MỐI LIÊN QUAN GIỮA THUỐC NGỪA THAI ĐƯỜNG UỐNG VỚI LÀN DA

Nội dung

Thuốc ngừa thai là gì?

Thuốc ngừa thai đường uống, hay thuốc ngừa thai dạng viên, là một loại thuốc giúp ngăn ngừa mang thai. Thuốc chứa hai loại hormone kết hợp (oestrogen và progestin) hoặc một loại hormone duy nhất (progestin).

  • Thành phần estrogen thường là ethinyl oestradiol.
  • Thành phần progestin là một trong nhiều loại progestin.

Thuốc ngừa thai đường uống ngăn chặn sự rụng trứng và làm đặc chất nhầy cổ tử cung (ngăn tinh trùng xâm nhập vào tử cung).

Đối tượng sử dụng thuốc ngừa thai?

Thuốc ngừa thai chủ yếu được sử dụng bởi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản với mục đích tránh mang thai. Thuốc cũng có những lợi ích khác cho sức khỏe ngoài việc ngừa thai.

Thuốc ngừa thai được sử dụng để điều trị những vấn đề gì về da?

Thuốc ngừa thai đường uống được sử dụng trong điều trị các dấu hiệu cường androgen ở phụ nữ. Các triệu chứng biểu hiện trên da liên quan đến cường androgen bao gồm:

  • Mụn trứng cá

 

  • Tình trạng rậm lông

 

  • Tăng tiết bã nhờn
  • Rụng tóc kiểu nữ

Cường androgen gây ra do sự dư thừa nội tiết tố nam trong tuần hoàn hoặc do tăng độ nhạy cảm của các tế bào tại lỗ chân lông (nang lông và tuyến bã).

Phụ nữ có dấu hiệu cường androgen nên được đánh giá các rối loạn cơ bản như hội chứng buồng trứng đa nang, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, khối u tuyến thượng thận hoặc buồng trứng.

Thuốc ngừa thai có tác dụng như thế nào đối với các vấn đề về da?

Thuốc ngừa thai phối hợp ngăn chặn quá trình sản xuất hormone luteinising (LH) – điều khiển việc sản xuất androgen và làm tăng globulin gắn với hormone giới tính. Kết quả là làm giảm nồng độ androgen tự do dẫn đến cải thiện tình trạng mụn trứng cá và giảm tình trạng rậm lông.

Tác dụng của thuốc ngừa thai phối hợp phụ thuộc vào sự cân bằng về thành phần của oestrogen-progestin. Progestin là một androgen yếu.

  • Oestrogen có thể làm giảm mụn trứng cá.
  • Androgen có thể làm trầm trọng thêm mụn trứng cá.

Trong thuốc ngừa thai phối hợp, tác dụng của oestrogen vượt trội hơn tác dụng của progestin, do đó nồng độ androgen giảm.

  • Các progestin thế hệ thứ nhất và thứ hai đôi khi có thể kích hoạt thụ thể androgen, làm tình trạng mụn trứng cá trở nên tệ hơn.
  • Các progestin thế hệ thứ ba và thứ tư như norgestimate và drospirenone ít hoạt động ở thụ thể androgen hơn.

Thuốc ngừa thai đường uống chỉ chứa progesterone (minipill) không hiệu quả trong việc kiểm soát các tình trạng da liên quan đến androgen và có thể làm khiến tình trạng mụn trứng cá trở nên xấu hơn.

Những vấn đề về da có thể do  thuốc ngừa thai gây ra?

Các vấn đề về da đôi khi do thuốc ngừa thai gây ra bao gồm:

  • Mụn
  • Nám da
  • Viêm da tự miễn do progesterone
  • Giãn tĩnh mạch mạng nhện
  • U hạt sinh mủ
  • Porphyria cutanea tarda
  • Hồng ban nút
  • Bệnh gai đen

Chống chỉ định của thuốc ngừa thai là gì?

Trước khi bắt đầu sử dụng thuốc ngừa thai dạng uống, đặc biệt là thuốc ngừa thai có chứa oestrogen, bệnh nhân nên được hỏi về bất kỳ chống chỉ định nào có thể xảy ra, do các tác dụng phụ như thuyên tắc huyết khối (cục máu đông) và bệnh gan.

Chống chỉ định tuyệt đối với thuốc ngừa thai

  • Chứng đau nửa đầu có tiền triệu
  • Hút thuốc: phụ nữ trên 35 tuổi hút >15 điếu/ngày
  • Bệnh tim thiếu máu cục bộ, tiền căn hoặc hiện tại
  • Đột quỵ
  • Bệnh gan đang hoạt động: viêm gan siêu vi, xơ gan hoặc khối u
  • Phẫu thuật lớn với thời gian bất động kéo dài (nên ngừng uống thuốc ngừa thai kết hợp từ 4 đến 6 tuần trước khi phẫu thuật)
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu, tiền căn hoặc hiện tại
  • Tăng huyết áp: kiểm soát kém (tâm thu >160 mmHg hoặc tâm trương >100 mmHg)
  • Ung thư vú (được chẩn đoán trong vòng 5 năm qua)

Chống chỉ định tương đối với thuốc ngừa thai

  • Chứng đau nửa đầu không có tiền triệu: ở phụ nữ trên 35 tuổi hoặc ở người hút thuốc
  • Hút thuốc: ở phụ nữ trên 35 tuổi hút <15 điếu/ngày
  • Điều trị đồng thời với một số thuốc chống co giật (bao gồm phenytoin, carbamazepine, barbiturate, primidone, topiramate, oxcarbazepine, lamotrigine)
  • Sau sinh: 3 tuần đầu (nếu không cho con bú), tháng đầu (nếu cho con bú)
  • Tăng huyết áp: được kiểm soát tốt hoặc vừa phải (tâm thu 140 đến 159 mmHg hoặc tâm trương 90 đến 99 mmHg)
  • Ung thư vú, được chẩn đoán hơn 5 năm trước đó.

 

BS Phan Vũ Lam Phương - Đơn vị Da Liễu - Thẩm Mỹ Da

Nguồn:  https://dermnetnz.org/topics/oral-contraceptive

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.

  • Số điện thoại liên lạc (Trả lời trong ngày) : 0899777709 / Zalo/Viber

 

return to top