Lỗ tiểu thấp là một trong những bất thường của hệ tiết niệu - sinh dục nam, thường gặp ở bé trai. Theo đó, cứ 250 bé trai sinh ra sẽ có 1 bé mắc lỗ tiểu thấp (tỉ lệ mắc 1:250).
Bé trai được kết luận bị lỗ tiểu thấp khi lỗ tiểu không nằm ở đỉnh quy đầu, mà mở ra ở mặt bụng (mặt dưới) dương vật. Lỗ tiểu có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào, từ dưới khấc quy đầu đến giữa hai bìu.
Lỗ tiểu thấp thường được phân loại thành: thể trước (thể nhẹ), thể giữa, thể sau (thể nặng). Các dị tật có thể đi kèm lỗ tiểu thấp thường thấy là tinh hoàn ẩn, thoát vị bẹn.
Nguyên nhân đến nay vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên một số yếu tố có thể liên quan, bao gồm yếu tố gia đình, sự bất thường hormone trong thời kỳ mang thai; yếu tố môi trường: thực phẩm, hóa chất…
Việc xác định lỗ tiểu thấp được chẩn đoán dễ dàng qua thăm khám. Các biểu hiện của một trường hợp mắc lỗ tiểu thấp điển hình là lỗ tiểu nằm ở mặt bụng (mặt dưới) dương vật, cong dương vật và bất thường da quy đầu (dư da mặt lưng, thiếu da mặt bụng dương vật), tạo da quy đầu hình mũ trùm.
Về việc điều trị lỗ tiểu thấp: đa số đều cần được phẫu thuật tạo hình niệu đạo và tạo hình dương vật. Một số ít trường hợp lỗ tiểu thể nhẹ, kèm dương vật không cong có thể không cần phẫu thuật.
Thời điểm phẫu thuật lý tưởng nhất là từ 6 - 24 tháng tuổi, tùy từng trường hợp cụ thể.
Trẻ bị lỗ tiểu thấp cần phẫu thuật để điều chỉnh dương vật thẳng, đưa lỗ tiểu lên gần đỉnh quy đầu, tia nước tiểu thẳng. Tỉ lệ thành công trong điều trị lỗ tiểu thấp khoảng 70-80%.
Các trường hợp phẫu thuật thất bại cần được chỉnh sửa lại sau ít nhất 6 tháng.