Viêm khớp là tình trạng khi sụn trong khớp bị mòn đi và các xương cọ xát với nhau. Điều nay gây tổn thương, đau và viêm ở khớp. Viêm khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào, kể cả ở ngón tay cái.
Viêm khớp ngón cái thường khởi phát sau độ tuổi 50 và thường gặp ở nữ hơn ở nam. Bác sĩ có thể gọi tình trạng này là “viêm khớp gốc ngón cái”.
Viêm khớp ngón cái có thể rất đau và nhiều phương pháp điều trị và kĩ thuật có thể giúp giảm triệu chứng và cải thiện chức năng của khớp.
Viêm khớp ngón cái là gì?
Viêm khớp ngón cái xảy ra ở khớp ngay tại gốc ngón cái. Tình trạng này thường là một loại viêm xương khớp, là kết quả của sự mài mòn dần ở khớp.
Ở một khớp điển hình, mô dai chắc được gọi là sụn bao phủ các đầu của xương đối diện. Sụn khớp đệm vào hai đầu xương, ngăn cản lực ma sát trong quá trình vận động.
Ở những người bị viêm khớp ngón cái, sụn khớp bị mòn đi. Không có rào cản nào ở giữa, hai đầu xương sẽ cọ xát vào nhau.
Khi xương cọ xát với nhau, chúng tạo ra ma sát và làm tổn thương khớp, gây đau, viêm và các triệu chứng khác.
Triệu chứng
Triệu chứng đầu tiên của viêm khớp ngón cái thường là đau tại gốc ngón cái. Cơn đau có thể xảy ra khi bạn nắm chặt hoặc cầm nắm một vật hoặc dùng ngón cái tác động lực.
Những triệu chứng khác của viêm khớp ngón cái gồm:
- Sưng tại vùng gốc ngón cái;
- Đau nhức, khó chịu hoặc đau tại vùng gốc;
- Hạn chế vận động ở khớp;
- Vùng gốc có vẻ như mở rộng hoặc trông giống như trơ xương;
- Mất sức mạnh ở khớp ngón tay cái.
Những triệu chứng có thể có nhiều mức độ. Ban đầu triệu chứng chỉ nhẹ và nặng dần theo thời gian, đặc biệt nếu như không được điều trị.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm xương khớp là nguyên nhân của hầu hết cái trường hợp viêm khớp ở ngón cái. Điều này có nghĩa là vấn đề bắt đầu từ sự thoái hóa sụn khớp dần dần.
Viêm khớp ngón cái thường xảy ra như một phần của quá trình lão hóa và hay gặp ở người trưởng thành sau 50 tuổi. Những người đã từng bị gãy xương hay chấn thương khác ở vùng khớp ngón cái có thể dễ bị viêm khớp ngón cái hơn.
Những yếu tố khác làm tăng nguy cơ viêm khớp ngón cái gồm:
- Béo phì;
- Sở thích hoặc công việc gây áp lực lên khớp ngón cái;
- Làm việc máy tính trong thời gian kéo dài;
- Các bệnh ảnh hưởng đến sụn khớp, như viêm khớp dạng thấp.
Chẩn đoán
Trước khi chẩn đoán viêm khớp ngón cái, bác sĩ thường kiểm tra khớp và đánh giá:
- Mức độ đau hiện tại;
- Vận động nào gây đau nhiều hơn;
- Có chấn thương trước đó không.
Bác sĩ cũng có thể thực hiện các bài kiểm tra đơn giản, chẳng hạn như giữ khớp trong khi bạn di chuyển ngón cái để kiểm tra phạm vi vận động. Trong lúc thực hiện, bác sĩ có thể nghe hoặc cảm nhận âm thanh hoặc cảm giác chà xát, ken két. Điều này có thể cho thấy xương đang cọ xát với nhau.
Bác sĩ cũng có thể đánh giá liệu khớp có ấm hơn vùng mô xung quanh không, mềm hay mở rộng.
Nếu bác sĩ nghi ngờ viêm khớp, bác sĩ có thể cho chụp Xquang để kiểm tra kĩ hơn và để kiểm tra có lắng đọng canxi, gai xương hay các vùng bị xói mòn. Ngoài ra, chụp Xquang có thể cho thấy sự hư hỏng hoặc mất khoảng trống giữa các xương.
Nếu bạn bị đau xung quanh hoặc ngay taị gốc ngón cái, bác sĩ có thể kiểm tra các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay.
Điều trị
Mức độ trầm trọng của các triệu chứng viêm khớp ngón cái quyết định cách tiếp cận điều trị.
Viêm khớp là một bệnh tiến triển, nghĩa là bệnh có thể nặng hơn theo thời gian. Không có loại thuốc nào có thể làm chậm quá trình viêm khớp ngón cái.
Tuy nhiên, các kĩ thuật chăm sóc và các phương pháp điều trị có thể giúp làm giảm cơn đau và cải thiện chức năng ngón tay cái, như:
- Tập vận động để tăng sức bền các cơ quanh ngón cái;
- Dùng thuốc kháng viêm để giảm sưng;
- Mang dụng cụ hỗ trợ ngón tay cái và cổ tay;
- Tránh các hoạt động tạo áp lực lên ngón tay cái;
- Tiêm steroid để giảm viêm.
Nếu những cách trên không hiệu quả, bạn cần phải phẫu thuật.
Các phương pháp phẫu thuật gồm:
- Cắt xương thang: Loại bỏ một phần xương nhỏ ở khớp gọi là xương thang có thể giúp bác sĩ phẫu thuật đêm hoặc treo khớp, giúp giảm đau. Bác sĩ có thể thực hiện tái tạo dây chằng bổ sung như là một phần của thủ thuật này.
- Hợp nhất ngón tay cái: Bác sĩ phẫu thuật có thể chỉ định hợp nhất các khớp ngón tay cái lại với nhau. Điều này sẽ làm giảm khả năng vận động của ngón tay cái nhưng có thể giúp giảm đau và giảm các triệu chứng khác.
- Cấy ghép: Nhiều loại vật liệu có khả năng cấy ghép có thể được đặt vào khớp ngón cái. Chúng có thể cải thiện sự ổn định của khớp và có tác dụng như một rào chắn giữa các xương.
Mất khoảng 8 tuần đến 1 năm để hồi phục sau phẫu thuật ngón cái. Trong thời gian này, bạn sẽ luyện tập với một nhà trị liệu nghề nghiệp hoặc nhà vật lý trị liệu.
Tóm tắt
Viêm khớp ngón cái là tình trạng sụn ở khớp ngón cái bị mòn đi, do các xương ở khớp chà xát vào nhau. Bệnh lý này gây ma sát, viêm nhiễm, tổn thương và đau ở khớp.
Với những kĩ thuật chăm sóc và phương pháp điều trị, nhiều người có thể kiểm soát viêm khớp ngón cái và giảm các triệu chứng.
Viêm khớp có thể nặng hơn theo thời gian. Nếu tình trạng viêm khiến các hoạt động hàng ngày gặp khó khăn hoặc gây đau thì bạn nên đi khám bác sĩ để được điều trị.
Tùy thuộc vào triệu chứng và diễn tiến bệnh viêm khớp mà bác sĩ có thể chỉ định vật lý trị liệu, dùng dụng cụ hỗ trợ khớp bên ngoài hoặc phẫu thuật.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh