Tâm căn suy nhược theo ICD10

I. ĐẠI CƯƠNG.

Theo bảng phân loại ICD-10 của tổ chức Y tế Thế giới thì bệnh tâm căn suy nhược (f48.0) được xếp chung trong một chương Các rối loạn bệnh tâm căn có liên quan đến stress và dạng cơ thể (f40-f48).

Lý do gộp chung này là do yếu tố lịch sử, dựa trên quan điểm “các bệnh tâm căn”. Một lý do khác là đa số chúng có một nguyên nhân cơ bản là do căn nguyên tâm lý, dù không chắc chắn, vì có nhiều bệnh lý không chứng minh được là do sang chấn tâm lý gây ra.

Tuy thuật ngữ bệnh tâm căn vẫn còn sữ dụng, nhưng nó chỉ hiện diện ở phần tiêu đề của chương f40-f48 và ở mục f48.(1)

II. NGUYÊN NHÂN.

Trong các loại bệnh lý tâm thần thì loạn thần kinh là lĩnh vực bị thuyết phân tâm học ảnh hưởng nhiều nhất. Ngay cả cho đến ngày nay người ta đã thay từ loạn thần kinh bằng từ rối loạn nhưng ảnh hưởng của Freud vẫn còn sâu đậm.

1. Phân tâm học : bao gồm các khái niệm vô thức, tiềm thức/ý thức, cái ấy, cái tôi, cái trên tôi.

2. Thuyết tập tính: Thuyết tập tính xem nhân cách là một tổng thể của các hành vi.

3. Thuyết thực thể di truyền: thừa nhận vị trí quan trọng của yếu tố bẩm sinh duy truyền.

4. Học thuyết điều kiện hóa của Paplop : theo thuyết này thì loạn thần kinh là do mất linh hoạt giữa hai quá trình hưng phấn và ức chế.(1)

III. CHẨN ĐOÁN.

1. Lâm sàng.

Có những thay đổi đáng kể có liên quan đến nền văn hóa trong biểu hiện của rối loạn này với hai thể chính thường pha trộ với nhau:

- Trong thể thứ nhất, người bệnh thường than phiền về sự mệt mỏi gia tăng sau một cố gắng trí óc, thường kèm theo sự giảm năng suất nghề nghiệp hoặc hiệu quả công việc hằng ngày. Sự dễ mệt mỏi trí óc thường được mô tả như sự xâm nhập khó chịu của các liên tưởng hoặc hồi ức làm cho người bệnh phân tán tư tưởng, không tập trung được và hoạt động tư duy thường kém hiệu quả.

- Trong thể thứ hai, các cảm giác yếu sức và suy kiệt cơ thể dù chỉ sau một gắng sức tối thiểu, kèm theo sự đau nhức cơ bắp và không thư giản được.

Trong cả hai thể người bệnh thường có cảm giác khó chịu như choáng váng, đau căng đầuvà cảm giác không ổn định lan tỏa. Ngoài ra người bệnh còn lo lắng về sự giảm cảm giác khoan khoái về cơ thể lẫn tâm thần, dễ bực tức, mất hứng thú, kèm theo mức độ nhẹ về lo âu trầm cảm. Giấc ngủ thường bị rối loạn ở giai đoạn đầu và giai đoạn giữa, nhưng ngủ nhiều cũng có thể gặp.(2)

2. Cận lâm sàng:

-      Tổng phân tích tế bào máu và sinh hóa máu thường quy.

-      Test ma túy.

-      Điện não, lưu huyết não.

-      CT Scan, MRI sọ não.

-      Các test tâm lý: Test Beck, Zung, MMPI…

3. Chẩn đoán xác định.

Dựa vào ICD-10 , chẩn đoán xác định cần có những điều kiện như sau:

- Hoặc là có các than phiền dai dẵng và khó chịu về mệt mỏi gia tăng sau một cố gắng trí óc hoặc là các than phiền dai dẵng và khó chịu về sự yếu sức và suy kiệt cơ thể sau một gắng sức nhỏ.

- It nhất hai trong các hiện tượng sau:

+ Đau nhức cơ bắp.

+ Mất khả năng thư giãn.

+ Đau căng đầu.

+ Ăn khó tiêu.

+ Rối loạn giấc ngủ.

+ Dễ bực tức.

+ Choáng váng.

- Mọi triệu chứng thần kinh thực vật và trầm cảm hiện diện là không đủ dai dẵng và nặng nề để đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của bất kỳ rối loạn đặc hiệu nào khác.(2)

IV. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT.

1.     Rối loạn trầm cảm (F32).

2.     Rối loạn lo âu (F41).

3.     Rối loạn dạng cơ thể (F45).

4.     Suy nhược không biệt định khác (R53)

5.     Suy kiệt (Z73.0).

6.     Khó chịu và mệt mỏi (R53).

7.     Hội chứng mệt mỏi sau nhiễm vi rút (G93.3).

8.     Các rối loạn tâm căn không biệt định khác (F48.8).(2)

V. ĐIỀU TRỊ.

1. Nguyên tắc .

- Chủ yếu sử dụng các liệu pháp hóa học và hành vi.

- Kết hợp các liệu pháp hóa học và hành vi là có hiệu quả nhất.

- Chọn chiến lược điều trị thích hợp nhất là sự đánh giá của Thầy thuốc và sự hợp tác của bệnh nhân.

2. Điều trị cụ thể.

-         Tâm lý trị liệu.

-         Thư giản luyện tập.

-         Hoá trị liệu:

+ Các thuốc nhóm Benzodiazepin: mục đích để bình thần, giảm căng thẳng.

-         Clonazepam : liều dùng 1-2mg/ngày, uống 1-2 lần hoặc vào buổi tối.

-         Diazepam : liều dùng 5-10mg/ngày, uống 1-2 lần hoặc vào buổi tối.

+ Các thuốc chống trầm cảm phối hợp với Benzodiazepin:

-         Fluoxetine: 20-40mg/ngày.

-         Mirtazapine : 15-30mg/ngày.

-         Sertraline : 50-100mg/ngày

-         Venlafaxin : 75-150mg/ngày

-         Luvox : 50-100mg/ngày.

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

1.     Nguyễn Hữu Cát.(2014). Các rối loạn lo âu và các rối loạn liên quan đến stress. Bài giảng sau đại học. Huế - 2014.

2.     Tổ chức Y tế Thế giới. (1992 ) Phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 về rối loạn tâm thần và hành vi.Trang 150-154.

 

return to top