Mọc răng là một quá trình sinh lý bình thường trong quá trình phát triển răng của trẻ, thường bắt đầu vào khoảng 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, thời điểm này có thể dao động giữa các trẻ, tùy thuộc vào yếu tố di truyền và đặc điểm phát triển cá nhân. Hai răng cửa giữa hàm dưới thường là những răng đầu tiên mọc lên.
Quan điểm cho rằng mọc răng gây sốt ở trẻ đã tồn tại từ lâu trong cộng đồng, tuy nhiên, hiện nay chưa có bằng chứng khoa học đáng tin cậy nào khẳng định mối liên quan nhân quả giữa mọc răng và sốt. Một số nghiên cứu cho thấy quá trình mọc răng có thể làm tăng nhẹ thân nhiệt (dưới 38°C), nhưng không đủ tiêu chuẩn để được xem là sốt thực sự. Nếu trẻ có biểu hiện sốt ≥ 38°C trong giai đoạn mọc răng, cần nghĩ đến khả năng mắc các bệnh lý khác, đặc biệt là nhiễm trùng.
Biểu hiện thường gặp khi trẻ mọc răng:
Tăng tiết nước bọt.
Phát ban quanh miệng do kích ứng bởi nước dãi.
Đau và sưng nướu.
Nhai hoặc mút đồ vật.
Khó chịu, dễ quấy khóc.
Rối loạn giấc ngủ nhẹ.
Lưu ý: Mọc răng không gây sốt, tiêu chảy, hăm tã hay chảy mũi. Những triệu chứng này nếu có cần được đánh giá kỹ lưỡng để loại trừ các nguyên nhân bệnh lý khác.
Triệu chứng sốt ở trẻ sơ sinh:
Nhiệt độ trực tràng ≥ 38°C.
Vã mồ hôi, run rẩy.
Bỏ bú, biếng ăn.
Cáu gắt, quấy khóc.
Mệt mỏi, ngủ nhiều hoặc lơ mơ.
Mất nước (khô môi, giảm số lần tiểu).
Đau nhức cơ thể.
Nguyên nhân thường gặp của sốt ở trẻ sơ sinh bao gồm: nhiễm virus, vi khuẩn, phản ứng sau tiêm chủng, say nóng hoặc các rối loạn miễn dịch.
Xoa nướu răng
Có thể làm dịu nướu bằng cách dùng ngón tay sạch, thìa lạnh hoặc gạc ẩm để massage nhẹ vùng lợi nơi răng sắp mọc. Cần đảm bảo vệ sinh tay và dụng cụ trước khi đưa vào miệng trẻ.
Sử dụng vòng ngậm mọc răng
Các vòng ngậm bằng silicone hoặc cao su đặc giúp trẻ giảm cảm giác khó chịu khi mọc răng. Có thể làm lạnh vòng ngậm trong tủ lạnh (không để trong ngăn đá) để tăng hiệu quả làm dịu. Tránh sử dụng vòng ngậm có chứa nước hoặc gel bên trong vì nguy cơ rò rỉ chất lỏng không đảm bảo an toàn.
Sử dụng thuốc giảm đau
Trong trường hợp trẻ có biểu hiện đau nhiều hoặc kích thích, có thể cân nhắc sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen sau khi được bác sĩ nhi khoa thăm khám và chỉ định. Không nên tự ý sử dụng thuốc kéo dài hoặc liều cao.
Bù nước: Đảm bảo cung cấp đủ dịch bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức. Nếu trẻ có dấu hiệu mất nước hoặc không dung nạp được, có thể sử dụng dung dịch bù nước đường – điện giải dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Cho trẻ nghỉ ngơi: Giúp phục hồi sức khỏe và giảm tình trạng kích thích.
Làm mát cơ thể: Cho trẻ mặc đồ mỏng, thoáng, lau người bằng nước ấm, đặt khăn mát lên trán.
Sử dụng thuốc hạ sốt: Có thể sử dụng paracetamol hoặc ibuprofen liều phù hợp theo cân nặng, sau khi được bác sĩ xác định cần thiết.
Sốt ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng tuổi, luôn được coi là dấu hiệu cần theo dõi sát và khám kịp thời. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu có các biểu hiện sau:
Trẻ < 3 tháng tuổi sốt ≥ 38°C.
Trẻ từ 3 tháng đến 2 tuổi có sốt > 40°C hoặc kéo dài > 24 giờ.
Kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm sau:
Lơ mơ, ngủ gà, khó đánh thức.
Co giật.
Cứng gáy.
Phát ban lan rộng.
Đau dữ dội.
Nôn ói liên tục, không bú được.
Dấu hiệu mất nước nặng.
Trẻ có bệnh lý nền suy giảm miễn dịch hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (như corticoid).
Mọc răng là một phần bình thường trong quá trình phát triển của trẻ, có thể gây khó chịu và rối loạn nhẹ về giấc ngủ hoặc hành vi. Tuy nhiên, quá trình này không gây sốt thật sự. Khi trẻ có biểu hiện sốt, đặc biệt sốt cao hoặc kéo dài, cần được đánh giá đầy đủ để loại trừ các nguyên nhân bệnh lý khác. Việc hiểu rõ và phân biệt các triệu chứng mọc răng và biểu hiện bệnh lý giúp cha mẹ chủ động trong chăm sóc trẻ và tìm kiếm hỗ trợ y tế khi cần thiết.