✴️ Biết nguyên nhân, trị dứt điểm bệnh lý viêm khớp cổ chân

Nội dung

1. Đi tìm nguyên nhân và những hệ lụy từ khớp cổ chân viêm

Khớp cổ chân viêm do phần sụn đềm giữa hai đầu xương nối bị tổn thương, hư hỏng nặng. Theo nghiên cứu, 35% trong số các ca bệnh xương khớp hiện nay là người trẻ mắc viêm nhiễm khớp cổ chân.

 

1.1. Viêm khớp cổ chân có đáng lo ngại không?

Viêm khớp ở cổ chân không thể tự lành mà cần can thiệp bằng các biện pháp y tế. Đặc biệt khi bệnh chuyển thành mãn tính sẽ rất khó để chữa trị và có nguy cơ cao biến chứng.

Đầu tiên, người có khớp cổ chân viêm sẽ gặp khó khăn trong vận động hàng ngày bởi những cơn đau nhức, sưng đỏ. Sức khỏe và tinh thần của người bệnh cũng đi xuống đáng kể. Cơn đau sẽ chỉ đỡ khi họ nghỉ ngơi. Nhưng theo thời gian, việc ít vận động khiến lượng hồng cầu truyền tới khớp cổ chân bị giảm sút. Điều này đồng nghĩa với việc sức khỏe của khớp không tốt do thiếu oxy và dưỡng chất. Đây chính là tác nhân gây nên thoái hóa khớp. Nếu không được điều trị kịp thời, các cơ sẽ dần teo lại, xương khớp biến dạng. Các khớp cứng lại, bệnh nhân mất khả năng vận động vĩnh viễn.

Viêm khớp nếu không điều trị kịp thời sẽ biến chứng nghiêm trọng

Vì vậy, người bị viêm tại khớp cổ chân nên sớm phát hiện và chữa trị đúng lúc, đúng cách triệt để bệnh lý phức tạp này.

 

1.2. Những tác nhân nào gây viêm khớp cổ chân?

Bước tìm kiếm nguyên nhân gây viêm khớp có mối liên hệ chặt chẽ với phương pháp điều trị. Tùy thuộc vào yếu tố gây bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp với từng bệnh nhân. Những nguyên nhân phổ biến khiến khớp cổ chân tổn thương có thể kể đến như sau.

 

Người trẻ tuổi

Các chấn thương thường sẽ bắt nguồn từ vận động, lao động trong thời gian dài. Quá trình tập thể thao quá sức, bong gân, tổn thương hay tai nạn sẽ trực tiếp gây viêm khớp.

Thể trạng cũng góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh. Những người béo phì sẽ khó có thể giữ thăng bằng ở khớp cổ chân. Khớp chịu áp lực lớn lâu ngày sẽ viêm nhiễm. Trường hợp cơ thể có bệnh lý nền như viêm khớp dạng thấp, bệnh gout,… tỷ lệ mắc bệnh sẽ cao hơn.

Lối sống, sinh hoạt của người trẻ cũng cần kể tới khi xét những yếu tố gây viêm khớp. Cuộc sống bận rộn thường khiến bạn trẻ căng thẳng, áp lực, cộng thêm lối sống không lành mạnh, dinh dưỡng thiếu hụt, lười vận động khiến sức đề kháng giảm sút. Cơ thể không thể chống lại tổn thương và viêm nhiễm.

 

Người cao tuổi

Tuổi tác càng cao, lớp sụn khớp dần bị bào mòn và yếu đi. Nói cách khác, khớp cổ chân đang dần thoái hóa và viêm nhiễm. Tỷ lệ mắc bệnh sẽ cao hơn nếu người bệnh có tiền sử bị các bệnh lý xương khớp, béo phì, tai nạn,…

Ngoài ra, khớp cổ chân viêm có thể xuất phát từ yếu tố di truyền, dị dạng khớp bẩm sinh,… tuy nhiên khá hiếm gặp.

 

2. Dấu hiệu cho thấy khớp cổ chân bạn đang viêm nhiễm

Bệnh nhân viêm khớp ở cổ chân sẽ gặp phải những dấu hiệu điển hình dưới đây.

 

Đau đớn

Chỉ cần cử động cổ chân, người bệnh sẽ cảm nhận được những cơn đau nhức khó chịu. Cảm giác đau nhói tăng dần theo từng vận động hay thay đổi thời tiết.

 

Cứng khớp

Khi vừa ngủ dậy, bệnh nhân sẽ thấy đau cứng khớp, khó đi lại hay xoay cổ chân.

 

Sưng đỏ

Khớp cổ chân và những vùng xung quanh bị sưng tấy đỏ. Tình trạng sẽ lan dần theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.

 

Xương khớp kêu

Bất kỳ cử động hay di chuyển nào của khớp sẽ phát ra tiếng lục khục, lạo xạo.

 

Triệu chứng toàn thân

Viêm khớp ở cổ chân không chỉ ảnh hưởng một bộ phận mà còn đi khắp cơ thể. Bệnh nhân sốt nhẹ, suy nhược, mệt mỏi, ít vận động,…

 

3. Các phương pháp điều trị viêm khớp cổ chân

Nguyên tắc y học trong chữa trị viêm nhiễm khớp ở cổ chân là khắc phục triệu chứng, phục hồi chức năng vận động.

Để chẩn đoán tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định thực hiện các kỹ thuật như X-quang, chụp MRI, siêu âm,… Từ những thông tin cần thiết, phác đồ điều trị được đưa ra thích hợp với bệnh nhân. Trong đó là sự phối hợp của các phương pháp: Dùng thuốc, vật lý trị liệu, phẫu thuật,…

 

Sử dụng thuốc

Mục đích của biện pháp này là khắc phục các triệu chứng bệnh. Các loại thuốc phổ biến gồm:

– Thuốc chống viêm không chứa steroid: Aspirin, Etodolac, Meloxicam,…

– Thuốc giãn cơ – Giảm thiểu cứng khớp: Cyclobenzaprine, Baclofen,…

– Thuốc giảm đau: Paracetamol

– Thuốc bổ: Bổ sung Glucosamine, vitamin C, D, E,… tăng đề kháng và sức khỏe cho xương

Với tình huống nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định tiêm Corticoid.

Tất cả những loại thuốc kể trên đều cần có sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân không nên tự ý sử dụng các sản phẩm này. Bởi tác dụng phụ tới dạ dày, loãng xương, xơ vữa động mạch là hoàn toàn có thể xảy ra.

 

Vật lý trị liệu

Ngoài dược phẩm, các biện pháp vật lý trị liệu như tập luyện, chườm nóng, lạnh sẽ giúp giảm thiểu viêm đau cho khớp. Phương thức, thời gian trị sẽ tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân.

 

Phẫu thuật

Khi các cách điều trị dùng thuốc, tập luyện không còn hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để tránh biến chứng, phục hồi chức năng khớp. 2 loại phẫu thuật thường dùng là mổ nội soi hoặc hàn khớp.

Tổng kết lại, giống như các bệnh lý khớp khác, khớp cổ chân cần được quan tâm, kiểm tra và xử lý kịp thời trước khi các hệ quả xấu hơn xảy đến.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top