✴️ Sỏi đường mật trong gan: Tổng quan, phương pháp điều trị và phòng ngừa

Sỏi mật trong gan là gì?

Sỏi mật trong gan hay còn được gọi với cái tên khác là sỏi gan, là những viên sỏi có kích thước nhỏ, to hoặc bùn xuất hiện trong đường dẫn mật, túi mật, ống gan phải, ống gan trái. Cấu tạo chủ yếu của các viên sỏi này chính là bilirubin. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh lý sỏi mật trong gan là do nhiễm trùng đường mật khi bị vi khuẩn tấn công.

Bệnh lý này khá phổ biến ở Châu Á, trong đó có Việt Nam. Tỉ lệ mắc sỏi mật trong gan ở Châu Á hiện đang đứng đầu thế giới. Còn ở Việt Nam, theo thống kê cho thấy, tỉ lệ mắc bệnh lý này khá cao, chiếm từ 15-30% các ca mắc sỏi đường mật.

Sỏi mật trong gan là bệnh lý khá phức tạp về hệ thống gan – mật, nếu không được phát hiện, điều trị sớm, bệnh sẽ tiến triển nặng thêm và biến chứng nguy hiểm, dẫn đến nhiễm trùng máu, xơ gan, viêm gan, thậm chí nặng hơn là ung thư đường mật.

Nguyên nhân gây ra sỏi gan

Sỏi trong gan chính là sỏi sắc tố, với thành phần chính là bilirubin, ở dạng viên hoặc dạng bùn, thường có màu vàng xanh, được tìm thấy ở đường dẫn mật trong gan trái, gan phải và tập trung thành đám hoặc rải rác ở đường mật sâu trong nhu mô gan. Bệnh được gây ra bởi một số nguyên nhân sau:

  • Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý sỏi gan là do nhiễm trùng dịch mật. Ký sinh trùng, giun sán từ đường ruột chui lên đường mật, mang theo vi khuẩn khiến thay đổi khả năng hòa tan bilirubin trong dịch mật, kết hợp với trứng và xác giun tạo thành sỏi.
  • Nguyên nhân khác là do ứ mật trong gan ở những người mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh hay u đường mật trong gan, hoặc những người bị bệnh tan máu, hồng cầu bị phá hủy thải ra một lượng lớn libirubin.
  • Ngoài ra bênh lý này còn có một vài nguyên nhân ít gặp hơn, liên quan đến rối loạn chức năng gan như: xơ gan, viêm gan siêu virus A, B, C, viêm gan do thuốc… khiến các thành phần trong dịch mật bị mất cân bằng.
  • Những người béo phì, lười vận động dẫn đến giảm vận động đường mật cũng là một trong số những nguyên nhân gây bệnh trên.

Sỏi mật trong gan có nguy hiểm không?

Như đã nói ở trên, sỏi mật trong gan là căn bệnh nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Sỏi mật trong gan nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì sẽ gây ra các biến chứng như:

  • Viêm gan: dịch mật bị tích tụ, ứ trệ lâu ngày sẽ là môi trường thích hợp để vi khuẩn phát triển, tấn công vào gan, khiến men gan cao, làm tăng nguy cơ dẫn đến viêm gan. Mặt khác chúng có thể tạo thành các ổ mủ dẫn đến hình thành các ổ áp xe gan, viêm gan.
  • Xơ gan là giai đoạn tiến triển khi gan đã bị viêm nhiễm, các tế bào gan bị phá hủy, mô gan cũng bị tổn thương, không thể hồi phục dẫn đến suy giảm chức năng gan và gan xơ hóa dần.
  • Viêm mủ đường mật: Đây là biến chứng phổ biến của sỏi gan, bệnh thường tái phát nhiều lần, gây xơ hóa và làm hẹp đường mật, áp xe gan, xơ gan mật thứ phát, dẫn tới nhiễm trùng huyết và suy gan.
  • Ung thư đường mật: Đây được coi là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh sỏi mật trong gan, tuy nhiên tỉ lệ mắc không cao chiếm tỉ lệ khoảng 3-10%. Thời điểm phát hiện ung thư đường mật đồng nghĩa với việc bệnh được phát hiện muộn và tình trạng bệnh đã rất nghiêm trọng nên rất khó cứu chữa Người bệnh thường chỉ sống được vài tháng đến khoảng 1,2 năm sau khi phát bệnh.
  • Nhiễm trùng máu: Đây là biến chứng đặc biệt nguy hiểm, gây sốt cao, rét run, choáng váng, tắc mật nặng, rối loạn huyết động… Người bệnh bị nhiễm trùng huyết phải được cấp cứu ngay nếu không sẽ đe dọa tính mạng.

Như vậy, với những biến chứng vừa kể trên, có thể khẳng định sỏi mật trong gan là rất nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Vì vậy người bệnh cần được thăm khám, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị tích cực để tránh những biến chứng gây nguy hiểm cho tính mạng.

Sỏi mật trong gan có nguy hiểm không?

Triệu chứng nhận biết người bị sỏi mật trong gan

Người bệnh dễ nhận thấy những triệu chứng của bệnh sỏi mật trong gan. Ở giai đoạn đầu, các hạt sỏi có kích thước nhỏ nên người bệnh cảm giác chướng bụng, chậm tiêu hóa thức ăn. Đến giai đoạn tiếp theo, kích thước sỏi lớn dần, gây chèn ép trong gan. Lúc này người bệnh sẽ cảm nhận rõ rang những triệu chứng của bệnh, điển hình như:

  • Đau quặn bụng (kiểu đau quặn gan): cơn đau thường xuất hiện sau bữa ăn nhiều mỡ hoặc đau về đêm (tầm từ 22h đến 24h). Vị trí đau ở hạ sườn phải, kiểu đau quặn gan, đau dữ dội và đột ngột, có thể lan ra vai phải. Khi đau kèm theo nôn, không dám thở mạnh. Thời gian đau kéo dài từ 15 phút đến vài giờ và có tính chất chu kỳ.
  • Sốt: Triệu chứng sốt thường có liên quan đến viêm đường mật, túi mật. Người bệnh sốt cao đột ngột, có thể rét run kèm theo vã mồ hôi. Thời gian sốt kéo dài vài giờ đồng hồ, liên tục vài tuần đến vài tháng, đi kèm theo đó là các cơn đau hạ sườn phải, càng đau nhiều thì sốt càng cao.
  • Vàng da: Sỏi trong gan khiến dịch mật ứ đọng tại gan, bilirubin – sắc tố mật có màu vàng thấm vào máu, gây hiện tượng vàng da, vàng mắt. Hiện tượng này thường xảy ra sau khi đau và sốt 1,2 ngày và thường mất đi chậm hơn đau và sốt. Kèm theo vàng da là nước tiểu đậm màu, phân có màu nhạt hơn bình thường.

Điều trị sỏi mật trong gan như thế nào?

Đây là câu hỏi luôn nhức nhối của người bệnh. Khi mắc bệnh sỏi mật trong gan thì phương pháp điều trị như thế nào để hiệu quả và cải thiện sức khỏe. Có 1 vài phương pháp điều trị sỏi mật trong gan được các bác sĩ chỉ định như:

  • Nội soi tụy ngược dòng (ERCP)

Phương pháp này thường được áp dụng cho người bệnh có đường mật chưa bị chít hẹp, kích thước sỏi trong đường mật lớn, dễ can thiệp. Phương pháp này có thể lấy được sỏi trong ống mật chủ, làm giảm áp lực trong đường mật. Ưu điểm của phương pháp này là tiến hành nhanh chóng, ít xâm lấn, giải quyết kịp thời tình trạng ứ trệ dịch mật, hồi phục sức khỏe nhanh.

  • Mổ nội soi tán sỏi qua da.

Bác sĩ sẽ thực hiện bằng cách tạo đường hầm qua da đến gan, đưa ống nội soi vào tán sỏi, dùng dụng cụ bơm rửa hoặc dung rọ gắp sỏi ra ngoài. Đây là phương pháp khó, yêu cầu người thực hiện phải có trình độ kỹ thuật, tay nghề và kinh nghiệm cao, nếu không rất dễ xảy ra biến chứng dẫn tới viêm phúc mạc hoặc nhiễm trùng huyết.

  • Phẫu thuật mở hở lấy sỏi

Phương pháp này được phối hợp với nhiều kỹ thuật hiện đại khác như lấy sỏi bằng rọ, tán sỏi nội soi qua ống mềm, nong và đặt stent đoạn mật bị chít hẹp. Do kết hợp nhiều các kỹ thuật khác nên người bệnh bị tim mạch hoặc rối loạn đông máu sẽ không được chỉ định thực hiện.

  • Phẫu thuật cắt một phần gan:

Phương pháp này sẽ được bác sĩ chỉ định khi tất cả các phương pháp điều trị khác không còn có hiệu quả nữa. Tuy nhiên, một phần lá gan bị cắt có thể gây ảnh hường đến chức năng sản xuất dịch mật, đào thài độc tố, chuyển hóa glucose. Vì vậy đây được cho là giải pháp cuối cùng cho những ca bệnh nặng.

Tất cả các phương pháp điều trị trên đều phải được chỉ định, thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm cao. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị đã được đặt ra.

Phòng ngừa sỏi mật trong gan

Bệnh lý này tuy nguy hiểm nhưng cũng có cách để phòng ngừa nguy cơ tái phát sỏi và hạn chế được tối đa những biến chứng do sỏi gây ra. Người bệnh cần áp dụng chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo vệ sinh.

  • Người bệnh không sử dụng rượu, bia, các chất kích thích, hút thuốc
  • Giảm thực phẩm chứa nhiều chất béo, cholesterol, đồ ăn chiên, rán, đóng hộp
  • Ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn đồ ăn sống, tái để tránh nhiễm giun sán từ thức ăn. Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước
  • Định kỳ tẩy giun sán 6 tháng/lần để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn do giun sán.
  • Tăng cường tập thể dục mỗi ngày như đi bộ, chạy, đạp xe, yoga giúp tăng vận động đường mật, tránh ứ mật trong gan.
  • Khám sức khỏe định kỳ hàng năm giúp phát hiện sớm các nguy cơ bệnh lý.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top