Xét nghiệm máu để nhận biết bệnh Parkinson

Nội dung

Biện pháp xét nghiệm bằng cách chọc dò tủy sống truyền thống khá phức tạp và gây khó chịu cho bệnh nhân. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Lund (Thụy Điển) cho biết dựa vào một loại protein đặc biệt, giờ đây họ có thể phân biệt những người bị bệnh Parkinson và những người mắc hội chứng Parkinson do các rối loạn thoái hóa thần kinh khác (như sa sút trí tuệ thể Lewy, liệt trên nhân tiến triển, hoái hóa đa hệ thống và thoái hóa hạch nền - vỏ não) chỉ nhờ xét nghiệm máu thông thường.

Việc chẩn đoán sớm và chính xác bệnh Parkinson rất quan trọng để có thể xác định các biện pháp điều trị cụ thể. Tuy nhiên, phân biệt bệnh Parkinson và các hội chứng Parkinson do bệnh thoái hóa thần kinh khác thường khá khó khăn vì chúng có nhiều triệu chứng giống nhau.

Các nhà khoa học nhận thấy một protein dạng sợi (neurofilament) có thể giúp phân biệt bệnh Parkinson và các rối loạn thoái hóa thần kinh khác. Loại protein này là một thành phần cấu tạo nên các tế bào thần kinh. Chúng thường được phát hiện trong máu và dịch não tủy khi các tế bào thần kinh chết đi.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 500 người, bao gồm những người bị bệnh Parkinson, những người mắc các hội chứng Parkinson do thoái hóa thần kinh và những người khỏe mạnh. Họ nhận thấy lượng protein neurofilament tìm thấy trong máu cũng có tính chính xác như trong dịch não tủy, nhờ đó có thể phân biệt các tình trạng bệnh, dù người bệnh đang ở giai đoạn đầu hay giai đoạn muộn.

“Nồng độ protein neurofilament trong máu những người bị Parkinson có xu hướng thấp hơn so với những người mắc hội chứng Parkinson do các bệnh thoái hóa thần kinh khác. Nguyên nhân là do các sợi thần kinh ở người bệnh Parkinson bị tổn thương ít hơn so với những căn bệnh khác”, tác giả nghiên cứu, TS. Oskar Hansson cho biết.

“Những hội chứng Parkinson do thoái hóa thần kinh thường khá hiếm gặp nhưng chúng có xu hướng phát triển nhanh, gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn so với bệnh Parkinson. Nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy protein neurofilament cũng xuất hiện trong máu với nồng độ cao ở những người mắc các bệnh thần kinh như đột quỵ, chấn thương não bộ và các tình trạng thoái hóa thần kinh khác như xơ cứng teo cơ một bên (ALS) và bệnh mất trí”, TS. Oskar Hansson nói thêm.

Ngoài bệnh Parkinson, các nhà khoa học cũng đang hướng tới việc chẩn đoán các căn bệnh thần kinh, thoái hóa thần kinh trên chỉ bằng xét nghiệm máu trong tương lai không xa.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top