Hội chứng mông chết: “Nỗi ám ảnh của dân văn phòng” - đó là gì?

Nội dung

Hội chứng mông chết là gì?

Hội chứng mông chết (Dead Butt syndrome hay DBS) là thuật ngữ y khoa nói về tập hợp gồm nhiều triệu chứng do tình trạng viêm gân cơ mông gây ra, xuất hiện ở người thường xuyên ngồi quá lâu một chỗ.

Tập hợp các triệu chứng này còn có tên gọi khác là hội chứng hay quên cơ mông. Cơ mông lúc này đã giảm phản ứng, rơi vào trạng thái tê liệt nên đã giảm khả năng hỗ trợ xương chậu và giữ cơ thể ở tư thế thẳng.

 

Dấu hiệu

Khi gân cơ mông bị viêm thì sẽ xuất hiện các triệu chứng liên quan đến rối loạn cảm giác và suy giảm chức năng bao gồm:

  • Cảm giác đau, mỏi, tê là triệu chứng của bệnh gân cơ mông. Ngứa ran, châm chích, thường là triệu chứng của tổn thương thần kinh, tuy nhiên tổn thương nhóm thần kinh thẹn qua cơ mông lại thường biểu hiện rối loạn sinh dục, tiểu tiện.
  • Nếu nghiêm trọng hơn, viêm gân cơ mông có thể làm cứng cơ và gây đau lan rộng đến hông, thắt lưng, đùi.
  • Tư thế vẹo khi ngồi, đứng hoặc đi dáng bị mất cân đối do cơ mông yếu đi và "quên mất" chức năng của mình. Đây còn được gọi là dấu hiệu Trendelenburg - khó giữ cân bằng khung chậu khi đứng một chân.
  • Dấu hiệu viêm bao hoạt dịch khớp háng do hậu quả của hội chứng mông chết: đau nhức, sưng quanh khớp háng.

 

Cách chẩn đoán

  • Tự quan sát triệu chứng hằng ngày: bạn có thể tự để ý xem mình có bất kỳ triệu chứng bất thường nào khi ngồi, đi lại như đã đề cập ở trên hay không.
  • Bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh, triệu chứng: việc khai thác tiền sử, triệu chứng kết hợp các nghiệm pháp kiểm tra tình trạng cơ xương khớp như nghiệm pháp Trendelenburg có thể giúp bác sĩ định hướng bệnh và chỉ định các xét nghiệm khác cho bạn.
  • Hình ảnh học: bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang hoặc MRI để loại trừ những bệnh khác khi chẩn đoán hội chứng DBS của bạn chưa rõ ràng.

 

Bệnh nhân có hội chứng mông chết thường dương tính với nghiệm pháp Trendelenburg

 

Các phương pháp chữa hội chứng mông chết

Tuân theo hướng dẫn của bác sĩ

Đầu tiên phải đánh giá các cấu trúc lân cận, loại trừ khả năng có tổn thương thần kinh, gân cơ lân cận kèm theo.

Tiếp theo, ngoài việc sử dụng thuốc giảm đau thông thường, tránh ngồi lâu cũng như tránh những tư thế kích thích triệu chứng đau, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân một số bài tập với cường độ tăng dần, bệnh nhân có thể tùy ý điều chỉnh cường độ sao cho vừa đủ khả năng chịu đựng của mình (một số bài tập như Glute bridge, Crab Walk...)

Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân tập luyện nghiêm túc, liên tục trong vòng 6 - 12 tháng, tốt nhất là đến cơ sở vật lý trị liệu để được giám sát nghiêm túc. Sau đó nếu còn triệu chứng, bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số cận lâm sàng để tầm soát bệnh hệ thống, bệnh tự miễn.

Vật lý trị liệu

Trong trường hợp bệnh nghiêm trọng hơn, phương pháp vật lý trị liệu hay xoa bóp có thể giúp ích cho bạn để giảm nhẹ triệu chứng và tăng sức mạnh của cơ mông. Phương pháp này đặc biệt phù với những vận động viên khi gặp phải chấn thương.

Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)

Phương pháp này sử dụng khi bị chấn thương gây nên tổn thương nặng tại vùng mông. Tốt nhất là sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu tự thân để tránh các phản ứng dị ứng.

Lượng huyết tương giàu tiểu cầu được tiêm trực tiếp vào nơi tổn thương để giúp đẩy nhanh quá trình lành vết thương.

Tuy nhiên, phương pháp này vẫn còn thiếu nhiều nghiên cứu diện rộng và chưa được chuẩn hóa phương pháp, liều lượng.

Sử dụng thuốc

Bạn có thể sử dụng thuốc để hỗ trợ giảm đau với các thuốc giảm đau không cần kê đơn như paracetamol, ibuprofen. Thuốc này chỉ có tác dụng đối với những cơn đau ở mức độ nhẹ đến vừa.

Lưu ý, khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cũng cần phải có sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ, không được tự ý sử dụng vì có thể gây ra các tác dụng phụ hoặc biến chứng nguy hiểm.

return to top