✴️ Cách điều trị bệnh viêm túi mật hiệu quả nhất

Nội dung

1. Nguyên nhân gây bệnh viêm túi mật

Nguyên nhân gây viêm túi mật phổ biến nhất là sỏi hình thành ở túi mật, gây tắc nghẽn cổ túi mật, lâu dần vi khuẩn xâm nhập làm túi mật bị viêm, thành túi mật dày lên. Theo thống kê, cứ 20 ca viêm túi mật thì có đến 19 ca bệnh có nguyên nhân là do sỏi gây ra.

Một số nguyên nhân khác không phải sỏi bao gồm:

– Bệnh nhân bị nhiễm trùng e.coli, thường gặp ở phụ nữ mang thai

– Bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết

– Bệnh nhân ung thư

– Các tác nhân như giun làm tắc ống mật chủ

– Bệnh nhân bị chấn thương vùng túi mật

Nguyên nhân gây bệnh viêm túi mật chủ yếu là do sỏi túi mật

 

2. Cách điều trị bệnh viêm túi mật hiệu quả

Điều trị viêm túi mật cần dựa vào nguyên nhân và tình trạng bệnh để có phương pháp thích hợp.

 

2.1. Cách điều trị bệnh viêm túi mật bằng nội khoa

Trường hợp người bệnh bị viêm túi mật do sỏi, viêm túi mật mạn tính đã qua giai đoạn cấp cứu có thể được điều trị bằng thuốc. Với cơn đau gây ra bởi sỏi mật, người bệnh thường được truyền dịch tại bệnh viện. Không ăn uống để tránh kích thích túi mật, truyền điện giải và nghỉ ngơi cho đến khi tình trạng ổn định hẳn.

Các loại thuốc được sử dụng cho người bị viêm túi mật thường là:

– Thuốc có tác dụng làm tan sỏi với bản chất là axit mật, giúp giảm tiết cholesterol ở gan.

– Thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc chống đau hạ sốt…

Thuốc làm tan sỏi chỉ có tác dụng khi sỏi có kích thước nhỏ (dưới 1.5cm). Đồng thời, dùng thuốc không thể chấm dứt hẳn tình trạng viêm túi mật. Bệnh sẽ tái phát sau đó tùy vào cơ địa của mỗi người.

Lưu ý: thông tin về thuốc điều trị trong bài chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh cần thăm khám với bác sĩ để được tư vấn cụ thể. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định.

Viêm túi mật mạn tính có thể được điều trị bằng thuốc.

 

2.2. Cách điều trị bệnh viêm túi mật bằng ngoại khoa

Trường hợp sỏi mật điều trị bằng thuốc không hiệu quả, sỏi chiếm đến ⅔ túi mật gây viêm túi mật cấp tính, có biến chứng viêm túi mật hoặc bệnh tái lại nhiều lần thì ưu tiên phẫu thuật cắt bỏ.

Hiện nay, 2 phương pháp phẫu thuật đang được áp dụng là mổ mở và mổ nội soi. Đồng thời, tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có những chỉ định thích hợp.

– Bệnh nhân bị viêm túi mật cấp tính nếu chưa có biến chứng và các kết quả kiểm tra ổn định thì được chỉ định mổ cắt bỏ túi mật. Phẫu thuật nội soi cắt bỏ túi mật là giải pháp được ưu tiên hiện nay nhằm rút ngắn thời gian điều trị, giúp bệnh nhân ít đau và an toàn hơn. Cụ thể thay vì vết rạch dài như mổ mở, mổ nội soi chỉ tạo nên những vết rạch với kích thước cực kỳ bé trên vùng bụng để đưa dụng cụ vào tiến hành cắt bỏ túi mật.

– Bệnh nhân già yếu, suy kiệt, có biến chứng nặng từ viêm túi mật hoặc mắc các bệnh về lao phổi tim mạch sẽ được điều trị bằng cách dẫn lưu túi mật, sau đó tùy thời gian thích hợp để thực hiện mổ mở hoặc duy trì uống thuốc điều trị lâu dài.

Đối với cơ thể con người, không có túi mật thì mọi cơ quan vẫn hoạt động bình thường, bệnh nhân chỉ gặp phải tình trạng đau bụng, hơi tiêu chảy… sau phẫu thuật và thường kết thúc sớm nếu tuân thủ chế độ ăn hợp lý cũng như theo đơn thuốc mà bác sĩ chỉ định, tư vấn.

 

3. Viêm túi mật không điều trị có nguy hiểm không?

Viêm túi mật nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng. Viêm túi mật cấp thường có chỉ định cắt bỏ ngay trong vòng 72h, nếu không túi mật sẽ căng phồng, thành giãn nở, dịch mật bị thấm vào ổ bụng gây viêm phúc mạc. Tình trạng này nếu không kịp thời điều trị sẽ gây nhiễm trùng ổ bụng, bệnh nhân hạ huyết áp, bủn rủn, sốt rét và gặp nguy hiểm về tính mạng. Các tình trạng như viêm mủ, áp – xe cũng cần điều trị sớm nếu không sẽ xảy ra hậu quả đáng tiếc. Bệnh nhân cần nhập viện để được bác sĩ kiểm tra, thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị hiệu quả.

Viêm túi mật gây nên những cơn đau dai dẳng, nếu không kịp thời xử lý sẽ gây nguy hiểm tính mạng

 

4. Phòng ngừa bệnh viêm túi mật

Một số nguyên tắc bạn cần tuân thủ để có thể đề phòng bệnh viêm túi mật đó là:

– Chế độ ăn lành mạnh, ít chất béo, không dùng đồ chiên, đồ ăn nhanh khó tiêu tăng áp lực lên vùng túi mật

– Ăn nhiều rau xanh, trái cây, nhiều chất xơ, sử dụng dầu thực vật thay vì dầu động vật

– Luyện tập điều độ, vận động đúng lúc làm lưu thông quá trình trao đổi chất trong cơ thể

– Phụ nữ nên cẩn trọng với tác dụng phụ của các loại thuốc ngừa thai

– Dự phòng sỏi mật bằng cách ăn chín uống sôi, điều trị dứt điểm các bệnh nhiễm trùng gan mật, xổ giun theo lịch.

Bệnh nhân khi bị đau hạ sườn phải dai dẳng, có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu như sốt, vàng da, nôn… cần đến ngay bệnh viện để được khám bệnh và kiểm tra kịp thời. Cách điều trị bệnh viêm túi mật hiệu quả cần căn cứ vào tình trạng bệnh, tốt nhất nên lắng nghe và tuân thủ theo các chỉ định, tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để sớm khỏe mạnh và phục hồi khi bị viêm túi mật.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top