Hệ thống tiền đình là một cơ quan cảm giác nằm ở tai trong góp phần tạo ra cảm giác cử động và thăng bằng của cơ thể. Nó nằm ở phần mỏm của xương thái dương và được kết nối chặt chẽ với ống bán nguyệt và ốc tai để tạo thành mê cung xương tai trong.
Rối loạn tiền đình là biểu hiện lâm sàng của tổn thương hệ thống tiền đình cơ thể. Căn bệnh thường biểu hiện qua triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng khi di chuyển… Đôi khi người bệnh cũng có thể gặp vấn đề về thị lực và thính giác.
Rối loạn chức năng tiền đình có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở độ tuổi trung niên và người già. Căn bệnh bao gồm:
– Rối loạn tiền đình có nguồn gốc ngoại biên: Vùng tai trong tiền đình bị tổn thương. Triệu chứng thường gặp là chóng mặt, choáng váng, mất thăng bằng…
– Rối loạn tiền đình có nguồn gốc trung ương: Nhân tiền đình ở thân não, tiểu não bị tổn thương. Căn bệnh này khá ít gặp, nhưng nguy hiểm hơn nhiều.
Các dấu hiệu nhận biết chứng rối loạn chức năng hệ thống tiền đình rất đa dạng. Triệu chứng ở mức độ nhẹ, có lẽ chỉ kéo dài vài giây hoặc vài phút, đến nghiêm trọng đưa tới nhiều hậu quả về sức khỏe. Không phải bệnh nhân nào cũng gặp tất cả các triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình bài viết nêu dưới đây. Bởi mỗi người sẽ có các biểu hiện khác nhau hoặc gặp các dấu hiệu khác.
Rung giật nhãn cầu là một chuyển động không tự chủ của nhãn cầu. Rung giật nhãn cầu tiền đình bao gồm các cử động nhanh chậm xen kẽ. Giai đoạn chậm là chuyển động chậm của nhãn cầu theo một hướng nhất định. Nguyên nhân là do kích thích tiền đình. Giai đoạn nhanh là chuyển động quay trở lại nhanh chóng của nhãn cầu, là chuyển động điều chỉnh trung tâm.
Giai đoạn chậm của chuyển động mắt hướng về phía có khả năng hưng phấn tiền đình thấp hơn và giai đoạn nhanh về phía có khả năng kích thích tiền đình cao hơn. Vì pha nhanh dễ quan sát nên hướng chỉ của pha nhanh thường được bác sĩ lấy làm hướng rung giật nhãn cầu.
Chóng mặt là do hệ thống tiền đình ngoại biên hoặc trung ương bị tổn thương. Chóng mặt thường xảy ra đột ngột và kéo dài dưới 1 phút.
Người bệnh có cảm giác quay tròn hoặc quay cuồng, ảo tưởng thế giới đang chuyển động. Một số người lại có biểu hiện lâng lâng, kèm buồn nôn, nôn ói. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể cố gắng đứng dậy được nhưng mất thăng bằng, dễ ngã. Nếu nặng thì người bệnh cảm thấy lao đao, ngồi dậy khó khăn, không thể bước đi và ngã.
Người bệnh rối loạn tiền đình rất hay gặp tình trạng khó giữ thăng bằng, mất định hướng, đi lại loạng choạng. Một số biểu hiện bao gồm:
– Xây xẩm mặt mày, choáng váng, khó giữ thăng bằng khi thay đổi tư thế
– Đi lại dễ vấp ngã, chao đảo, khó đi thẳng, đầu có thể nghiêng sang một bên
– Khi đứng phải tựa, khi ngồi có thể phải giữ đầu
– Đi lại khó khăn khi trời tối
– Người mệt, huyết áp thấp, mạch nhanh
Nghiêng đầu là tình trạng mất trương lực cơ phản trọng lực ở một bên cổ, thường là do rối loạn chức năng tiền đình một bên. Kết quả là đầu nghiêng về phía mất trương lực cơ. Trường hợp có tổn thương tiền đình ngoại biên, đầu nghiêng về phía tổn thương. Ví dụ, bệnh tai trong bên trái (tức là viêm tai giữa) gây nghiêng đầu trái.
Tổn thương tiền đình trung ương một bên có thể gây nghiêng đầu sang hai bên. Tổn thương tiền đình hai bên thường không gây nghiêng đầu; tuy nhiên, do mất trương lực cơ chống trọng lực ở cả hai bên, người bệnh bị ảnh hưởng có thể không giữ được cổ ở vị trí bình thường.
Người bệnh rối loạn chức năng tiền đình có thể gặp một số biểu hiện rối loạn tuần hoàn tai như:
– Nghe khó, nghe không rõ, giảm thính lực
– Ù tai hoặc như có tiếng vo ve, tiếng ồn trong tai
– Nhạy cảm với âm thanh lớn. Khi gặp âm thanh to đột ngột có thể bị chóng mặt, loạng choạng
– Đau nhức tai, đau đầu, nói lắp
Người bệnh rối loạn chức năng tiền đình có thể gặp một số biểu hiện rối loạn thị giác bao gồm:
– Nhạy cảm với ánh sáng chói như ở đèn ô tô, màn hình máy tính…
– Gặp tình trạng quáng gà và khó đi lại nơi trời tối
– Mỏi mắt, nhìn mờ, hoa mắt và không nhìn rõ nét
– Mắt khó chịu khi nhìn vào không gian đông đúc như đường nhiều xe, đám đông,…
– Có xu hướng tập trung vào các đối tượng gần vì mắt sẽ căng thẳng và khó chịu khi tập trung ở khoảng cách xa.
Bệnh rối loạn tiền đình có thể làm người bệnh giảm khả năng chú ý, khó tập trung và tư duy kém:
– Dễ bị phân tâm
– Hay quên và khó nhớ lại việc vừa làm
– Nhầm lẫn, tư duy kém hoặc mất phương hướng
– Khó tập trung, khó hiểu cuộc nói chuyện nhất là khi có tiếng ồn lớn
– Cơ thể mệt mỏi, uể oải
Ngoài các triệu chứng thường gặp nói trên, người bệnh rối loạn thăng bằng tiền đình có thể gặp các dấu hiệu khác (nhưng ít xảy ra)như sau:
– Bệnh tiêu chảy
– Rối loạn nhịp tim
– Nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng mạnh
– Ngất xỉu, mất ý thức
– Lo lắng, bồn chồn và trầm cảm
– Hay phiền muộn
Việc đánh giá chẩn đoán các hội chứng rối loạn tiền đình được bác sĩ dựa trên tiền sử bệnh nhân và khám lâm sàng hệ thống tiền đình, vận động mắt và tiểu não. Dựa vào kết quả kiểm tra, bác sĩ có thể chỉ định thêm một vài xét nghiệm chẩn đoán để đánh giá chức năng hệ thống tiền đình của người bệnh. Đồng thời loại trừ các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng tương tự. Một số xét nghiệm chẩn đoán rối loạn tiền đình bác sĩ có thể chỉ định là:
– Kiểm tra thính giác, ghi điện thế khêu gợi thính giác, đo âm ốc tai
– Kiểm tra thị lực, ghi biểu đồ rung giật nhãn cầu
– Xét nghiệm máu
– Xét nghiệm xoay vòng để đánh giá sự hoạt động của mắt và tai
– Kiểm tra hình ảnh đầu và não bằng kỹ thuật chụp CT sọ não, CLVT sọ não xem có tổn thương không: áp xe não, u não…
– Kiểm tra lâm sàng về sự cân bằng
– Chụp X quang cột sống cổ
– Siêu âm Doppler động mạch cảnh, đốt sống tìm hiểu xem có mảng xơ vữa, hẹp mạch, bóc tách động mạch, tắc mạch…
Tóm lại, các triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình có thể cản trở các hoạt động thường ngày của người bệnh. Vì vậy, khi nhận thấy bản thân có những dấu hiệu nghi ngờ nêu trên, bạn nên tới thăm khám bác sĩ chuyên khoa Nội Thần kinh càng sớm càng tốt để điều trị bệnh hiệu quả.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh