✴️ Đau khớp khuỷu tay phải: Đối tượng dễ mắc và cách điều trị

Nội dung

1. Dấu hiệu nhận biết đau khớp khuỷu tay bên phải

Đau khớp khuỷu tay là tình trạng viêm hoặc rách, đứt, dãn nhóm gân cơ duỗi tại chỗ bám vào mỏm trên lồi cầu phía ngoài xương cánh tay. Hiện tượng này xảy ra kèm theo các triệu chứng:

– Đau nhói hoặc đau dữ dội khi cử động khuỷu tay. Đặc biệt khi chạm vào rất dễ nhận biết cơn đau.

– Phần khớp khuỷu tay bên phải bị sưng, đỏ rõ rệt.

– Cảm giác nóng rát xung quanh phần khớp, chạy dọc từ khuỷu đến cánh tay

– Gặp khó khăn mỗi khi nâng vật nặng, thực hiện các động tác đơn giản như: đánh răng, viết bài,…

Đau khớp khuỷu là tình trang đau nhức dữ dội khi cử động hoặc chạm vào

Ngoài ra còn có thể xuất hiện một số triệu chứng khác, hiếm gặp hơn như:

– Khuỷu tay bị cứng

– Ngón tay thường bị tê hoặc ngứa, đặc biệt là ngón áp út và ngón út

– Rối loạn giấc ngủ, ngủ không đủ giác do cơn đau gây ra

 

2. Đối tượng nào dễ mắc?

2.1. Vận động viên thể thao

Đối tượng dễ bị đau khớp khuỷu tay phải nhất chính là những vận động viên thể thao. Điển hình như:

– Võ sĩ điền anh

– Người tập tạ

– Người chơi tennis, chơi golf,…

– Người ném bóng chày

Với tính chất phải sử dụng cánh tay quá mức, đặc biệt là cánh tay phải nên nguy cơ đau khớp rất dễ xảy ra. Mặt khác, đối với bộ môn ném bóng, chơi golf/tennis nếu thực hiện sai kĩ thuật trong khi chơi cũng là nguyên nhân chính gây nên. Tình huống gặp chấn thương trong quá trình luyện tập và thi đấu cũng là nguy cơ gặp đau khớp khuỷu. 

 

2.2. Một số đối tượng khác

Không chỉ có các vận động viên thể thao, những đối tượng sau cũng có nguy cơ cao gặp phải tình trạng đau khớp khuỷu tay:

– Người làm nghề thợ mộc

– Công nhân xí nghiệp

– Thợ sửa ống nước

– Nhân viên văn phòng

– Đầu bếp

– Họa sĩ

– Công nhân xây dựng

Xuất phát từ đặc thù nghề nghiệp phải sử dụng khớp khuỷu tay nhiều, lặp đi lặp lại một động tác khiến cho khớp bị đau, sưng. Chính sự hoạt động quá mức ở khớp và không nghỉ ngơi, lâu dần cơn đau trở nên rõ rệt và nhức nhối hơn.

 

3. Biến chứng và cách điều trị

3.1. Biến chứng nguy hiểm từ đau khớp khuỷu tay phải

Vì tay phải thường là tay thuận của nhiều người nên tỷ lệ đau khớp khuỷu tay phải sẽ chiếm phần lớn. Nếu bệnh không được can thiệp kịp thời sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như:

– Hạn chế trong vận động: khớp khuỷu bị đau gây ảnh hưởng tới các bộ phận liên quan gồm cổ tay, cẳng tay, bàn tay và ngón tay. Tình trạng đau nhức lan rộng khắp toàn bộ cánh tay khiến người bệnh khó vận động như bình thường. Điển hình như khó bê/vác đồ, nấu nướng, chăm sóc nhà cửa,…

– Khớp bị biến dạng: khi tình trạng đau khớp tăng dần và sang giai đoạn nặng. Lúc này, khớp bị méo mó về hình dạng, có thể bị chồi to ra hay lệch sang một bên. Hiện tượng này xảy ra khiến mất thẩm mỹ ít nhiều.

Khớp khuỷu bị biến dạng ở giai đoạn nặng

– Khớp bị teo, thậm chí tàn phế: người bệnh thường có xu hướng ít vận động bên tay bị đau khớp khuỷu. Chính điều này khiến cho các cơ trở nên yếu dần gây hiện tượng teo cơ 

 

3.2. Cách điều trị đau khớp khuỷu tay phải hiệu quả

Tùy vào mức độ đau khớp sẽ có phương pháp điều trị tương ứng. Nếu ở mức nhẹ, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh hạn chế hoạt động tay phải. Việc để tay nghỉ ngơi giúp tránh tạo thêm áp lực đè nặng lên bộ phận tổn thương, ngăn tình trạng diễn tiến xấu. Kết hợp với chườm nóng/lạnh và tập luyện các bài tập đơn giản giúp cải thiện triệu chứng.

Với trường hợp nặng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để ngăn bệnh phát triển thành viêm khớp. Bằng cách loại bỏ mô khớp tổn thương, chèn thêm gân hoặc dải mô liên kết và giữa hai đầu đoạn xương trong khớp. Một số trường hợp khác, bác sĩ có thể tư vấn thay khớp.

Ngoài ra, để giảm triệu chứng đau nhức thì bác sĩ cũng sẽ kê thêm thuốc kháng viêm. Nếu như tình trạng đau không cải thiện dù đã dùng thuốc nhiều ngày, người bệnh nên tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán kịp thời.

Trên đây là những thông tin về đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc phải và cách điều trị hiệu quả đau khớp khuỷu tay phải. Tình trạng này gây khó chịu cho người bệnh và giảm chất lượng cuộc sống. Hãy luôn chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân bằng cách kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm dấu hiệu bất thường nhé

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top