Phương pháp chữa trị phần lưng dưới khi bị đau

Theo Viện thần kinh và đột quỵ quốc gia Hoa Kỳ (NINDS), đau lưng dưới là một căn bệnh rất phổ biến, đặc biệt ở những người trong độ tuổi từ 30-50. Tình trạng đau lưng dưới có thể kéo dài mãn tính hoặc là cơn đau xảy ra đột ngột trong thời gian ngắn (đau cấp tính). Các nguyên nhân gây đau lưng dưới bao gồm kéo giãn và co thắt cơ, đau dây thần kinh, bất thường tại cột sống như chứng thoát vị đĩa đệm và hẹp ống sống.

Lựa chọn điều trị đối với chứng bệnh đau lưng dưới rất đa dạng phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân gây bệnh.

Nghỉ ngơi

Việc nghỉ ngơi có thể giúp giảm đau lưng dưới rất hiệu quả. Phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, đôi khi bạn chỉ cần giảm cường độ hoạt động trong vòng 2 ngày hoặc là nghỉ ngơi hoàn toàn tại giường.

Khi nghỉ ngơi tại giường, bạn nên nằm ngửa và đặt một chiếc gối dưới đầu gối để giúp giữ cho tư thế nằm được tự nhiên, thoải mái. Bạn cũng có thể nằm trên sàn với đầu gối cong một góc 90 độ và gác chân lên ghế, cách này cũng có thể giúp giảm đau lưng.

Tuy nhiên, bạn không nên nằm quá lâu – nhiều trường hợp đau lưng dưới có thể tự hết trong vòng 2 ngày. Việc nghỉ ngơi quá lâu mà không vận động có thể khiến các cơ bị yếu đi nhiều.

 

Chườm nóng hoặc chườm lạnh

Đối phó với chứng đau lưng dưới bằng cách chườm nóng hoặc chườm lạnh cũng khá hiệu quả. Theo NINDS, có những bằng chứng cho thấy sử dụng túi chườm nóng hoặc lạnh có thể giúp làm tăng khả năng vận động và giảm đau. Đối với túi chườm đá, hãy bọc nó vào một chiếc khăn bông trước khi chườm lên da để tránh bị tê cóng, sau đó đặt lên phần mềm ở lưng dưới để làm giảm sưng viêm. Bạn có thể áp dụng cách này vài lần một ngày, mỗi lần khoảng 20 phút.

Sau hai ngày sử dụng biện pháp chườm lạnh, bạn có thể chuyển sang chườm nóng bằng túi chườm hoặc ngâm mình trong bồn nước nóng. Hơi nước nóng sẽ giúp làm giãn các cơ bắp đang co thắt gây đau. Lưu ý nếu sử dụng túi chườm cắm điện, bạn nhớ rút ổ cắm trước khi đi ngủ để phòng nguy cơ bị bỏng.

 

Các thuốc giảm đau không kê đơn (OTC)

Sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) là liệu pháp điều trị không xâm lấn đối với chứng đau lưng. Các loại thuốc như naproxen, ibuprofen và paracetamol rất hiệu quả trong việc giảm đau và giảm sưng cơ trong bệnh đau lưng dưới.

Tuy nhiên các thuốc này không thực sự phát huy tác dụng đối với các triệu chứng đau do dây thần kinh hoặc đĩa đệm. Do vậy, hãy tới bệnh viện để kiểm tra nếu chứng đau lưng không được cải thiện sau một vài ngày nghỉ ngơi, sử dụng biện pháp chườm nóng hoặc chườm lạnh và đã có uống các thuốc giảm đau không kê đơn.

 

Các loại thuốc kê đơn

Khi đi khám, các bác sỹ sẽ kê cho bạn một số loại thuốc để làm giảm chứng đau lưng mãn tính mà không thể cải thiện bằng các thuốc OTC. Các thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau gây nghiện như codein và các thuốc chống co giật có thể được sử dụng để điều trị đau lưng dưới.

Các chứng đau do thần kinh như đau thần kinh tọa thường rất khó điều trị bằng các thuốc đường uống. Đối với căn bệnh này, các bác sỹ thường chỉ định tiêm corticosteroid và thuốc gây tê tại vị trí gốc dây thần kinh bị đau để giảm viêm. Khi dây thần kinh không còn bị sưng nữa thì cơn đau lưng cũng sẽ giảm đáng kể.

 

Luyện tập

Có lẽ khi đau lưng, bạn sẽ nghĩ đến việc từ bỏ hoàn toàn việc tập thể dục. Tuy nhiên, tập thể dục cũng là một biện pháp hiệu quả giúp bạn hồi phục nhanh chóng do các cơn đau. Các bài tập quan trọng nhất – bao gồm bài tập võng lưng và tư thế cây cầu – giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ bắp ở bụng và lưng có nhiệm vụ nâng đỡ cột sống. Đây là những tư thế giúp giảm đau lưng rất hiệu quả.

Các nghiên cứu từ Trung tâm quốc gia về liệu pháp bổ sung và thay thế ở Mỹ cho thấy rằng những người thường xuyên tập luyện theo các tư thế trong bài tập yoga sẽ ít bị đau lưng và tàn tật hơn, đồng thời có cải thiện tâm trạng theo hướng tích cực sau 6 tháng. Bơi lội và đi bộ cũng là những phương pháp rất  tốt giúp cho lưng của bạn giảm nhức mỏi và duy trì cân nặng hợp lý. Tình trạng thừa cân cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ra chứng đau lưng dưới do số cân thừa gây ra nhiều áp lực lên các khớp xương của bạn.

 

Liệu pháp kéo giãn cột sống, siêu âm và kích thích điện dây thần kinh qua da (TENS)

Trường hợp các phương pháp điều trị cơ bản không mang lại hiệu quả, bạn có thể lựa chọn các biện pháp điều trị thay thế.

Liệu pháp kéo giãn cột sống sử dụng sức nặng để điều chỉnh lại vị trí của các đĩa cột sống, giúp các đĩa đệm trở lại đúng vị trí ban đầu.

Phương pháp siêu âm là kỹ thuật xoa bóp các mô mềm xung quanh vị trí bị tổn thương sử dụng sóng siêu âm để làm nóng các cơ, khiến chúng được thư giãn và mau lành hơn.

Phương pháp kích thích điện dây thần kinh qua da (TENS) sử dụng dòng điện với tần số thấp qua các điện cực đặt trên da. Dòng điện sẽ ngăn chặn các tín hiệu thần kinh gây đau.

Hãy hỏi ý kiến bác sỹ trước khi quyết định sử dụng các liệu pháp nêu trên.

 

Các liệu pháp điều trị thay thế

Các liệu pháp điều trị thay thế đối với bệnh đau lưng dưới bao gồm trị liệu cột sống và châm cứu. 

Trị liệu cột sống là một phương pháp điều trị không phẫu thuật để giảm đau lưng và các vấn đề khác liên quan đến chấn thương đĩa đệm, cột sống. Việc điều trị không xâm lấn và làm giảm áp lực cho đĩa đệm thông qua việc sử dụng một bàn giải nén. Bệnh nhân sẽ được nằm lên bàn sao cho khi nó di chuyển thì tạo nên một lực tác động lên các đốt sống, giúp nhẹ nhàng kéo giãn cột sống, tạo ra khoảng chân không nhỏ giữa các đốt sống giúp hồi phục các đĩa đệm.

Châm cứu là một liệu pháp điều trị trong y học cổ truyền Trung Hoa, giúp làm giảm bệnh tật và chấn thương thông qua tác động lên một số điểm trên cơ thể. Các kim nhỏ vô trùng sẽ được châm qua da tại một số huyệt đạo trên các kinh mạch dọc theo cơ thể để làm giảm đau.

 

Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp đau lưng dưới mãn tính nặng hoặc khi các liệu pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả. Những mảnh đĩa đệm nhỏ đã bị vỡ hoặc lệch khỏi vị trí ban đầu sẽ được phẫu thuật loại bỏ để làm giảm áp lực lên các dây thần kinh. Phẫu thuật có thể giúp giải quyết những bất thường ở cột sống hoặc chấn thương cột sống, giúp bạn có thể vận động lại bình thường. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng phẫu thuật lưng cũng như những ca phẫu thuật khác đều có những nguy cơ riêng và thường chỉ là phương pháp lựa chọn cuối cùng khi các biện pháp khác không có hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top