✴️ Đau gót chân: nguyên nhân từ đâu?

Đau gót chân là tình trạng đau nhức ở vùng dưới gót hoặc phía sau gót chân. Đau gót chân xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Nên thăm khám sớm để xác định nguyên nhân và có cách điều trị kịp thời, giúp bệnh nhân tránh khỏi những phiền toái do tình trạng này gây ra.

Đau gót chân xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.

1. Nguyên nhân gây đau gót chân

Đau vùng dưới gót chân chủ yếu là do viêm can gan chân. Can gan chân là dải cân chạy từ mặt dưới các ngón chân đến tận cùng phía dưới của gót chân. Khi hoạt động, các động tác dồn lực nhiều lên gan chân như chạy nhảy, leo trèo, thậm chí đứng quá lâu sẽ tác động lên cân gan chân, ban đầu gây kích thích cơ học, về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng viêm.
Trong khi đó nguyên nhân gây đau vùng sau gót chân thường là viêm gân gót (viêm gân Achille) và viêm bao hoạt dịch gân gót.

2. Khi nào cần tới gặp bác sĩ?

Tới bệnh viện để kiểm tra ngay nếu tình trạng đau gót chân kéo dài dai dẳng trong nhiều tuần và chưa xác định rõ nguyên nhân.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân gây đau gót chân bằng cách tìm hiểu về triệu chứng, tiền sử bệnh, kiểm tra gót chân và bàn chân của người bệnh.
Các xét nghiệm chuyên sâu có thể được chỉ định nếu người bệnh có thêm các triệu chứng cho thấy nguyên nhân gây đau gót chân không phải là do chứng viêm, chẳng hạn như:

  • Tê hoặc ngứa ran ở bàn chân: có thể là dấu hiệu của bệnh lý thần kinh ngoại vi.
  • Người bệnh cảm thấy nóng ở chân và bị sốt cao hơn 38 độ C: dấu hiệu của nhiễm trùng xương.
  • Gót chân cứng và sưng: có thể là một dấu hiệu của bệnh viêm khớp.
  • Xét nghiệm máu, chụp X quang, chụp cộng hưởng từ hoặc siêu âm…là những xét nghiệm mà người bị đau gót chân có thể sẽ phải thực hiện thêm.

3. Cách điều trị đau gót chân

Có một số phương pháp điều trị có thể giúp giảm đau gót chân và tăng tốc độ hồi phục:

  • Nghỉ ngơi, tránh đi bộ đường dài hoặc đứng quá lâu
  • Nẹp bất động bàn chân ở tư thế trung gian vào buổi tối
  • Chườm túi đá vào vùng gót chân
  • Sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ
  • Tập các bài tập duỗi cơ cẳng chân như kéo các ngón chân về phía mặt trước cẳng chân nhiều lần vào buổi sáng;
  • Đi giày dép có lót đế mềm hoặc giày dép chỉnh hình khi có bất thường ở xương bàn chân.

4. Cách phòng tránh đau gót chân

Thừa cân có thể làm gia tăng áp lực và làm căng cơ, đặc biệt là ở bàn chân. Giảm cân và duy trì trọng lượng khỏe mạnh bằng cách kết hợp tập thể dục thường xuyên với một chế độ ăn uống lành mạnh, có thể có lợi cho đôi chân.
Mang giày dép thích hợp cũng rất quan trọng. Lý tưởng nhất là chọn giày có đế cao từ thấp đến trung bình để nâng đỡ phần gót chân.
Bệnh viện với đội ngũ bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại sẽ giúp xác định nguyên nhân gây đau gót chân, điều trị hiệu quả.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top