Những khớp xương thường bị chấn thương bong gân là mắt cá chân, đầu gối, cổ tay, vai… Bệnh nhân không bị sai khớp hay gãy xương. Tổn thương cũng thường xảy ra ở những người chơi thể thao, phụ nữ đi giày cao gót…
Khi gặp tình trạng này, người bệnh cảm thấy đau nhói như điện giật ở vùng khớp bị trẹo, sau đó, khớp tê dại không còn đau nữa..
Khoảng 1 giờ sau, cảm giác đau nhức dần dần trở lại. Nếu nhẹ nhàng lật khớp lại giống như lúc bị chấn thương, người bệnh sẽ thấy đau nhói như điện giật, sưng xung quanh khớp.
Bong gân thường chia ra 3 cấp độ:
Cấp độ 1: Dây chằng chỉ bị giãn dài một ít, được coi là nhẹ
Cấp độ 2: Dây chằng bị rách một phần, dấu hiệu nặng
Cấp độ 3: Dây chằng bị đứt hoàn toàn, dấu hiệu rất nặng.
Cần xử lý bong gân đúng cách để chóng bình phục và tránh những hậu quả đáng tiếc.
– Kê hoặc nâng cao nhẹ nhàng nơi bị tổn thương.
– Chườm nước đá hoặc nước lạnh lên khớp bị đau. Cách này sẽ làm bớt đau và giảm sưng. Làm lạnh vùng bong gân trong 10 – 15 phút.
– Dùng băng cuộn hay vải, băng thun băng ép khớp bị bong gân lại. Cách này sẽ giúp giảm đau, giảm sưng và nâng đỡ chỗ bị tổn thương.
– Gọi y tế trợ giúp và phải bảo đảm nơi bị tổn thương bong gân luôn an toàn cho đến khi được trợ giúp.
Bong gân là một trong những tổn thương rất hay gặp và sẽ để lại nhiều hậu quả nếu không điều trị đúng cách.
Tuy nhiên trên thực tế thì hầu hết bệnh nhân thường chủ quan với chấn thương này và không tuân thủ đúng điều trị.
Quan niệm của người bệnh thường rất chủ quan khi bị bong gân, cho rằng bong gân không quan trọng, vì thế dẫn đến sai lầm do tự điều trị.
Dùng rượu, xoa cao vào nơi bị tổn thương, đây là sai lầm nghiêm trọng vì tổn thương dây chằng nghiêm cấm dùng các chất nóng tác động tại chỗ do những chất này gây chảy máu mạnh hơn.
Trong khi tổn thương này cần dùng các thuốc gây lạnh và làm giảm đau tại chỗ. Các chất có tính nóng chỉ nên dùng trong trường hợp gãy xương vì tác dụng của sức nóng sẽ làm tăng tiết dịch, máu làm nhanh liền xương hơn. Nhưng tuyệt đối không nên xoa vào nơi dây chằng tổn thương vì có thể dẫn đến teo cơ, cứng khớp sau này.
Để phòng không bị bong gân, tránh bước dài vì dễ trượt chân và dễ bị chấn thương cột sống, đứt dây chằng; thận trọng khi chơi thể thao, đi giày cao gót…Nên mang bao khớp gối, bao cổ chân khi vận động nặng. Hằng ngày nên tập các động tác làm tăng trương lực các cơ quanh khớp cổ chân, khớp gối, khớp cổ tay…
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh