Được xuất bản trên tạp chí Psychosomatic Medicine, một nghiên cứu mới chỉ ra rằng những người khỏe mạnh mà luôn cho là họ có một sức khỏe tốt sẽ có hệ miễn dịch mạnh hơn và ít bị mắc các bệnh cảm cúm thông thường hơn so với những đối tượng không tự tin về sức khỏe của bản thân.
Theo đồng tác giả của nghiên cứu Sheldon Cohen thuộc đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh, PA (Mỹ), một nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng việc tự đánh giá bản thân có sức khỏe không tốt sẽ dẫn tới tình trạng sức khỏe suy sụp khi về già.
Điểm đáng chú ý là mối liên hệ này vẫn rất rõ ràng ngay cả khi đã tính đến ảnh hưởng của những chỉ tiêu về sức khỏe khác như việc kiểm tra sức khỏe tổng quát, xem xét hồ sơ bệnh án và tình trạng nhập viện.
Nghiên cứu cho rằng sở dĩ có mối liên quan như vậy là do những người có xu hướng đánh giá bản thân khỏe mạnh thường có một phong cách sống khá lành mạnh và luôn ở trong một tâm trạng tốt, và những đối tượng như vậy thường ít bị ốm hơn.
Trong nghiên cứu mới nhất này, Cohen và cộng sự muốn đánh giá xem liệu việc tự đánh giá về sức khỏe của bản thân giữa những đối tượng người trẻ tuổi, người trưởng thành khỏe mạnh có thể giúp dự đoán được tình trạng của hệ miễn dịch hay không, và liệu những kết quả này có thể được giải thích dựa vào những yếu tố thuộc về cảm xúc xã hội hay phong cách sống.
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 360 người trưởng thành khỏe mạnh có độ tuổi trung bình là 33 để đánh giá tình trạng sức khỏe của họ theo các bậc: “kém”, “bình thường”, “tốt”, “rất tốt” và “hoàn hảo”.
Chỉ có 2% số người tham gia đánh giá sức khỏe của họ “bình thường”, và không ai cho là họ có sức khỏe kém. Các nhà khoa học cho rằng điều này có thể dự đoán trước được do nghiên cứu được tiến hành trên đối tượng người khỏe mạnh.
Nhóm tham gia sau đó được cho tiếp xúc với virus gây bệnh cảm cúm thông thường và được theo dõi trong vòng 5 ngày để xem liệu họ có bị mắc bệnh hay không. Đây là test để đánh giá đáp ứng của hệ miễn dịch. Kết quả cho thấy khoảng 1/3 số người tham gia bị mắc cảm cúm.
So với những đối tượng tự đánh giá là họ có một sức khỏe “hoàn hảo”, những người cho rằng sức khỏe của họ chỉ ở mức độ “bình thường”, “tốt” hay “rất tốt” có khả năng mắc cảm cúm cao gấp hai lần.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng kết quả này không chỉ độc lập về độ tuổi, giới tính, chủng tộc, chỉ số khối cơ thể (BMI), trình độ học vấn và thu nhập giữa các đối tượng nghiên cứu mà các yếu tố khác thuộc về việc rèn luyện sức khỏe hay chỉ số cảm xúc xã hội cũng không có liên quan.
Các nhà khoa học tin rằng kết quả của họ chỉ có thể giải thích bởi “chỉ số tiền bệnh tật” (pre-morbid indicators) của sự rối loạn chức năng miễn dịch, như là cảm nhận rằng có điều gì đó không ổn đối với sức khỏe của bản thân.
Do vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng các bác sỹ nên yêu cầu bệnh nhân tự đánh giá sức khỏe của họ vì có thể họ đang gặp phải một vấn đề gì đó. Cohen nói thêm rằng: “Thường sẽ có một vài thứ mà chỉ bản thân mỗi người biết rõ chứ không dễ dàng phát hiện được bởi các bác sỹ. Các số liệu của chúng tôi cho thấy rằng đánh giá này phản ánh hoạt động của hệ thống miễn dịch đối với các tác nhân gây nhiễm trùng.”
Trong một bài báo có liên quan đến nghiên cứu, Hyong Jin Cho và cộng sự thuộc trường y đại học California-Los Angeles nói rằng nghiên cứu đã cho thấy một sự đóng góp độc đáo thêm cho những hiểu biết của con người về các cơ chế sinh học có liên quan đến việc tự đánh giá tình trạng sức khỏe và khả năng mắc các bệnh tật. Tuy nhiên, họ cho rằng vẫn cần thêm những nghiên cứu sâu hơn để xác định xem liệu những khám phá mới này có thể được ứng dụng cho các vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh