Khớp háng bị đau khiến bạn gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là đi lại, vận động. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Vì thế nếu khớp háng bị đau, bạn cần đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị kịp thời.
Khớp háng bị đau là bệnh gì?
Khớp háng bị đau là triệu chứng đã phát ra bên ngoài của một số bệnh lý ở xương khớp. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh như:
Thoái hóa khớp háng
Đây là hệ quả của quá trình lão hóa sụn và xương dưới sụn. Lúc này đầu xương cọ sát vào nhau trong quá trình vận động nên gây đau đớn, khó chịu. Thoái hóa khớp háng có thể gây đau háng bên trái hoặc háng bên phải, cơn đau lan dần xuống đùi và thắt lưng.
Viêm khớp háng
Khớp háng bị đau có thể do bị viêm khớp háng. Đây là tình trạng khớp háng bị viêm, sưng do các tác động từ bên ngoài hoặc tổn thương nội sinh. Nguyên nhân có thể là do chấn thương trong quá trình vận động, vi khuẩn xâm nhập vào sâu bên trong khớp háng gây viêm, hệ miễn dịch suy yếu…
Viêm gân, viêm bao hoạt dịch
Viêm bao hoạt dịch khớp háng là một chứng viêm của các túi nhỏ ở háng. Khi các túi nhỏ này bị kích thích hoặc viêm, nó gây đau ở hông. Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng đau ở đùi, đau khi nằm nghiêng, đau khi leo cầu thang hoặc đi đứng, vận động.
Thoát vị bẹn
Bệnh thoát vị bẹn thường xảy ra ở nam giới trong mọi độ tuổi. Thoát vị bẹn có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên bẹn. Lúc này người bệnh sẽ thấy vùng háng bị phình to, nguyên nhân là do một phần màng tế bào lót trong khoang bụng chui vào túi thoát vị, gây đau khớp háng và đau nhức, khó chịu ở vùng bẹn.
Đau dây chằng háng
Nguyên nhân phổ biến là do chấn thương hoặc vận động gây viêm và đau dây chằng khớp háng. Viêm dây chằng háng không được điều trị kịp thời sẽ gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh.
Ngoài ra, có một số yếu tố có thể gây đau khớp háng
– Tuổi tác: Tuổi càng cao, hệ xương càng suy yếu khiến cơ thể dễ mắc bệnh lý xương khớp gây đau nhức khó chịu. Đau khớp háng cũng là triệu chứng thường gặp ở người cao tuổi.
– Chấn thương: Các chấn thương trong quá trình luyện tập thể dục, thể thao hay tai nạn xe, ngã cầu thang… có thể làm trật khớp, gây đau khớp háng.
– Làm việc nặng: Thường xuyên phải bê vác vật nặng, di chuyển nhiều, đạp xe liên tục… cũng khiến khớp háng dễ bị thoái hóa, viêm nhiễm, sưng đau.
– Nghiện rượu bia: Lạm dụng các loại đồ uống có cồn như rượu bia hoặc hút thuốc lá quá nhiều có thể gây tắc mao mạch chỏm đùi, thiếu máu tại vùng đùi, háng, dẫn đến đau khớp háng.
– Thừa cân béo phì cũng gây áp lực lên cột sống và khớp háng, khiến khớp háng bị tổn thương và đau nhức.
Xử trí thế nào khi khớp háng bị đau?
Khi có biểu hiện đau ở khớp háng, người bệnh không nên chủ quan. Lúc này, bạn cần tới ngay các cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa Cơ xương khớp để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh.
Tùy vào từng loại bệnh, mức độ đau khớp háng và tình trạng sức khỏe từng người, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Điều trị không phẫu thuật
– Dùng thuốc: Với những trường hợp đau khớp háng nhẹ ở người bệnh viêm khớp háng hoặc thoái hóa khớp háng… có thể sử dụng thuốc kháng viêm. Một số thuốc kháng viêm không steroid như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen… có thể giúp kiểm soát cơn đau, chống viêm nhiễm và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng. Tuy nhiên người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc điều trị. Không nên tự ý dùng thuốc vì có thể khiến bệnh nặng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng.
– Thay đổi chế độ vận động, sinh hoạt: Khi có vấn đề ở khớp háng, người bệnh cần tránh leo cầu thang, không đi bộ quá lâu hoặc chơi các môn thể thao làm tăng sức nặng cho khớp như: tennis, cầu lông, chạy bền… Thay vào đó là thực hiện các động tác thể dục nhẹ nhàng, vừa phải và nghỉ ngơi ngay nếu có dấu hiệu đau nhức ở vùng háng, hông.
– Thay đổi chế độ ăn uống: Bổ sung chế độ ăn uống giàu canxi rất tốt cho những người mắc bệnh xương khớp, giúp tăng lượng canxi thiếu hụt trong cơ thể, ngăn ngừa bệnh tái phát.
Điều trị phẫu thuật
Trong trường bệnh tại khớp háng chuyển nặng, việc dùng thuốc không mang lại hiệu quả cao thì người bệnh có thể cần phải phẫu thuật thay khớp háng để tái cấu trúc khớp.
Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, bán phần là phương pháp phổ biến, được chỉ định dựa trên mức độ tổn thương và tuổi tác của người bệnh…
Tốt nhất, khi khớp háng bị đau, người bệnh nên tới các bệnh viện uy tín để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh