1. Nguyên nhân gây nên bệnh thoái hóa sụn khớp gối
Thoái hóa sụn khớp gối (hoặc thoái hóa khớp gối) là hiện tượng lớp đệm tự nhiên giữa các sụn khớp bị mài mòn. Khi tình trạng này diễn ra, xương của các khớp sẽ cọ xát với nhau mạnh hơn dẫn tới trạng thái người bệnh bị đau, sưng, cứng, giảm khả năng di chuyển và đôi lúc sẽ hình thành nên các gai xương ở vùng đầu gối.
Nguyên nhân thường gặp nhất của căn bệnh này là do yếu tố tuổi tác. Chính vì khả năng tự chữa lành của sụn bị giảm đi theo thời gian nên hầu hết người lớn tuổi đều sẽ bị thoái hóa khớp.
Tuy nhiên, còn một số yếu tố khác cũng khiến khớp cho bị thoái hóa ở độ tuổi sớm hơn, có thể kể đến như:
Yếu tố cân nặng
Khi bạn bị thừa cân, béo phì thì tải trọng lớn sẽ gây gia tăng áp lực lên tất cả các khớp, đặc biệt là phần đầu gối. Nghiên cứu cho thấy rằng mỗi khi bạn tăng 0,45kg thì sẽ đồng thời gây làm tăng khoảng 1,35 đến 1,8kg trọng lượng trên vùng đầu gối.
Yếu tố di truyền
Yếu tố này thường bao gồm các đột biến di truyền (khiến cho một người có nhiều khả năng bị bệnh viêm xương khớp ở đầu gối dù còn trẻ tuổi) và hình dạng bất thường của phần xương bao quanh khớp gối (khiến cho phần sụn khớp dễ thoái hóa sớm).
Các vận động viên thể thao
Những người thường xuyên chơi bóng đá, điền kinh, quần vợt – các bộ môn cần có sự vận động khớp gối nhiều – thường sẽ có nguy cơ cao bị suy yếu vùng khớp gối. Nguy cơ này sẽ chiếm tỷ lệ cao hơn nữa nếu vận động viên đó gặp phải chấn thương trong lúc luyện tập.
Một vài bệnh cơ xương khớp khác
Người bị bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ có nhiều khả năng cũng mắc bệnh thoái hóa khớp. Cùng với đó, những bệnh nhân gặp một số rối loạn chuyển hóa, chẳng hạn như bị thừa sắt hoặc thừa hormone tăng trưởng cũng sẽ dễ mắc phải bệnh thoái hóa khớp.
2. Sự nguy hiểm của bệnh thoái hóa khớp gối và cách phòng tránh
2.1. Biến chứng của thoái hóa sụn khớp gối
Nếu không được điều trị sớm, tình trạng sụn khớp bị thoái hóa sẽ tiến triển nặng dần theo thời gian, dẫn tới đau khớp mạn tính cùng một loạt biến chứng như:
– Gây tăng nguy cơ bị chấn thương đầu gối: Bệnh nhân lớn tuổi bị thoái hóa khớp sẽ thường gặp khó khăn hơn khi thực hiện các hoạt động. Hơn nữa, những cơn đau dữ dội, khả năng cử động và giữ thăng bằng bị suy giảm cũng có thể gây gia tăng nguy cơ bị tai nạn và thương tích.
– Tình trạng mất xương: Trong trường hợp bệnh thoái hóa khớp nặng, sụn bị mất dần và nhanh chóng sẽ dẫn tới mất xương. Chết tế bào xương là biến chứng rất nghiêm trọng cần phải can thiệp phẫu thuật để giúp loại bỏ các phần xương bị ảnh hưởng.
– Mất ổn định vùng khớp: Do bị đứt gân và đứt dây chằng xung quanh khớp gây ảnh hưởng.
– Dây thần kinh xung quanh xương/sụn bị chèn ép khiến cho các cơn đau thêm trầm trọng và gây hiện tượng ngứa ran, tê hoặc yếu.
– Một số bệnh lý khác đi kèm: Thoái hóa khớp gối có thể khiến người bệnh ít vận động, lâu dần gây tình trạng tăng cân cũng như gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh như đái tháo đường, béo phì, tim mạch và ung thư.
– Sự hình thành u nang sau đầu gối: Các u nang này sẽ gây áp lực lên các mạch máu và gây suy giảm lưu lượng máu bình thường, dẫn tới người bệnh bị sưng và đau ở chân.
– Tăng nguy cơ mắc bệnh gout: Bệnh nhân bị thoái hóa khớp thường có nồng độ axit uric trong máu cao do đó sẽ dễ bị bệnh gout – một dạng khác của bệnh viêm khớp.
2.2. Cách phòng tránh bệnh thoái hóa sụn khớp gối
Để giúp kéo dài tuổi thọ cho khớp gối, bạn nên thực hiện một số biện pháp sau:
– Cố gắng duy trì mức cân nặng hợp lý (BMI < 23)
– Kiểm soát tốt lượng đường trong máu: Lượng glucose cao có thể gây ảnh hưởng tới cấu trúc và chức năng của sụn, gia tăng nguy cơ viêm và mất sụn.
– Luyện tập thể thao thường xuyên: Vận động với cường độ vừa phải (khoảng 30 phút/ngày) sẽ giúp cho các khớp được dẻo dai, tăng cường cơ hỗ trợ đầu gối và làm giảm nguy cơ mắc phải nhiều bệnh lý mạn tính.
– Tránh các hoạt động gây tăng nguy cơ chấn thương: Không mang vác những vật nặng, chơi thể thao đúng kỹ thuật, mang giày dép vừa vặn và chú ý sử dụng đồ bảo hộ trong lúc luyện tập.
– Không thực hiện các hoạt động quá sức: Khi bạn cảm thấy cơ thể mệt mỏi thì cần chú ý nghỉ ngơi. Việc cố gắng làm việc hoặc vận động quá sức sẽ chỉ khiến cho xương khớp chịu thêm áp lực và dễ thương tổn.
– Duy trì một chế độ ăn uống khoa học, ngủ đủ giấc, kiểm soát tinh thần, tránh căng thẳng để giúp làm giảm nguy cơ gặp phải những vấn đề sức khỏe, bao gồm cả bệnh viêm khớp.
Như vậy, bệnh thoái hóa khớp gối nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới nhiều nguy hiểm cho sức khỏe người mắc phải. Do đó, bạn đừng quên tiến hành đi thăm khám định kỳ để giúp nhận diện bệnh sớm và phòng ngừa bệnh hiệu quả nhé.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh