Thay khớp háng là thủ thuật thường gặp trong điều trị ngoại khoa. Phương pháp này không áp dụng đối với toàn bộ bệnh nhân mà chỉ được thực hiện trong một vài trường hợp nhất định. Bên cạnh đó, nhiều người trước khi thực hiện phẫu thuật thường thắc mắc không biết thay khớp háng loại nào tốt? Cùng tìm lời giải đáp cho vấn đề này qua bài viết dưới đây.
1. Tổng quan về khớp háng
Khớp háng là phần khớp nằm ở giữa xương đùi và xương chậu. Nó được cấu tạo bởi 2 phần đó là chỏm xương đùi hình cầu và ổ cối của xương chậu.
Vì là phần khớp nằm ở sâu bên trong cơ thể, được che phủ bởi nhiều lớp cơ nên chúng ta khó có thể cảm nhận khớp háng bằng việc sờ nắn thông thường. Do đó những tổn thương thương ở bộ phận này thường khó nhận biết và dễ bị nhầm lẫn với tổn thương tại vùng thắt lưng và xương chậu.
Theo thời gian, các lớp sụn tại bề mặt khớp sẽ bị bào mòn gây nên căn bệnh thoái hóa khớp. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi hoặc người gặp di chứng sau các chấn thương. Ngoài ra, bệnh viêm khớp cũng có thể gây nên tình trạng đau, làm biến đổi cấu trúc khớp thậm chí dẫn tới tàn phế và khiến bệnh nhân không thể đi lại nếu không điều trị đúng cách.
2. Phương pháp thay khớp háng là gì?
Phẫu thuật thay khớp háng là quy trình bác sĩ thực hiện cắt bỏ khớp háng bị đau do tổn thương bệnh lý và thay thế bằng khớp háng nhân tạo.Thông thường, phương pháp phẫu thuật này được chỉ định khi bệnh nhân có tổn thương ở khớp háng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, học tập và lao động của họ.
Tại Việt Nam, kỹ thuật này có khoảng hơn 40 năm ứng dụng và phát triển, đến nay đã có hàng ngàn trường hợp được thay khớp thành công trong mỗi năm. Phương pháp phẫu thuật này giúp mở ra cho người bệnh cơ hội thoát khỏi các cơn đau xương khớp dai dẳng và hồi sinh vận động.
Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật khó thực hiện nên chỉ có tại những bệnh viện lớn, với đội ngũ chuyên gia giỏi cùng thiết bị hỗ trợ chuyên nghiệp mới có thể đủ điều kiện thực hiện thành công ca mổ.
3. Khi nào bệnh nhân nên thực hiện thay khớp háng?
Thay khớp háng là thủ thuật trong việc điều trị ngoại khoa. Thủ thuật này thường được chỉ định khi tình trạng bệnh không đáp ứng với phương pháp điều trị nội khoa và khả năng vận động của người bệnh bị ảnh hưởng xấu nghiêm trọng. Nhìn chung, phẫu thuật thay khớp háng chỉ được thực hiện khi bệnh nhân không còn biện pháp điều trị nào khác.
Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
– Người mắc bệnh viêm ở khớp háng.
– Người bị thoái hóa khớp háng.
– Người bị hoại tử vô khuẩn ở chỏm xương đùi.
– Người bị loạn sản xương hông.
– Người bị viêm khớp mủ.
– Người bị trật khớp nặng.
– Người bị dính khớp.
Ngoài ra, phẫu thuật thay khớp háng còn được chỉ định khi các thủ thuật tái tạo khớp háng đã được tiến hành nhưng không mang lại kết quả như mong đợi.
4. Người bệnh nên thay khớp háng loại nào tốt và phù hợp?
Có nhiều loại khớp háng khác nhau và mỗi loại sẽ có các đặc điểm riêng biệt. Do đó, người bệnh cần nắm bắt được đặc điểm của từng loại để biết được thay khớp háng loại nào tốt và phù hợp cho mình dưới sự tư vấn của bác sĩ.
4.1. Thay khớp háng bán phần và thay khớp hàng toàn phần
Nếu chỉ thực hiện thay ở chỏm xương đùi, thủ thuật này sẽ được gọi là thay khớp háng bán phần. Thay khớp háng bán phần thường được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân bị hoại tử chỏm xương đùi.
Ngược lại, thay khớp háng toàn phần là thủ thuật bác sĩ tiến hành thay cả chỏm xương đùi và ổ cối bằng bộ phận nhân tạo. Bệnh nhân được chỉ định phương pháp này khi toàn bộ khớp háng bị hư tổn nặng nề và không còn khả năng phục hồi lại.
4.2. Loại khớp háng có xi măng hoặc không có xi măng
Xi măng là chất kết dính nhằm giúp tăng sự liên kết giữa khớp nhân tạo với phần xương của bệnh nhân. Phương pháp thay khớp háng bán phần và toàn phần đều có thể sử dụng hoặc không sử dụng chất liệu này.
Khớp háng có xi măng thường được dùng cho các bệnh nhân cao tuổi, khi mật độ xương thấp và khả năng hồi phục của xương kém đi.
Đối với người trẻ tuổi, khả năng phục hồi và mật độ xương cao hơn. Do đó, các tế bào xương có thể mọc nhanh hơn và bám chặt lấy phần khớp nhân tạo. Vì vậy, hầu hết người trẻ khi thực hiện phẫu thuật thay khớp háng đều được khuyến khích nên sử dụng loại khớp không có xi măng.
4.3. Muốn biết thay khớp háng loại nào tốt nên cân nhắc đến yếu tố chất liệu
Trước đây, khớp háng nhân tạo thường cấu tạo từ chỏm kim loại và ổ cối bằng chất nhựa. Tuy nhiên, hai loại vật liệu này có khả năng bị mài mòn cao nên thường có tuổi thọ khá ngắn. Ngày nay, chất lượng nhựa và kim loại đã được cải tiến hơn nhằm giúp kéo dài tuổi thọ của khớp háng nhân tạo.
Nhiều nhà khoa học từng có ý định sẽ thay thế cả hai bộ phận này bằng chất liệu kim loại. Tuy nhiên, khi ổ cối và chỏm kim loại ma sát có thể gây hiện tượng giải phóng ion kim loại vào máu. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nên hiện nay chất liệu này không còn được áp dụng.
Bên cạnh đó, một số khớp nhân tạo đều được cấu tạo hoàn toàn từ chất liệu gốm (ceramic) với khả năng chống mài mòn cao.
Như vậy, người bệnh nên dựa vào tuổi tác và nhu cầu vận động để lựa chọn được chất liệu khớp háng. Đặc biệt, để dễ dàng và an toàn hơn trong việc lựa chọn, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ nhằm xác định được nên thay khớp háng loại nào tốt nhất cho mình.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh