✴️ Bệnh viêm khớp dạng thấp

Nội dung

Khái niệm

Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là bệnh viêm khớp mạn tính, thường xảy ra cho các khớp nhỏ của bàn tay và bàn chân. Khác với chứng viêm xương - khớp mà khởi đầu là sụn khớp bị thương tổn, VKDT tác động đầu tiên vào lớp bao lót mặt trong các khớp - tức là bao hoạt dịch của khớp - gây phù, cứng khớp và đau mà cuối cùng là xương bị bào mòn đưa đến biến dạng và di lệch khớp.

VKDT là loại gặp nhiều nhất trong các loại viêm khớp. Người ta thống kê có tất cả trên 100 loại viêm khớp, trong đó, 3 loại đứng hàng đầu là viêm khớp dạng thấp, viêm xương - khớp và viêm khớp trong bệnh vảy nến. Bệnh thường bắt đầu từ sau lứa tuổi 40, tuy nhiên có thể bắt đầu vào bất cứ tuổi nào. Ngoài việc gây ra những vấn đề cho khớp, tình trạng viêm đôi khi ảnh hưởng đến các tạng khác của cơ thể như da, mắt, phổi hay các mạch máu.

     viêm khớp dạng thấp

Triệu chứng

VKDT là bệnh khớp diễn biến mạn tính gây ra đau, cứng khớp, phù và hạn chế vận động thường là của nhiều khớp. VKDT có thể tác động đến mọi khớp nhưng thường bị đầu tiên là các khớp nhỏ, đặc biệt là các khớp của ngón tay đến bàn tay và của ngón chân đến bàn chân. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng thường lan rộng sang các cổ tay, các đầu gối, các cổ chân, các khuỷu, các háng và các vai.

Trong đa số các trường hợp, VKDT biểu hiện sưng đau trên nhiều khớp, thường đối xứng hai bên, đặc biệt là ở các khớp của bàn tay hay bàn chân. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, người bệnh có biểu hiện sưng đau chỉ một khớp duy nhất.

Nếu không được điều trị đúng cách, VKDT sẽ có diễn tiến mạn tính với những đợt tiến triển liên tiếp, các khớp nhanh chóng bị biến dạng và không thể hồi phục.
Chứng cứng khớp trong VKDT hoạt động thường là nặng nhất về sáng. Nó có thể kéo dài 1 - 2 giờ (có khi là cả ngày). Cứng khớp kéo dài về sáng là lý do để nghĩ rằng bạn có thể mắc chứng VKDT vì chỉ có một số ít các chứng
viêm khớp khác là diễn ra theo cách đó.

Các dấu hiệu và triệu chứng khác của VKDT bao gồm:

  • Mất sinh lực, mệt mỏi, các cơn sốt nhẹ và sụt cân, ăn không ngon miệng.
  • Khô mắt và khô miệng: hội chứng Sjogren.
  • Các nốt rắn chắc, gọi là các nốt của bệnh thấp, ở trong mô dưới da tại các nơi như khuỷu tay và bàn tay.
  • Khi bệnh tiến triển, sự lắng đọng các mô sợi lên trên sụn tạo ra các pannus, làm phá hủy sụn và đôi khi đưa đến dính các đầu xương. Pannus là mô viêm hạt sản xuất từ bao hoạt dịch của khớp, phủ lên sụn khớp trong một số trường hợp VKDT. Như vậy, sau biến dạng là sự hạn chế vận động của các khớp.

 

Yếu tố nguy cơ

     Những yếu tố khiến nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp bao gồm:

  • Giới tính: phụ nữ có nhiều khả năng phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn nam giới;
  • Tuổi tác: viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất bắt đầu trong độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi;
  • Di truyền: nếu một thành viên của gia đình bạn có viêm khớp dạng thấp, bạn có thể làm tăng nguy cơ của bệnh.

Chẩn đoán

VKDT có thể khó phát hiện vì nó có thể bắt đầu bằng các triệu chứng khá mơ hồ như các khớp bị đau hay hơi cứng về sáng, nhiều khi cần khám các nhà thấp khớp học để có được chẩn đoán chính xác và một kế hoạch điều trị thích hợp.
Chẩn đoán dựa vào các triệu chứng thực thể như các khớp sờ thấy ấm, phù và đau. Vài xét nghiệm máu cũng cần thiết.

Những người bị viêm khớp dạng thấp thường có tốc độ lắng hồng cầu tăng hoặc protein phản ứng C (CRP), có thể cho thấy sự hiện diện của quá trình viêm trong cơ thể. Các xét nghiệm máu thông thường khác tìm kiếm yếu tố thấp khớp và kháng thể peptide citrullated chống cyclic

Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị chụp X-quang để giúp theo dõi sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp theo thời gian. MRI và siêu âm có thể giúp bác sĩ đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh

     điều trị viêm khớp dạng thấp

Biến chứng

Loãng xương: Tự bản thân VKDT có thể làm tăng nguy cơ loãng xương làm cho các xương bị yếu và dễ gãy. VKDT lại thường gặp ở các người bệnh nữ, lứa tuổi trung niên, đây cũng chính là các đối tượng có nguy cơ loãng xương cao. Tỷ lệ gãy xương ở người bệnh VKDT cao hơn gấp đôi so với người bình thường.

Loãng xương còn là biến chứng của điều trị VKDT không đúng cách. Việc lạm dụng các thuốc giảm đau hoặc sử dụng các chế phẩm “giả danh”, mà thực chất trong đó có pha corticosteroid, làm giảm đau nhanh chóng nhưng để lại hậu quả về sau cực kỳ nghiêm trọng như tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương, béo phì…
Hội chứng ống cổ tay: Nếu có VKDT của các xương cổ tay.
Các vấn đề tim mạch: Các động mạch có thể bị cứng và bị tắc, cũng như viêm màng ngoài tim.
Bệnh phổi: Người bệnh VKDT có nguy cơ tăng viêm và xơ hóa mô phổi, có thể dẫn đến khó thở tăng dần.

Thói quen sinh hoạt cho người viêm khớp

Tập thể dục đều đặn: Tập nhẹ nhàng bắt đầu bằng đi bộ. Thử bơi và tập nhẹ aerobics dưới nước. Tránh tập các khớp đau, tổn thương hay viêm nặng.

Thư giãn: Tìm cách đương đầu với đau bằng cách giảm căng thẳng trong cuộc sống.
Có một lối sống lành mạnh: không hút thuốc lá, luyện tập thể dục, ăn uống điều độ, kiêng chất béo bão hòa (có nhiều trong trứng, thịt gia súc, gia cầm), ăn nhiều chất béo thực vật, cá và hoa quả tươi.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top