Tủy xương là mô xốp nằm bên trong một số xương của cơ thể, bao gồm xương hông và xương đùi. Tủy xương có chứa những tế bào chưa trưởng thành gọi là tế bào gốc. Con người cần tủy xương khỏe mạnh và các tế bào máu để sống. Khi một tình trạng hoặc bệnh lý ảnh hưởng đến tủy xương làm chức năng không còn hoạt động hiệu quả, cấy tủy hoặc cấy tế bào máu cuống rốn có thể là lựa chọn điều trị tốt nhất. Đối với một số người, phương pháp này là lựa chọn điều trị duy nhất.
Hiến tủy
Có hai hình thức chính của hiến tủy.
Hình thức đầu tiên bao gồm việc lấy tủy xương từ phần sau xương chậu.
Hình thức thứ hai, thường gặp hơn, là hiến tế bào gốc máu ngoại vi. Hình thức này liên quan tới gạn tách tế bào gốc trực tiếp từ máu. Những tế bào gốc từ máu ngoại vi, chứ không phải bản thân tủy xương, là cần thiết cho việc điều trị ung thư máu và những bệnh lý khác.
Khi một cá nhân tham gia đăng ký hiến tủy, họ đang đồng ý hiến tủy dưới bất kỳ hình thức nào mà nhân viên y tế cho là phù hợp.
Nguy cơ đối với một người hiến tủy là rất thấp. Hơn 98,5% người hiến tủy hồi phục hoàn toàn sau quá trình hiến tặng. Với việc hiến tủy, nguy cơ chủ yếu bao gồm việc sử dụng thuốc tê hoặc thuốc mê trong quá trình.
Với hiến tế bào gốc máu ngoại vi, bản thân quy trình – liên quan tới việc gạn tách máu bằng máy móc – không nguy hiểm.
Tùy vào chủng tộc của một người, khả năng tìm được một người hiến tủy phù hợp dao động từ 23-77%.
Mặc dù 77% người da trắng tại Mỹ có thể tìm được người hiến tủy phù hợp, điều này chỉ đạt được 23% ở người da đen. Đối với những người đa chủng tộc, tỉ lệ này chỉ còn 4%, bởi sự kết hợp của những yếu tố di truyền trở nên phức tạp hơn.
Vẫn còn tồn tại nhu cầu cấp thiết về những người hiến tủy. Một số nhà nghiên cứu đang kêu gọi “cần sự cố gắng hơn nữa” để vượt qua những giới hạn hiện hữu.
Ai có thể hiến tủy?
Những gì liệt kê sau đây là những hướng dẫn chung cho việc hiến tủy được đề nghị bởi Chương trình Người hiến tủy Quốc gia của Mỹ.
Hướng dẫn hướng tới việc bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của cả người hiến tủy và người nhận. Người hiến tủy nên liên lạc với trung tâm tại địa phương để biết thêm chi tiết và để trao đổi thêm về quá trình hiến tủy với đội ngũ y tế.
- Để được nằm trong danh sách đăng ký, những người có khả năng hiến tủy phải khỏe mạnh và trong độ tuổi 18-60 tuổi.
- Nếu phù hợp với một người cần ghép tủy, người hiến tủy cần trải qua một đợt khám sức khỏe và không bị nhiễm trùng trước khi hiến tủy.
- Những người đang sử dụng thuốc vẫn có thể hiến tủy, nếu đảm bảo những người này khỏe mạnh và những bệnh lý hiện có đang được kiểm soát vào lúc hiến tủy.
Những loại thuốc được chấp nhận bao gồm:
- Thuốc tránh thai
- Thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp
- Thuốc kháng histamine
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc nhỏ mắt được kê toa
- Thuốc bôi ngoài da, như các loại kem bôi da
Thuốc chống lo âu và thuốc chống trầm cảm được chấp nhận nếu như tình trạng bệnh đang được kiểm soát.
Hiến tủy không được chấp nhận khi:
- Đang trong thai kỳ
- Bởi những người đang sử dụng thuốc tiêm đường tĩnh mạch không kê đơn
- Nếu người hiến đã từng có xét nghiệm máu dương tính với viêm gan siêu vi B hoặc viêm gan siêu vi C
- Bởi những người có những bệnh lý nhất định, như đa số bệnh ung thư và một số bệnh lý tim mạch
Người có bệnh Lyme, bệnh sốt rét, hoặc xăm hình hay xỏ khuyên gần đây nên đợi ít nhất một năm trước khi hiến tủy.
Nhân viên y tế xác định được sự phù hợp của tủy bằng cách nào?
Sau khi đăng ký hiến tủy, người hiến sẽ trải qua xét nghiệm phân loại hệ thống kháng nguyên bạch cầu ở người (HLA), nhân viên y tế sử dụng để tìm những cá nhân phù hợp với người có khả năng hiến tủy.
Nhân viên y tế khi đó sẽ nhập loại HLA vào kho dữ liệu của những người có khả năng hiến tủy, và tìm kiếm trong danh sách đăng ký để cố gắng chọn ra người thích hợp.
Nhân viên y tế so sánh các protein trong các tế bào máu để xem sự tương đồng với những protein của người nhận. Sau đó sẽ liên lạc với người có khả năng hiến tủy nếu như phù hợp.
Sự tương đồng giữa loại mô người hiến tủy và cá nhân người nhận càng nhiều, khả năng cơ thể người nhận chấp nhận quá trình ghép tủy càng cao.
Chuyện gì xảy ra khi hiến tủy?
Người hiến tế bào gốc tạo máu trải qua các xét nghiệm sau đây:
- Khai thác tiền sử và thăm khám lâm sàng
- Xét nghiệm creatinine máu, điện giải đồ, và chức năng gan
- Xét nghiệm huyết thanh dành cho:
- Cytomegalovirus (CMV)
- Virus Herpes
- HIV ARN
- Kháng thể anti-HIV
- Virus viêm gan siêu vi B và C
- Virus bạch huyết tế bào T ở người-1/2
- Giang mai (VDRL)
- Nhóm máu ABO
- Phân loại HLA
- X-quang ngực
- Điện tâm đồ
Ở hiến tủy tự thân, xét nghiệm CMV và VDRL không cần thiết thực hiện.
Hiến tế bào gốc máu ngoại vi
Trước khi một người có thể hiến tế bào gốc máu ngoại vi, thường phải tiêm loại thuốc có tên gọi là filgrastim mỗi ngày trong vòng 5 ngày trước khi thực hiện quá trình hiến tặng. Loại thuốc này kéo tế bào gốc từ tủy xương ra, nên người hiến tủy sẽ có nhiều tế bào gốc tuần hoàn trong cơ thể hơn.
Hiến tế bào gốc máu ngoại vi bao gồm một quy trình gọi là gạn tách. Đây là khi một nhân viên y tế lấy máu từ cơ thể bằng một ống thông đưa vào một cánh tay. Máu sẽ đi qua một cỗ máy, có chức năng lọc các tế bào gốc, cùng với tiểu cầu và các tế bào bạch cầu. Lượng máu còn lại, bao gồm chủ yếu là huyết tương và các tế bào hồng cầu, được trả ngược về cơ thể người hiến thông qua tĩnh mạch ở tay còn lại.
Quá trình này hoàn toàn không đau đớn và tương tự như hiến huyết tương. Đa số những quá trình hiến tế bào gốc máu ngoại vi có thể diễn ra trong một buổi gạn tách có khả năng kéo dài 8 giờ đồng hồ. Khoảng 10% quá trình hiến tế bào gốc máu ngoại vi cần hai buổi gạn tách, mỗi buổi kéo dài 4-6 giờ đồng hồ.
Hiến tế bào gốc máu ngoại vi không yêu cầu gây tê hoặc gây mê.
Tiêm filgrastim trước khi hiến tủy có thể gây những phản ứng sau trong vòng vài ngày:
- Đau nhức xương và cơ
- Đau đầu
- Mệt mỏi
- Buồn nôn
- Nôn ói
- Khó ngủ
Tuy nhiên, những tác dụng phụ này thường sẽ kết thúc sau khi thực hiện hiến tủy.
Đa số người hiến tế bào gốc máu ngoại vi hồi phục hoàn toàn trong vòng 7-10 ngày sau khi hiến tủy.
Hiến tủy xương
Nếu một người hiến tủy thay vì hiến tế bào gốc máu ngoại vi, không cần phải tiêm filgrastim. Hiến tủy là một quy trình phẫu thuật được thực hiện trong phòng mổ. Quy trình này yêu cầu gây tê hoặc gây mê, và vì vậy, hoàn toàn không đau đớn. Toàn bộ quy trình kéo dài 1-2 giờ đồng hồ.
Trong khoảng 96% trường hợp, người hiến tủy tiếp nhận gây mê toàn thân, nghĩa là họ sẽ mất ý thức trong suốt quy trình. Ở một số ít trường hợp, họ tiếp nhận gây tê vùng, nghĩa là làm mất cảm giác vùng nhân viên y tế thực hiện thủ thuật lấy tủy xương. Ở trường hợp này, người hiến tủy tỉnh táo trong suốt quy trình.
Người hiến tủy nằm sấp. Phẫu thuật viên sẽ rạch da khoảng 1,27cm chiều dài ở hai xương chậu. Sau đó sẽ đưa vào những cây kim rỗng đặc biệt vào trong xương, để rút dịch tủy. Việc rạch da thường không cần khâu.
Sau quy trình, người hiến tủy nằm ở trong phòng hồi sức cho tới khi có lại ý thức. Một khi có lại khả năng ăn, uống, và đi lại, sẽ được rời khỏi khu phòng.
Hồi phục
Sau khi hiến tủy, thời gian hồi phục trung bình là 20 ngày. Tủy xương tự thay thế lượng tủy mất trong vòng 4-6 tuần.
Người hiến tủy thường sẽ cảm thấy:
- Đau đầu
- Mệt mỏi
- Đau cơ
- Đau lưng hoặc hông
- Bầm da ở vùng vết rạch
- Khó khăn trong đi lại
Những triệu chứng này có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần.
Người hiến tế bào gốc máu ngoại vi ít khi cảm thấy những tác dụng phụ sau khi hiến tặng, ngoại trừ bầm da ở nơi đưa kim vào. Thời gian hồi phục gần như là ngay lập tức.
Kết quả
Kết quả của một cuộc ghép tủy phụ thuộc vào:
- Loại ghép tủy
- Độ phù hợp của các tế bào với nhau
- Loại bệnh lý của người nhận tủy
- Độ tuổi và tình trạng sức khỏe chung của người nhận tủy
- Loại và liều hóa trị hoặc xạ trị đã tiếp nhận trước khi ghép tủy
- Bất cứ biến chứng nào có xuất hiện
Một người có bệnh lý ổn định hoặc đang thoái lùi có khả năng đạt kết quả tốt cao hơn người ghép tủy ở giai đoạn muộn hoặc bệnh tái phát. Tuổi đời còn trẻ lúc thực hiện ghép tủy cũng giúp tăng khả năng thành công.
Ghép tủy cho bệnh lý không ác tính có xu hướng cho kết quả tốt hơn. Ví dụ, cho bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, tỉ lệ sống sót chung sau 1 năm là 94-97% nếu người hiến tủy là người chung huyết thống hoặc anh/chị/em phù hợp, hoặc 83% nếu người hiến tủy không có quan hệ huyết thống. Tỉ lệ sống sót chung sau 3 năm là 89-95% đối với ghép tủy từ người chung huyết thống, hoặc 77% nếu người ghép tủy không chung huyết thống.
Người nhận tủy có bệnh bạch cầu cấp đang thoái lui lúc thực hiện ghép tủy có tỉ lệ sống sót chung sau 1 năm là 69-75% nếu người hiến tủy chung huyết thống, hoặc 68% nếu người hiến tủy không chung huyết thống. Tỉ lệ sống sót chung sau 3 năm là 49-58% đối với ghép tủy từ người chung huyết thống, hoặc 53% nếu người hiến tủy không chung huyết thống.
Trong những năm gần đây, biến chứng như nhiễm trùng và bệnh lý sau ghép tủy có giảm. Điều này đồng nghĩa rằng nguy cơ tử vong đối với người nhận ghép tủy giảm hơn 20% trong khoảng năm 2003-2007 và 2013-2017, dựa theo một phân tích năm 2020.
Một cuộc ghép tủy có thể chữa khỏi hoàn toàn hoặc chữa khỏi một phần một bệnh lý. Nếu cuộc ghép tủy thành công, người nhận ghép tủy có thể trở lại thực hiện đa số hoạt động thường ngày ngay khi họ cảm thấy đủ khỏe. Hồi phục hoàn toàn thường mất một năm.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh