✴️ Sơ cấp cứu ban đầu chấn thương cột sống

Nếu nghi ngờ chấn thương ở cổ, lưng (cột sống), không nên di chuyển nạn nhân ngay vì có thể gây di lệch ổ gẫy và chèn ép vào tủy sống gây ra liệt vĩnh viễn hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác. Nhiều trường hợp không phát hiện được chấn thương cột sống cho đến khi phát hiện tổn thương trên X- quang.

Cần nghĩ đến chấn thương cột sống trong trường hợp tai nạn sau:

  • Có bằng chứng về chấn thương vùng đầu và/hoặc có rối loạn ý thức.
  • Ngã từ độ cao hơn 2 lần chiều cao nạn nhân.
  • Tham gia giao đấu thể thao, võ thuật.
  • Nạn nhân phàn nàn về cơn đau dữ dội vùng cổ hoặc lưng, không thể cử động cổ.
  • Chấn thương đã tác động một lực đáng kể vào vùng cổ hoặc lưng.
  • Nạn nhân than phiền về yếu, tê, liệt; đại, tiểu tiện không tự chủ; thở bụng hoặc co cứng dương vật.
  • Cổ hoặc cơ thể bị xoắn hoặc ở tư thế bất thường do thay đổi tư thế đột ngột.

Nếu nghi ngờ ai đó bị chấn thương cột sống, hãy làm theo các bước sau:

Gọi hỗ trợ: 115 với người sử dụng dịch vụ di động ở bất kỳ địa phương nào mà không cần mã vùng, nghe hướng dẫn từ nhân viên y tế hoặc gọi xe cứu thương nơi gần nhất.

Cố định cột sống cổ nếu nghi ngờ chấn thương cột sống cổ: Nếu nạn nhân tỉnh táo, khuyến khích họ nằm yên hoàn toàn. Dùng nẹp cột sống chuyên dụng hoặc vật liệu có sẵn: túi cát, vật nặng, khăn vải cuộn chặt để cố định hai bên cột sống cổ, lưng, dùng băng keo hoặc dây để cột lại. Đặc biệt chú ý với nẹp cổ, nẹp phải tỳ vào xương đòn, khối cơ vai, đầu trên tỳ vào xương hàm dưới ở hai bên và chẩm ở mặt sau (hình 1). Khi nạn nhân đã nằm trên ván cứng có thể đặt hai bao cát ở hai bên cổ chiều dài từ tai đến xương đòn rồi cố định bằng dây buộc ở trán, vai, cánh chậu, gối và cổ chân.

Hình 1. Cố định cột sống cổ bằng nẹp chuyên dụng và bằng túi cát

Nếu nạn nhân có biểu hiện ngừng tuần hoàn: thở ngáp, ngừng thở hoặc mất mạch, bắt đầu hồi sinh tim phổi, khai thông đường thở bằng cách dùng ngón tay nhẹ nhàng đẩy xương hàm và nâng về phía trước (hình 2a); không dùng kỹ thuật ngửa đầu nâng cằm (hình 2b).

Giữ mũ bảo hiểm: nếu nạn nhân đang đội mũ bảo hiểm, đừng cố gắng bỏ nó ra. Chỉ tháo kính chắn gió mũ bảo hiểm nếu cần tiếp cận đường thở. Bởi vì cố gắng cởi bỏ mũ bảo hiểm có thể làm nặng tình trạng chấn thương cột sống.

Nếu nạn nhân có biểu hiện nôn hay sặc dịch tiêu hóa, máu, dị vật. Tiến hành đánh giá tình trạng hô hấp, nếu nạn nhân vẫn còn thở cho nạn nhân nằm nghiêng (một người cố định đầu và cổ, người còn lại phối hợp cùng nhau nghiêng nạn nhân đảm bảo giữ cho đầu, cổ và lưng nạn nhân thẳng trong khi nghiêng nạn nhân) sau đó dùng tay móc dị vật trong miệng và đường thở (hình 3)

Hình 3. Đặt nạn nhân nằm nghiên để bảo vệ đường thở

Đa số các trường hợp chấn thương vùng ngực, lưng – thắt lưng và thắt lưng không cần phải bất động bằng nẹp ngay tại hiện trường. Nạn nhân cần được đặt lên một miếng ván cứng và cố định vào ván theo các mốc như trên khi di chuyển.

Các chi gãy cần được bất động trên và dưới ổ gãy một khớp trước khi đặt nạn nhân lên cáng để di chuyển.

Vận chuyển nhanh chóng đến bệnh viên bằng ván cứng: Cần ít nhất 4 người. Một người (A) đứng trên đầu nạn nhân, hai người đứng bên phía nạn nhân sẽ xoay lưng, một người đứng bên đối diện. (A) chỉ huy, mọi người cùng lăn nghiêng nạn nhân qua như lăn một khúc cây trong khi (A) giữ cho đầu nạn nhân xoay chuyển đồng trục với cơ thể. Nạn nhân phải được xoay nghiêng đồng trục sao cho cơ thể không bị vặn khi xoay. Sau đó đặt miếng ván cứng bên cạnh, cho nạn nhân trở lại tư thế nằm ngửa trên cáng làm sao cho nạn nhân thẳng trục (Hình 4).

Hình 4. Dịch chuyển tư thế nạn nhân

Dùng các dây cột ngang cố định nạn nhân vào ván (hình 5), dùng bao cát hoặc quần áo nạn nhân hoặc các vật dụng khác kê hai bên đầu nạn nhân. Đặt nạn nhân đã được cố định trên miếng ván cứng lên cáng và chuyển nạn nhân tới bệnh viện.

Hình 5. Cố định toàn thân nạn nhân trên nền cứng

Những việc không nên làm ở nạn nhân bị nghi ngờ chấn thương cột sống:

  • Không bao giờ đặt nằm sấp khi nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ.
  • Không xốc, vác, cõng nạn nhân
  • Không chở nạn nhân bằng xe đạp, xe moto, xích lô, taxi
  • Không khiêng, di chuyển nạn nhân bằng ghế tựa thấp, võng, hoặc kê gối dưới đầu khiến cổ gập.

Xem thêm: Sự cần thiết của bộ dụng cụ sơ cứu

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top