✴️ Cách vệ sinh phù hợp dành cho phụ nữ

Nội dung

1. Vệ sinh phụ nữ hàng ngày

1.1. Thời điểm vệ sinh phụ nữ

Nên vệ sinh vùng kín ít nhất 2 lần/ngày. Thời điểm thích hợp là buổi sáng sau ngủ dậy và kết hợp với lúc tắm. Sau mỗi lần đi vệ sinh, bạn cũng nên lau khô bằng khăn sạch thậm chí có thể sấy khô vùng kín để tránh ẩm ướt. Nhưng cũng không nên quá thường xuyên. Bởi nếu rửa quá nhiều lần, bạn cũng vô tình làm thay đổi môi trường axit của âm đạo.

1.2. Sản phẩm vệ sinh phụ nữ

Trong một nghiên cứu ở Canada, các nhà nghiên cứu khảo sát gần 1.500 phụ nữ về thói quen vệ sinh phụ nữ của họ. Hơn 95% phụ nữ được khảo sát cho biết sử dụng ít nhất một sản phẩm nào đó để giữ vệ sinh cho vùng này, ví dụ như: Dùng như kem giữ ẩm, kem chống ngứa, khăn lau vệ sinh, dung dịch vệ sinh… Ngoài ra, một số có thói quen xịt các sản phẩm trong hoặc xung quanh âm đạo. Và kết quả vô cùng bất ngờ. Những phụ nữ này lại có nguy cơ viêm nhiễm âm đạo gấp 3 lần những chị em không dùng.

Vậy vấn đề ở đây là gì? Đó là bởi âm đạo có một cơ chế tự bảo vệ tuyệt vời. Việc tự tạo ra một môi trường axit và giàu trực khuẩn có lợi Doderline đã bảo vệ âm đạo một cách hoàn hảo. Môi trường axit không phù hợp cho sự phát triển của đa số vi khuẩn. Trực khuẩn Doderline đã cạnh tranh với những vi khuẩn gây bệnh và ức chế chúng. Ngược lại, các loại sản phẩm vệ sinh phụ nữ, hầu hết là kiềm tính. Vì vậy, bạn đã vô tình đã phá bỏ hàng rào bảo vệ tự thân. Hạn chế sử dụng các sản phẩm vệ sinh phụ nữ, đặc biệt là xà phòng, sữa tắm. Đơn giản, bạn chỉ cần dùng nước muối sinh lý hoặc nước ấm là đủ để vệ sinh hằng ngày.

1.3. Phương pháp vệ sinh phụ nữ

Điều nên tránh đầu tiên là thụt rửa âm đạo. Đây là một hành động phá vỡ độ pH và sự cân bằng trong âm đạo. Những thao tác này vô tình làm vi chấn thương phần kín, có thể dẫn đến nhiễm trùng nhanh hơn. Việc làm này là hoàn toàn không cần thiết.

Điều đó có nghĩa là, trong hầu hết các trường hợp, bạn cũng chỉ cần vệ sinh phần ngoài của âm đạo bằng nước ấm và dùng tay để vệ sinh. Nếu bạn không ngứa, đỏ da hoặc chảy máu, không có mùi hôi thì tức là âm đạo của bạn đang khỏe mạnh. Và bạn chỉ cần dùng tay sạch để vệ sinh.

Những lưu ý khi vệ sinh phụ nữ:

– Dùng nước xối nhẹ qua vùng kín từ trước ra sau, không dùng vòi xịt quá mạnh.

– Rửa từ trước ra sau, từ trong ra ngoài.

– Đáy chậu, hậu môn là nơi vệ sinh cuối cùng

– Không nên ngâm mình trong bồn tắm có nhiều xà phòng

– Thay quần lót ngay mỗi khi thấy ẩm ướt. Không nên mặc quần chật, mặc quần lót lọt khe, dạng dây. Sau khi thay, nên giặt quần lót ngay và phơi dưới ánh nắng mặt trời. Không nên giặt và ngâm chung với những đồ khác để tránh vi khuẩn sinh sôi. Nên chọn chất liệu quần lót mềm, co giãn tốt.

2. Vệ sinh trong những ngày kinh nguyệt

Những ngày hành kinh là những ngày nguy cơ nhiễm khuẩn cao nhất. Môi trường máu kinh là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Vì vậy, bạn cần chú ý hơn đến vùng kín trong những ngày này.

Nên chọn các loại băng vệ sinh mềm mại, mịn màng. Băng vệ sinh có mùi thơm là không cần thiết. Khi dùng băng vệ sinh thông thường, nên thay băng vệ sinh thường xuyên 4 giờ/lần.Với tam-pon, loại băng vệ sinh đặt trong âm đạo này nên thay sau 2 giờ/lần. Tam-pon chỉ nên sử dụng trong những ngày hành kinh đầu tiên. Nên hạn chế cùng tam-pon vì nguy cơ ứ đọng và nhiễm khuẩn cao hơn.

Thời gian để mỗi thế hệ vi khuẩn sinh sản là 6 giờ. Vì vậy, không được để lâu hơn thời gian qui định. Vì băng vệ sinh ẩm ướt là môi trường cho vi khuẩn sinh sôi, khả năng viêm nhiễm rất cao. Mỗi lần thay, cần rửa và lau khô vùng kín.

Hạn chế dùng băng vệ sinh hàng ngày, nhất là những loại băng vệ sinh có mùi thơm. Thói quen dùng băng vệ sinh hàng ngày sẽ làm bí bách vùng kín, các chất dịch càng tiết ra nhiều. Mùi thơm sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, thậm chí gây dị ứng. Bạn chỉ nên dùng băng hàng ngày những ngày đầu và ngày cuối kỳ kinh nguyệt.

3. Ý nghĩa của việc vệ sinh phụ nữ tốt

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vệ sinh phụ nữ là cách phòng bệnh viêm nhiễm phụ khoa tốt nhất. Không cho vi khuẩn gây bệnh có cơ hội phát triển là mục tiêu của việc vệ sinh phụ nữ. Đây là những công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ bạn; đồng thời cũng là cách phòng tránh các bệnh lý ác tính. Một yếu tố nguy cơ quan trọng của ung thư cổ tử cung là viêm nhiễm tái đi tái lại. Viêm nhiễm phụ khoa cũng là một nguy cơ của chửa ngoài tử cung, vô sinh…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top