✴️ Ghép tủy xương

Tủy xương là mô xốp nằm bên trong một số xương của cơ thể, bao gồm xương hông và xương đùi. Tủy xương có chứa những tế bào chưa trưởng thành gọi là tế bào gốc. Con người cần tủy xương khỏe mạnh và các tế bào máu để sống. Khi một tình trạng hoặc bệnh lý ảnh hưởng đến tủy xương làm chức năng không còn hoạt động hiệu quả, cấy tủy hoặc cấy tế bào máu cuống rốn có thể là lựa chọn điều trị tốt nhất. Đối với một số người, phương pháp này là lựa chọn điều trị duy nhất.

Ghép tủy

Ghép tủy có ích vì nhiều nguyên nhân.

  • Ghép tủy có thể thay thế tủy bị bệnh, tủy không hoạt động với tủy khỏe mạnh đang hoạt động. Điều này có ích trong các bệnh lý như bạch cầu cấp, thiếu máu bất sản, và thiếu máu hồng cầu hình liềm.
  • Ghép tủy có thể tái tạo một hệ miễn dịch mới để chống lại bệnh bạch cầu cấp đang diễn ra hay còn sót lại, hoặc bệnh lý ung thư khác mà hóa trị hoặc xạ trị chưa tiêu diệt.
  • Ghép tủy có thể thay thế tủy và hồi phục chức năng bình thường sau khi một người tiếp nhận hóa trị hoặc xạ trị liều cao trong quá trình điều trị bệnh lý ác tính.
  • Ghép tủy có thể thay thế tủy hiện có với tủy khỏe mạnh hơn về mặt di truyền và chức năng để ngăn ngừa tổn thương thêm từ các bệnh lý di truyền, như hội chứng Hurler và bệnh loạn dưỡng chất trắng thượng thận.

Tế bào gốc chủ yếu nằm ở bốn nơi:

  • Phôi thai
  • Tủy xương
  • Máu ngoại vi, trong mạch máu khắp cơ thể
  • Máu cuống rốn, trong cuống rốn và có thể lấy sau khi sinh ra

Tế bào gốc dùng cho việc cấy ghép đều có thể lấy được từ những nguồn này trừ phôi thai.

Ghép tế bào gốc tạo máu bao gồm truyền tĩnh mạch tế bào gốc thu thập được từ tủy xương, máu ngoại vi, hoặc máu cuống rốn.

Điều này có ích trong việc tái thiết lập lại chức năng tạo máu ở những người có tủy xương và hệ miễn dịch bị tổn thương hoặc khiếm khuyết.

Trên toàn cầu, hơn 50,000 ca ghép tế bào gốc tạo máu đầu tiên, 28.000 ca ghép tự thân, 21.000 ca ghép dị thân được thực hiện mỗi năm.

Con số này đang liên tục tăng hơn 7% mỗi năm. Sự giảm thiểu về tổn thương cơ quan, nhiễm trùng và bệnh ghép chống chủ cấp tính nghiêm trọng dường như góp phần vào việc cải thiện kết quả.

Trong một nghiên cứu, 854 người sống sót ít nhất 2 năm sau ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho bệnh lý ác tính huyết học, 68,8% vẫn còn sống 10 năm sau khi ghép tủy.

Ghép tủy là lựa chọn điều trị hàng đầu cho các bệnh lý đe dọa khả năng hoạt động của tủy xương, như bệnh bạch cầu cấp.

Ghép tủy có thể giúp xây dựng lại khả năng của cơ thể trong việc tạo ra các tế bào máu và đem số lượng của chúng về mức độ chấp nhận được. Những bệnh lý có thể được chữa trị với ghép tủy bao gồm bệnh lý ung thư và không ung thư.

Bệnh lý ung thư có thể hoặc không liên quan tới tế bào máu, nhưng điều trị ung thư có thể phá hủy khả năng tạo ra tế bào máu mới của cơ thể.

Một bệnh nhân ung thư thường trải qua hóa trị trước khi ghép tủy. Điều này giúp loại bỏ tủy tổn thương của bệnh nhân.

Nhân viên y tế lúc đó sẽ thu thập tủy xương của người hiến tủy phù hợp – trong nhiều trường hợp, là một thành viên thân thiết trong gia đình – và sẵn sàng cho việc cấy ghép.

 

Các loại ghép tủy

Các loại ghép tủy bao gồm:

  • Ghép tủy tự thân: Người bệnh tự nhận tế bào gốc của bản thân từ máu ngoại vi hoặc máu cuống rốn để cung cấp thêm cho tủy xương.
  • Ghép tủy đồng gen: Người bệnh nhận tế bào gốc từ anh/chị/em sinh đôi của người bệnh.
  • Ghép tủy dị thân: Người bệnh nhận tế bào gốc phù hợp từ anh/chị/em, cha mẹ, hoặc người hiến tủy không có quan hệ huyết thống.
  • Ghép tế bào gốc tạo máu nửa thuận hợp HLA: Đây là lựa chọn điều trị cho ước tính khoảng 70% người bệnh không có hệ thống kháng nguyên bạch cầu ở người (HLA) phù hợp với tủy được hiến.
  • Tế bào máu cuống rốn (một dạng của ghép tủy dị thân): Nhân viên y tế lấy tế bào gốc từ cuống rốn của một đứa trẻ mới sinh ngay sau khi chào đời. Sau đó sẽ đông lạnh và trữ những tế bào gốc này, cho tới khi cần thiết trong một cuộc cấy ghép. Tế bào máu cuống rốn chưa biệt hóa, nên yêu cầu về sự phù hợp ít khắt khe hơn, nhưng số lượng máu cần nhiều thời gian hơn để hồi phục.

 

Loại mô

Loại mô của một người được xác định dựa trên loại HLA người đó có trên bề mặt của đa số các tế bào trong cơ thể. HLA là một protein, hoặc chất chỉ điểm, mà cơ thể sử dụng để giúp nhận định tế bào có thuộc về cơ thể hay không.

Để kiểm tra loại mô có tương thích, bác sĩ đánh giá bao nhiêu protein giống nhau trên bề mặt tế bào máu của người hiến và người nhận. Có cả triệu loại mô khác nhau, nhưng một số thường gặp hơn những loại khác.

Loại mô là được thừa hưởng, và các loại được truyền từ mỗi người cha, người mẹ, đồng nghĩa với việc người cùng huyết thống có khả năng cùng loại mô cao hơn.

Tuy nhiên, nếu như không có khả năng tìm một người hiến tủy phù hợp trong những người cundg huyết thống, nhân viên y tế sẽ cố gắng tìm một người khác có loại mô tương thích trong danh sách những người đăng ký hiến tủy.

 

Xét nghiệm trước ghép

Nhân viên y tế thực hiện một số xét nghiệm trước khi ghép tủy để nhận định kịp thời các vấn đề tiềm tàng.

Những xét nghiệm bao gồm:

  • Phân loại mô và xét nghiệm máu
  • X-quang ngực
  • Xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi
  • CT scan hoặc CAT scan
  • Xét nghiệm chức năng tim, bao gồm điện tâm đồ và siêu âm tim
  • Sinh thiết tủy xương
  • Khảo sát xương

Đồng thời, một người cần kiểm tra răng toàn diện trước khi ghép tủy để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng. Một số phương pháp dự phòng để giảm nguy cơ nhiễm trùng cũng cần thiết trước khi ghép tủy.

 

Thủ thuật lấy tủy

Lấy tủy để kiểm tra được thực hiện bằng phương pháp sinh thiết tủy và chọc hút tủy.

Thủ thuật lấy tủy đã trở thành một thủ thuật tương đối thường quy. Nhân viên y tế thường chọc hút từ mào chậu sau khi người được lấy đang được gây tê hoặc gây mê.

Nhân viên y tế có thể lấy từ xương ức hoặc từ đầu trên xương chày ở trẻ em, bởi vẫn còn một lượng tủy đỏ đáng kể được chứa bên trong.

Để thực hiện thủ thuật, nhân viên y tế đưa một cây kim vào xương, thường ở hông, và rút một ít tủy xương. Sau đó sẽ đông và trữ lượng tủy xương này.

Giới hạn thể tích của tủy xương có thể rút ra ở mức 20 ml mỗi kg cân nặng của người được thực hiện thủ thuật.

Biến chứng liên quan tới thủ thuật lấy tủy xương hiếm khi xảy ra. Khi xảy ra, thường là những vấn đề liên quan gây tê, nhiễm trùng và chảy máu.

Một cách khác để đánh giá chức năng tủy xương là đưa một người những loại thuốc kích hoạt sự phóng thích tế bào gốc từ tủy xương vào máu tuần hoàn.

Nhân viên y tế lúc đó lấy mẫu máu và tách tế bào gốc để kiểm tra bằng kính hiển vi. Ở trẻ sơ sinh, nhân viên y tế có thể lấy tế bào gốc từ cuống rốn.

Thủ thuật lấy tủy

 

Bác sĩ sẽ ghép tủy xương như thế nào?

Trước khi ghép tủy, người nhận có thể đã hóa trị, xạ trị, hoặc cả hai. Có hai cách để thực hiện thủ thuật này: điều trị triệt để (hóa trị liệu liều cao) và điều trị cường độ giảm nhẹ, hoặc ghép mini.

Trong điều trị triệt để (hóa trị liệu liều cao), một người tiếp nhận liều cao hóa trị, xạ trị, hoặc cả hai để giết các tế bào ung thư. Việc này cũng giết tất cả những tủy xương khỏe mạnh còn lại và cho phép tế bào gốc mới phát triển trong tủy xương.

Trong điều trị cường độ giảm nhẹ, hoặc ghép mini, một người tiếp nhận liều hóa trị và xạ trị thấp hơn trước khi ghép tủy. Việc này cho phép người lớn tuổi và người có những bệnh lý nền khác vẫn có thể ghép tủy.

Ghép tế bào gốc thường thực hiện sau khi hóa trị và xạ trị đã hoàn thành.

Việc truyền tủy hoặc máu ngoại vi là một qui trình tương đối đơn giản mà nhân viên y tế thực hiện tại giường bệnh. Nhân viên y tế sẽ truyền sản phẩm từ tủy qua tĩnh mạch trung tâm bằng một ống thông trong vài giờ.

Sản phẩm tự thân đa phần đều bảo quản lạnh. Được rã đông tại giường bệnh và truyền nhanh trong khoảng thời gian vài phút.

Sau khi vào dòng máu, tế bào gốc tạo máu di chuyển tới tủy xương. Tại đây, chúng bắt đầu tạo tế bào bạch cầu mới, tế bào hồng cầu, và tiểu cầu trong một quá trình được gọi là cấy rễ và sản xuất. Quá trình này thường xuất hiện 30 ngày sau ghép tủy.

Trong đa số các trường hợp, dường như có xuất hiện độc tính tối thiểu. Truyền tủy xương khác nhóm máu đôi khi sẽ dẫn tới phản ứng tán huyết.

Dimethyl sulfoxide (DMSO) – được nhân viên y tế sử dụng để bảo quản lạnh tế bào gốc - có thể dẫn đến đỏ bừng mặt, cảm giác ngứa nhẹ trong vùng họng, và cảm thấy có vị tỏi rất rõ trong miệng. Hiếm khi DMSO gây nhịp tim chậm, đau bụng, bệnh lý não, co giật, và suy thận.

Để giảm nguy cơ bệnh lý não, nhân viên y tế truyền dịch truyền tế bào gốc hơn 500 ml trong 2 ngày, và họ giới hạn tốc độ truyền xuống 20 ml mỗi phút.

Nhân viên y tế thường xuyên kiểm tra công thức máu. Hồi phục hoàn toàn chức năng miễn dịch có thể kéo dài vài tháng ở người được ghép tủy tự thân và 1-2 năm ở người được ghép tủy dị thân hoặc ghép tủy đồng gen.

Xét nghiệm máu sẽ khẳng định rằng cơ thể có đang sản xuất tế bào máu mới và ung thư có tái phát hay không. Chọc hút tủy cũng có thể giúp nhân viên y tế đánh giá tủy xương mới đang hoạt động như thế nào.

 

Nguy cơ

Biến chứng liên quan ghép tế bào gốc tạo máu bao gồm cả phản ứng sớm và muộn.

Một số vấn đề xuất hiện sớm có thể gồm:

  • Viêm niêm mạc
  • Viêm bàng quang xuất huyết
  • Giảm tiểu cầu kéo dài, nặng nề
  • Nhiễm trùng
  • Bệnh ghép chống chủ
  • Ghép thất bại
  • Biến chứng hô hấp
  • Bệnh tắc tĩnh mạch gan
  • Bệnh huyết khối vi mạch

Một số vấn đề xuất hiện muộn có thể gồm:

  • Bệnh ghép chống chủ mãn tính
  • Ảnh hưởng mắt
  • Ảnh hưởng nội tiết
  • Ảnh hưởng hệ hô hấp
  • Ảnh hưởng hệ cơ xương khớp
  • Ảnh hưởng hệ thần kinh
  • Ảnh hưởng hệ miễn dịch
  • Nhiễm trùng
  • Suy tim sung huyết
  • Bệnh lý ác tính đến sau

Nguy cơ nghiêm trọng bao gồm tăng nhạy cảm với nhiễm trùng, thiếu máu, ghép thất bại, suy hô hấp, và dư dịch, có thể dẫn đến viêm phổi và suy chức năng gan.

Sự bất tương hợp giữa mô người hiến và mô người nhận có thể dẫn đến phản ứng miễn dịch giữa các tế bào của chủ thể và các tế bào của tủy ghép.

Khi tế bào tủy ghép tấn công tế bào chủ thể, hậu quả là một tình trạng nguy hiểm gọi là bệnh ghép chống chủ. Tình trạng này có thể cấp tính hoặc mãn tính và có thể biểu hiện bằng phát ban, bệnh đường tiêu hóa, hoặc bệnh lý gan. Có khả năng giảm nguy cơ của bệnh ghép chống chủ bằng cách so sánh sự tương hợp giữa các mô cẩn thận.

Ngay cả khi kháng nguyên của người hiến giống hệt người nhận, 20-50% người nhận vẫn bị bệnh ghép chống chủ, có thể lên tới 60-80% ngay cả khi chỉ có một kháng nguyên không giống. Bởi vì sự nguy hiểm của biến chứng này, ghép tủy tự thân thường được sử dụng hơn.

Những nghiên cứu trước đây đề xuất người trên 50 tuổi có nguy cơ cao hơn đối với biến chứng sau khi ghép tủy. Vì lí do này, các chuyên gia thường khuyến nghị không nên ghép tủy sau độ tuổi này.

Tuy nhiên, phát triển trong công nghệ y học đã giảm được những nguy cơ. Những tác giả của một báo cáo năm 2013 kết luận rằng ghép tủy có thể an toàn trên bệnh nhân ngoài 70 tuổi, nếu họ đáp ứng những tiêu chí nhất định.

Có ít nguy cơ đối với những người hiến tủy vì họ có khả năng tạo tủy xương mới để thay thế tủy xương được lấy ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, vẫn có một ít nguy cơ nhiễm trùng, và phản ứng với chất gây tê có thể xảy ra trong mọi quy trình phẫu thuật.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top