Tuyến vú của chị em khi đặt túi ngực sẽ khác với tuyến vú thông thường. Các bác sĩ vẫn thực hiện việc thăm khám theo kỹ thuật mamacare mà không bị ảnh hưởng bởi túi ngực. Mặt khác, bề mặt láng của túi ngực còn giúp các mô tuyến vú dàn trải, giúp việc phát hiện bất thường dễ hơn khi thăm khám. Tuy nhiên, một vài trường hợp sẽ nhầm lẫn giữa ung thư vú và biến chứng khi nâng ngực hay đặt túi ngực như sau:
- Mất cân đối tuyến vú: Việc này có thể do sự xuất hiện của khối u ở vú hoặc cũng có thể do sự co thắt của vỏ bao túi ngực hay rò rỉ của nước muối hoặc silicon.
- Các nốt hoặc khối u bất thường ở tuyến vú: Đây có thể là khối u ác tính hoặc sự vôi hóa của các mô xung quanh túi ngực hoặc silicon bị rò rỉ.
- Hạch nách: Hạch nách có thể là do ung thư vú di căn hoặc có thể chỉ là silicon trong túi ngực bị rò rỉ và di chuyển đến vùng nách.
- Nếp nhăn da: Nếp nhăn da có thể do sự thay đổi màu da của ung thư vú hoặc thay đổi da sau khi đặt túi ngực.
Những trường hợp kể trên bạn cần đến thăm khám tại các cơ sở uy tín để được các bác sĩ hướng dẫn thực hiện các xét nghiệm, phương pháp để xác định xem bản thân có mắc ung thư vú hay không.
Cần chuẩn bị gì khi đi tầm soát ung thư vú?
Các chị em phụ nữ đã đặt túi ngực, trước khi đi tầm soát ung thư vú, cần chuẩn bị những điều sau:
- Mang theo thẻ bảo hiểm, giấy tờ tùy thân, hồ sơ bệnh án hoặc bất kỳ kết quả chụp nhũ ảnh, sinh thiết hay siêu âm nào mà bệnh nhân đã từng thực hiện trước đó.
- Nếu chị em nghi ngờ mình có thai hoặc đang có thai, đang cho con bú nên thông báo ngay với bác sĩ để được hướng dẫn quy trình thực hiện phù hợp, nhằm đảm bảo sự an toàn của bé.
- Không sử dụng bất kỳ mỹ phẩm hay hóa chất nào kể cả chất khử mùi, phấn, kem, chất chống mồ hôi, nước hoa,... ở vùng dưới cánh tay, trên hoặc dưới ngực.
- Trước khi vào phòng thực hiện chụp X-quang tuyến vú, bạn không mặc áo lót và thay trang phục của phòng Xquang.