sản xuất máy siêu âm để lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu mà không ảnh hưởng đến đầu dò/máy.
    Ngoài ra, đối với các cơ sở y tế, có thể sử dụng dung dịch cồn với nồng độ cồn tối thiểu là 70% (cồn 70%).
  • Khử khuẩn: tất cả các loại đầu dò trong (đầu dò, thực quản, trực tràng, âm đạo) cũng như các loại đầu dò trong phẩu thuật cần phải được khử khuẩn mức độ cao trước khi sử dụng cho bệnh nhân tiếp theo. Khi thực hiện các siêu âm sử dụng đầu dò trong, nhân viên y tế cần phải mang găng tay. Khi tháo dụng cụ bảo vệ đầu dò, cần chú ý không để các dịch tiết của bệnh nhân dính vào đầu dò. Các bước tháo dụng cụ bảo vệ và lau chùi đầu dò phải được thực hiện khi mang găng tay. Phải rửa tay với xà phòng và nước sau khi hoàn thành thao tác và tháo găng. Trong trường hợp dụng cụ bảo vệ bị rách trong quá trình siêu âm, quá trình làm sạch và khử khuẩn không thay đổi.
    Việc vệ sinh các thành phần khác của máy siêu âm tương tự khuyến cáo đối với các vật dụng khác trong phòng siêu âm và theo bảng hướng dẫn sử dụng máy hoặc trao đổi với các kỹ sư của hãng máy để được hướng dẫn chi tiết.

3. Vệ sinh các thiết bị trong phòng làm việc

Các thiết bị, dụng cụ trong phòng siêu âm cần được vệ sinh thường quy và được chia làm hai nhóm: 

  • Bề mặt tiếp xúc thường xuyên (tay nắm cửa, thành giường, mặt bàn, công tắc điện): nên được lau chùi thường xuyên, liên tục. Các dung dịch tẩy rửa (dựa vào hướng dẫn sử dụng) có thể được sử dụng, tùy theo chất liệu của bề mặt và mức độ nhiễm bẩn. Có thể sử dụng giấy ướt khử khuẩn để lau.
  • Bề mặt ít tiếp xúc (Sàn nhà, trần nhà, tường, rèm): giấy ướt hoặc dung dịch tẩy rửa (theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất) phù hợp cho việc lau chùi các bề mặt ít tiếp xúc và những khu vực không tiếp xúc với bệnh nhân. Có thể dùng giẻ lau ẩm để lau khô. Tường và rèm nên được lau chùi khi thấy có vết bẩn. Rèm cửa nên được thay thường xuyên.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

return to top