✴️ Liệu pháp nắn chỉnh xương

Định nghĩa

Nắn xương là phương pháp điều trị bằng tay, có thể giúp chẩn đoán, dự phòng và điều trị đa dạng bệnh lý. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ thực hiện nhiều kỹ thuật khác nhau để di chuyển, duỗi, nắn cơ và khớp người bệnh.

Chuyên gia y khoa thường chia nắn xương làm 3 loại:

  • Trực tiếp: sử dụng lực kích hoạt trực tiếp nhằm di chuyển các mô qua khu vực bị đau
  • Gián tiếp: để cơ thể trong tư thế thư giãn, thả lỏng trong suốt quá trình điều trị
  • Kết hợp: kết hợp hai kỹ thuật trực tiếp và gián tiếp

Nhà trị liệu sẽ di chuyển các chi ở các tư thế khác nhau. Họ cũng có thể dùng lực và nắn cơ thể phù hợp với tình trạng người bệnh để duỗi cơ và chỉnh khớp. Thao tác trong khi thực hiện có thể với tốc độ chậm và lực liên tục hoặc nhanh và đột ngột.

Phương pháp này không nên gây đau cho người bệnh. Nếu họ cảm thấy đau thì nên nói với nhà trị liệu ngay lập tức.

Đối tượng bệnh nhân

Liệu pháp này là một hình thức điều trị cơn đau mãn tính do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Người bị đau thắt lưng hoặc đau cổ là những người thường dùng phương pháp này nhiều nhất. Tuy nhiên, phương pháp này có thể sử dụng trên nhiều đối tượng bệnh nhân với các bệnh lý khác nhau.

Phương pháp này cũng phù hợp đối với phụ nữ mang thai, nó có thể giúp họ giảm đau thắt lưng hoặc vùng chậu trong và sau khi mang thai.

Các bệnh lý có thể sử dụng liệu pháp nắn chỉnh xương

  • Hen suyễn: liệu pháp này có thể hỗ trợ người bệnh kiểm soát tình trạng bệnh.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD): bao gồm viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng. Các nghiên cứu cho thấy sự kết hợp giữa điều trị bằng thuốc và liệu pháp này có thể làm cải thiện đáng kể tình trạng bệnh, tổng trạng và sinh hoạt hang ngày của người bệnh.
  • Các vấn đề cơ xương: đây là phương pháp điều trị phổ biến đối với đau thắt lưng và đau cổ. Nó cũng có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả cho hội chứng ống cổ tay và kết hợp với thuốc gabapentin để điều trị chứng đau cơ xơ hóa.
  • Đau mãn tính: đây là phương pháp phổ biến để điều trị đau mãn tính. Nó có thể giúp làm giảm đau, cải thiện chức năng và giảm thiểu việc sử dụng thuốc để điều trị.
  • Đau đầu và đau nửa đầu: phương pháp này phù hợp đối với những người bị đau đầu mà không muốn sử dụng thuốc hoặc họ không thể sử dụng một số loại thuốc. Một vài nghiên cứu cũng cho thấy phương pháp này có thể phù hợp đối với đau nửa đầu,

Các tình trạng trong thời kỳ mang thai: phương pháp này có thể hỗ trợ điều trị một số tình trạng liên quan đến thai kỳ như đau vùng hông chậu và đau thắt lưng.

Chu trình thực hiện

Trước khi thực hiện liệu pháp: Người bệnh sẽ được nhà trị liệu đánh giá nhu cầu của họ. Nhà trị liệu có thể hòi về: triệu chứng, lối sống, tiền sử bệnh lý, các bệnh lý khác hiện có, chế độ dinh dưỡng, thói quen ngủ, sức khỏe tâm thần, cường độ hoạt động thể chất. Từ đó, nhà trị liệu có thể thiết lập chế độ trị liệu phù hợp với người bệnh. Ngoài ra, họ cũng có thể khám sức khỏe người bệnh bằng cách ấn và cảm nhận các khu vực để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Trong quá trình điều trị: người bệnh có thể đứng, ngồi hoặc nằm trên bàn khám. Nhà trị liệu sẽ thực hiện nhiều kỹ thuật khác nhau để nắn chỉnh cơ thể. Các triệu chứng và nhu cầu của người bệnh sẽ xác định kỹ thuật được thực hiện. Các kỹ thuật phổ biến có thể được thực hiện bao gồm:

  • Mát xa: nhà trị liệu có thể sử dụng khác kỹ thuật mát xa khác nhau giúp làm giãn cơ
  • Kéo căng: giúp giảm cứng khớp
  • Cử động khớp trong phạm vi hoạt động bình thường của khớp
  • Dùng lực tác động: nhà vật lỹ trị liệu có thể thực hiện kỹ thuật nhanh và dứt khoát

Mục đích của các kỹ thuật trên:

  • Giảm đau
  • Cải thiện phạm vi cử động
  • Kích thích lưu thông máu

Nhà trị liệu không nên làm đau bệnh nhân. Nếu như người bệnh cảm thấy đau trong quá trình thực hiện thì nên nói cho nhà trị liệu.

Một số kỹ thuật trong liệu pháp nắn chỉnh xương tương tự như những kỹ thuật trong chấn thương chỉnh hình, vật lý trị liệu hay liệu pháp mát xa khác. Tuy nhiên, khi thực hiện liệu pháp này, nhà trị liệu hay bác sĩ cần kết hợp kỹ thuật với kiến thức chuyên môn về sinh lý học.

Sau quá trình điều trị: Tác động của liệu pháp này sẽ khác nhau tùy cơ địa mỗi người. Một số người cảm thấy cứng hoặc đau nhức sau điều trị nhưng những điều này sẽ hết sau đó. Người bệnh nên nói với nhà trị liệu nếu họ cảm thấy đau sau điều trị.

Trong một vài trường hợp, người bệnh có thể được khuyên thực hiện một vài phương pháp sau điều trị như:

  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể
  • Không nên đi lại nhiều
  • Tránh vận động quá sức trong vòng 24h

Lợi ích của liệu pháp nắn chỉnh xương

  • Giảm các triệu chứng đau mãn tính và hạn chế việc sử dụng thuốc
  • Kiểm soát COPD, có thể giúp cải thiện sức khỏe và tổng trạng, khiến người bệnh được cải thiện các chức năng
  • Giảm các triệu chứng đau thắt lưng
  • Kiểm soát các cơn đau nửa đầu và giảm triệu chứng của đau nửa đầu
  • Giảm đau vùng chậu và đau thắt lưng trong thời gian mang thai
  • Điều trị các vấn đề về cấu trúc khớp, cơ
  • Cải thiện đau khớp và cứng khớp
  • Tránh việc sử dụng các thuốc giảm đau không cần thiết

Nguy cơ và biến chứng

Liệu pháp này là phương pháp điều trị an toàn cho hầu hết mọi người, các tác dụng phụ của nó hiếm khi xảy ra.

Một số người bệnh có thể cảm thấy cứng và đau sau điều trị nhưng chúng sẽ mất đi sau vài ngày.

Thời gian hồi phục

Bệnh nhân có thể cảm thấy cứng hoặc đau sau điều trị, tuy nhiên chúng sẽ hồi phục sau 1 hoặc 2 ngày.

Bác sĩ cũng có thể khuyến khích người bệnh tránh vận động quá sức và tập thể dục vài ngày.

Nếu họ cảm thấy cứng hoặc đau khớp không hết sau vài ngày thì nên báo lại với bác sĩ.

Tổng kết

Liệu pháp nắn chỉnh xương khớp là kỹ thuật bằng tay có thể giúp điều trị nhiều loại bệnh lý. Khi thực hiện liệu pháp, bác sĩ sẽ di chuyển, duỗi và nắn chỉnh cơ và khớp người bệnh. Nó có thể giúp chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị một số bệnh lý.

Phương pháp này có thể là lựa chọn điều trị phù hợp cho đau mãn tính, đau thắt lưng, COPD, các vấn đề cơ xương và đau đầu.

Đây là phương pháp an toàn và ít phản ứng phụ. Người bệnh có thể cảm thấy đau và cứng sau điều trị nhưng sẽ hết sau vài ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top