Bị thoái hóa khớp gối là chứng bệnh chung phổ biến của hội người cao tuổi. Vậy bệnh có chữa trị được không và cách điều trị như thế nào, hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1. Tìm hiểu về bệnh thoái hóa khớp gối
Khớp gối nằm ở vị trí dưới xương đùi, trên xương chày, mặt sau của xương bánh chè được sụn khớp bao phủ. Khớp gối là bộ phận quan trọng bởi chịu áp lực của toàn bộ cơ thể và là khớp phải vận động nhiều nhất. Chính bởi khớp vận động nhiều mà dễ dẫn đến tình trạng thoái hóa.
Thoái hóa khớp gối là tình trạng tổn thương sụn khớp, đi kèm phản ứng viêm và giảm lượng dịch khớp do quá trình tái tạo sụn không kịp để bù vào số lượng sụn đã bị mất. Bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi tuy nhiên hiện nay bệnh có xu hướng trẻ hóa do lối sống lười vận động và thói quen ăn uống hàng ngày không đảm bảo.
1.1. Nguyên nhân bị thoái hóa khớp gối là gì?
Theo nghiên cứu, có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng khớp gối bị thoái hóa:
– Do tuổi tác: Hầu hết các trường hợp mắc bệnh thoái hóa khớp gối đều là do tuổi tác cao gây lão hóa hệ xương khớp. Tuổi càng cao thì quá trình tạo ra sụn càng suy giảm và mất đi khả năng tái tạo sụn.
– Giới tính: Theo một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, phụ nữ trên 55 tuổi có xu hướng mắc các bệnh về khớp nhiều hơn nam giới. Lý do là bởi thói quen hoặc sở thích đi giày cao gót gây ảnh hưởng trực tiếp lên sụn khiến cho dây chằng trước gối yếu đi, dẫn đến việc lão hóa diễn biến nhanh chóng.
– Thừa cân, béo phì: Thừa cân tạo áp lực nặng lên 2 gối dẫn đến dễ hao mòn sụn. Theo nghiên cứu, chỉ cần giảm 5kg sẽ giảm nguy cơ viêm khớp và thoái hóa 1 nửa.
– Chấn thương hoặc tai nạn: Nếu trong quá trình chơi thể thao hoặc làm việc nặng nhọc bị gãy xương bánh chè hoặc đứt dây chằng… sẽ làm sụn bị tổn thương. Theo thời gian, dần dần sẽ thoái hóa các trục khớp.
– Lười vận động: Ít hoặc không thường xuyên tập thể dục sẽ khiến cơ bị lỏng lẻo, các khớp thiếu linh hoạt. Nếu thường xuyên luyện tập có thể giảm đến 30% nguy cơ mắc chứng thoái hóa khớp gối.
– Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Việc uống các chất kích thích như bia rượu, cà phê vào người có thể khiến sụn khớp bị hủy hoại.
1.2. Dấu hiệu của người bị thoái hóa khớp gối
Bệnh nhân mắc thoái hóa khớp gối thường có những biểu hiện lâm sàng sau:
– Đau mặt trước hoặc trong khớp gối.
– Cơn đau tăng dần khi vận động hoặc khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng.
– Đau đầu kéo dài, đau nhức đầu gối.
– Khớp cứng và khó cử động sau khi ở yên 1 chỗ lâu.
– Khớp gối sưng to.
– Chân bị lệch trục vòng kiềng.
Khi thấy có những dấu hiệu trên bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để được tư vấn kỹ và có phác đồ điều trị kịp thời.
Có nhiều trường hợp mắc bệnh chủ quan mà không đi chữa trị dứt điểm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
– Đi lại khó khăn do cứng khớp.
– Biến dạng xương, khớp gối.
– Chi dưới bị cong vẹo hoàn toàn.
– Teo cơ.
– Chứng vôi hóa sụn khớp.
– Bại liệt, tàn phế thậm chí phải ngồi xe lăn để hỗ trợ đi lại.
2. Bị thoái hóa khớp gối có chữa trị dứt điểm được không?
Thoái hóa khớp gối có chữa được không là thắc mắc chung của rất nhiều người. Các bác sĩ đã khẳng định, tính đến thời điểm hiện tại thì chưa có biện pháp chữa dứt điểm căn bệnh này, mà chỉ có thể làm giảm triệu chứng đau và phục hồi sụn khớp trong quá trình chữa trị. Do bởi đây là bệnh gây tổn thương và làm suy giảm chức năng hoạt động của các sụn khớp gối.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp dùng để điều trị thoái hóa khớp gối đó là:
– Dùng thuốc: Bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc nhất định để đẩy lùi và ngăn chặn tình trạng đau nhức xương. Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, thuốc tái tạo sụn khớp.
– Áp dụng vật lý trị liệu: Đây là phương pháp nhằm giúp phòng ngừa tình trạng co cứng khớp, giảm bớt áp lực lên gối. Bên cạnh đó, người bệnh nên kết hợp với một số bài luyện tập thể thao như bơi lội, chạy bộ, đi bộ,… để giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai hơn.
– Giảm cân: Việc tích tụ quá nhiều chất béo sẽ gây áp lực lên các khớp gối. Do đó giảm cân sẽ phần nào giảm thiểu khối lượng cơ thể áp lực lên đầu gối đáng kể. Hãy thực hiện chế độ ăn uống hàng ngày hợp lý để có vóc dáng cân đối.
– Phẫu thuật khớp gối: Nếu trường hợp mắc bệnh của người bệnh quá nặng, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện phẫu thuật thay thế khớp gối nhân tạo. Tuy nhiên chi phí cho ca phẫu thuật này khá cao, đòi hỏi kỹ thuật và máy móc hiện đại.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho quý vị thông tin chi tiết về bệnh thoái hóa khớp gối và phương pháp điều trị bệnh phổ biến.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh