✴️ Gan nhiễm mỡ nhẹ là gì và chế độ ăn cho người mắc bệnh

Gan nhiễm mỡ nhẹ là giai đoạn đầu của bệnh gan nhiễm mỡ, căn bệnh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy gan. Tuy nhiên tình trạng này có thể được cải thiện thông qua việc kiểm soát chế độ ăn uống và sinh hoạt. Vậy gan nhiễm mỡ nhẹ là gì và người mắc gan nhiễm mỡ nên có chế độ ăn như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ mang đến lời giải cho thắc mắc này.

 

1. Gan nhiễm mỡ nhẹ là gì?

Gan nhiễm mỡ là tình trạng gan tích tụ quá nhiều mỡ với lượng mỡ chiếm từ 5% khối lượng gan.

Dựa vào hàm lượng mỡ trong gan, gan nhiễm mỡ được chia làm 3 loại:

– Gan nhiễm mỡ nhẹ (gan nhiễm mỡ độ 1): Mỡ chiếm từ 5% đến 10% khối lượng gan.

– Gan nhiễm mỡ trung bình (gan nhiễm mỡ độ 2): Mỡ chiếm từ 10%  đến 25% khối lượng gan.

– Gan nhiễm mỡ nặng (gan nhiễm mỡ độ 3): Mỡ chiếm từ 30% khối lượng gan trở lên.

Ngoài việc phân loại gan nhiễm mỡ dựa trên hàm lượng mỡ trong gan, bệnh còn có thể chia thành 2 loại chính dựa vào nguyên nhân gây nhiễm mỡ gan. Đó là gan nhiễm mỡ nguyên nhân do rượu và không do rượu.

 

2. Nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ nhẹ

Nguyên nhân chính gây nhiễm mỡ ở gan là do rượu. Ngoài ra, gan nhiễm mỡ có thể do:

– Béo phì

– Rối loạn mỡ máu (Mỡ máu cao)

– Yếu tố di truyền

– Sút cân quá nhanh

– Tác dụng không mong muốn của một số loại thuốc như Aspirin, Steroids, Tetracycline hoặc Tamoxifen.

 

3. Triệu chứng

Ở giai đoạn này, lượng mỡ tích tụ trong gan còn ít, chưa ảnh hường nhiều đến chức năng gan. Vì vậy, giai đoạn này chưa có các triệu chứng rõ ràng, các triệu chứng xảy ra khó nhận biết.

Một số triệu chứng bệnh nhân có thể gặp phải khi bị gan nhiễm mỡ nhẹ là:

– Mệt mỏi

– Đau vùng gan (hạ sườn phải)

– Có thể sờ thấy kích thước gan tăng

Khi bệnh tiến triển nặng hơn có thể gặp thêm các dấu hiệu như:

– Sút cân

– Vàng da

– Vàng mắt

– Chán ăn

– Cổ trướng (dịch tích tụ ở ổ bụng làm bụng trướng to bất thường)

Vàng da là một triệu chứng của gan nhiễm mỡ nhẹ

 

4. Các đối tượng có nguy cơ cao mắc gan nhiễm mỡ nhẹ

– Người uống nhiều rượu

– Người rối loạn mỡ máu (máu nhiễm mỡ cao)

– Người bị thừa cân, đặc biệt là béo bụng (kích thước vòng bụng lớn hơn 80cm đối với nữ và 90cm đối với nam)

– Người bị đái tháo đường type 2

– Người cao tuổi

 

5. Các phương pháp điều trị

Bệnh gan nhiễm mỡ hiện tại vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu. Cách tốt nhất để tăng cường chức năng gan và ngăn bệnh phát triển là thay đổi chế độ sinh hoạt. Đặc biệt quan trọng là bệnh nhân cần phải bỏ rượu và thay đổi chế độ ăn uống. Người bị gan nhiễm mỡ nên có một chế độ ăn lành mạnh, thanh đạm, hạn chế ăn các món chiên xào nhiều dầu mỡ.

 

6. Các biện pháp phòng ngừa mắc gan nhiễm mỡ nhẹ

– Tránh uống rượu bia cũng như các loại đồ uống có cồn khác

– Duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh, hợp lý

– Có chế độ ăn uống thanh đạm, lành mạnh

– Luyện tập cơ thể thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày, có thể chơi các môn thể thao vừa sức.

– Kiểm soát đường huyết

– Khám tổng quát định kỳ ít nhất 2 lần một năm để nhanh chóng phát hiện các bệnh lý liên quan và theo dõi tình trạng đường huyết, mỡ máu…

 

7. Mắc gan nhiễm mỡ nhẹ thì nên ăn gì?

Cách hiệu quả nhất để ngăn bệnh tiến triển và cải thiện chức năng gan ở người mắc gan nhiễm mỡ là cải thiện chế độ ăn uống. Chế độ ăn của người bị bệnh cần có nhiều rau xanh, hoa quả, các loại đậu và ngũ cốc. Các món ăn cần được chế biến với ít đường, ít muối, ít dầu mỡ. Hạn chế ăn các loại thịt mỡ, các chất béo bão hòa và tuyệt đối không được uống rượu bia.

7.1. Các loại thực phẩm nên sử dụng khi mắc gan nhiễm mỡ nhẹ

– Rau xanh

Rau xanh làm giảm tích tụ chất béo trong cơ thể. Nghiên cứu đã chỉ ra bông cải xanh có thể ngăn ngừa tích lũy chất béo ở gan đối với chuột. Ăn các loại rau như rau bina, cải xoăn và cải Brussels cũng giúp kiểm soát cân nặng.

– Quả bơ

Bơ chứa nhiều chất béo lành mạnh có thể làm chậm các tổn thương tại gan. Bơ cũng nhiều chất xơ tốt cho quá trình kiểm soát cân nặng.

– Cá

Các loại cá như cá hồi, cá mòi và cá ngừ có nhiều acid béo tốt như omega – 3. Omega – 3 giúp cải thiện tình trạng tích lũy mỡ trong gan.

– Hạt óc chó

Hạt óc chó cũng chứa nhiều acid béo omega – 3.

– Hạt hướng dương

Hạt hướng dương chứa nhiều vitamin E có khả năng chống oxy hóa giúp bảo vệ gan khỏi các tổn thương có thể gặp phải.

– Yến mạch

Carbohydrat trong các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch cung cấp năng lượng cho cơ thể một cách lành mạnh. Yến mạch cũng chứa nhiều chất xơ nên khi ăn yến mạch thường có cảm giác no lâu, có lợi cho việc giảm cân.

– Dầu oliu

Dầu oliu chứa hàm lượng omega – 3 cao nên tốt hơn các loại dầu mỡ và bơ thực vật khác khi nấu ăn.

– Tỏi

Nhiều nghiên cứu cho thấy bổ sung tỏi trong bữa ăn giúp giảm mỡ ở những người bị gan nhiễm mỡ.

7.2. Các loại thức uống nên sử dụng khi mắc gan nhiễm mỡ nhẹ

– Cà phê

Nhiều nghiên cứu cho thấy những người bị gan nhiễm mỡ uống cà phê chịu ít tổn thương gan hơn những người bệnh không uống cà phê. Họ cho rằng caffeine trong cà phê giúp làm giảm men gan ở những người mắc bệnh về gan.

– Trà xanh

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trà xanh có khả năng làm giảm hấp thụ chất béo. Ngoài ra, trà xanh cũng giúp giảm cholesterol là một loại lipid xấu trong cơ thể.

Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ nhẹ nếu không được phát hiện, kiểm soát và điều trị kịp thời có thể tiến triển nặng lên, làm suy giảm chức năng gan. Bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng như viêm gan, suy gan, ung thư gan… làm suy giảm nặng nề hoặc mất hoàn toàn chức năng gan. Vì vậy, kiểm soát tình trạng nhiễm mỡ của gan ngay từ những giai đoạn đầu là rất quan trọng trong quá trình điều trị sau này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top
Close menu